Với tinh thần “Học Bác một đời, học Bác mãi mãi”, cựu chiến binh (CCB) Bùi Văn Căn không chỉ bất khuất, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mà còn tỏa sáng trên mặt trận mới - mặt trận chống đói nghèo và trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế của thị trấn Tân Phong.
Cựu chiến binh Bùi Văn Căn giới thiệu về mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình.
CCB Bùi Văn Căn sinh ra và lớn lên ở thôn Phong Lượng, xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương (nay là khu phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong).
Tháng 5-1972, với sức trẻ, khát vọng cống hiến cho đất nước, chàng thanh niên Bùi Văn Căn tình nguyện lên đường nhập ngũ vào quân chủng phòng không. Sau một thời gian huấn luyện và đào tạo chuyên môn, ông được phân công về đơn vị tên lửa bảo vệ thủ đô Hà Nội. Tháng 12-1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, ông Căn cùng đồng đội tham gia chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” và lập nhiều chiến công khi bắn hạ máy bay Mỹ để bảo vệ vùng trời Hà Nội. Đến năm 1978, ông phục viên trở về sinh sống tại địa phương.
Giữ vững nhiệt huyết của người lính trở về, CCB Bùi Văn Căn đã hăng hái tham gia công tác tại địa phương. Thời kỳ đầu, ông tham gia công an xã, rồi làm bí thư chi bộ thôn và nhiều năm nay ông làm chi hội trưởng chi hội CCB. Dù ở công việc nào, ông cũng luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Vừa tích cực tham gia công tác xã hội, CCB Bùi Văn Căn vừa cùng gia đình lăn lộn với cuộc sống để thoát khỏi đói nghèo. Ý chí của người lính vốn không ngại khó, không ngại khổ, lại được thử thách qua bom đạn đã giúp ông luôn tìm mọi cách để vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống. Từ những năm 90, khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, ông cùng gia đình tập trung phát triển chăn nuôi lợn thịt và lợn nái. Có tích lũy từ thu nhập tăng lên hàng năm, CCB Bùi Văn Căn đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi theo khoa học nên đàn đàn lợn ngày càng nhiều và thu nhập cũng ngày càng tốt hơn. Gia đình ông trở thành một trong những hộ nuôi lợn thương phẩm thành công của địa phương.
Năm 2013, CCB Bùi Văn Căn phát hiện thị trường có nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi rất lớn. Nhận thấy địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi ốc, ông cùng một số anh em trong thôn đã đến các nơi trong và ngoài tỉnh học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ốc nhồi thương phẩm và ốc giống. Dù gặp nhiều khó khăn do con ốc là loài thủy sinh, sống, sinh sản, phát triển ở ngoài tự nhiên, chưa ai có kiến thức và kinh nghiệm về chăn nuôi nhưng với niềm đam mê, sự kiên trì của ông cùng một số CCB và bà con trong xã mà nghề nuôi ốc nhồi dần dần được hình thành, phát triển. Thời kỳ ấy, dù đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn ngoại nhưng CCB Bùi Văn Căn lại mạnh dạn chuyển sang nuôi ốc nhồi. Ban đầu, chưa có nơi bán ốc giống nên ông cùng vợ, con tới các chợ trong vùng thu mua những con ốc thương phẩm tự nhiên mà người dân bắt được đem về thả xuống ao. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên lượng ốc trong ao cứ chết dần, tỷ lệ ốc nuôi sống rất thấp. Ông Căn xác định rằng, việc tự tạo ra con giống là điều kiện then chốt trong phát triển nghề nuôi ốc, vì thế ông động viên vợ con, anh em kiên trì, tiếp tục mua ốc ngoài chợ về chọn lọc những con to, khỏe để đưa vào thả nuôi. Cùng với đó, ông tìm hiểu thêm kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm và ghi chép cẩn thận các giai đoạn phát triển của ốc, loại thức ăn được ốc ưa thích và ông đã thành công trong nuôi ốc giống bố mẹ. Nếu nhân ốc giống theo phương pháp tự nhiên thì tỷ lệ nở con không cao. Vì vậy, sau khi ốc đẻ trứng, ông gom lại, cho vào rổ nhựa, đặt trong thùng xốp có nước bên dưới, để vào nơi râm mát, phun nước đảm bảo độ ẩm cho ốc nở đều. Sau khoảng 20 ngày, trứng ốc sẽ nở và ốc con tự bò xuống nước. Nhờ vậy, tỷ lệ trứng nở và ốc con sống đạt trên 90%. Ốc con sau khi nở được thả vào bể nuôi khoảng 20 - 30 ngày có thể xuất bán. Với những kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện, ông đã làm chủ được kỹ thuật nuôi ốc giống và ốc thương phẩm.
Trong những năm chuyển hướng từ nuôi lợn công nghiệp sang nuôi ốc nhồi, ông Căn có một trợ thủ đắc lực là cậu con trai Bùi Văn Hải. Với sự trợ giúp của con trai, ông đã đầu tư làm các bể nuôi chuyên dụng, xây khu nhà màng cho ốc trú ngụ vào mùa đông, lắp hệ thống xử lý nước... với diện ích hơn 3 ha. Ốc nhồi được nuôi theo phương pháp hữu cơ, thức ăn của ốc chủ yếu là bèo, lá sắn, lá khoai... Vừa nuôi ốc, ông Căn vừa nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho anh em hội viên CCB và bà con Nhân dân nhằm tạo nguồn ốc thương phẩm để mở rộng kinh doanh. Năm 2018, gia đình ông thành lập Công ty TNHH Thiên Bảo chuyên kinh doanh ốc nhồi. Hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch là thời gian ốc sinh sản, gia đình ông bán ốc thịt và ốc giống, từ tháng 7 âm lịch trở đi là thời gian nuôi và bán ốc thịt. Khách hàng của gia đình ông là các nhà hàng, siêu thị ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội... 2 năm qua, trung bình mỗi năm gia đình ông Căn bán ra thị trường hơn 60 tấn ốc, doanh thu gần 6 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng gần 1 tỷ đồng. Gia đình ông dự kiến sẽ mở rộng vùng nuôi ra một số địa phương khác, đồng thời xây dựng khu nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc, thiết bị để tách vỏ, làm sạch, chế biến, nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mô hình nuôi ốc nhồi của CCB Bùi Văn Căn được chính quyền địa phương và Nhân dân đánh giá cao, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, trong đó có con em CCB. CCB Bùi Văn Căn chia sẻ: “Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác “phải không ngừng học hỏi, lao động, sáng tạo”. Vì thế, còn sức lực thì tôi vẫn sẽ còn cố gắng lao động để xây dựng đời sống no đủ và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Qua đó, tạo sức lan tỏa, khích lệ tinh thần đến các hội viên, góp phần đưa phong trào CCB làm theo lời Bác ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả”.
Bài và ảnh: Tố Phương
Theo https://baothanhhoa.vn