Bạc Liêu: Chuyện một vị Thượng tọa lấy đạo độ đời

Thượng tọa Tăng Sa Vong bên bàn thờ Bác trong chùa Cái Giá chót.

“PHỤNG SỰ CHÚNG SANH LÀ HỌC BÁC”

Hơn một lần lặp lại câu ấy, Thượng tọa Tăng Sa Vong - Trụ trì chùa Buppharam (chùa Cái Giá chót, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) nói bằng thái độ điềm đạm, chân thành. Hôm chúng tôi đến, sức khỏe ông không ổn do vừa trải qua cơn sốt dài. Đang trò chuyện, một vị phật tử bước vào trao đổi với ông bằng tiếng Khmer. Khi bà quay đi, Thượng tọa giải thích bà ấy hỏi thăm sức khỏe để lo chuyện thuốc thang, cơm nước... Tuy không nghe được ngôn ngữ nhưng thái độ quan tâm ân cần của vị phật tử ấy dành cho ông là điều dễ nhận ra.

Trong gian phòng ngôi tăng xá của chùa, chúng tôi thấy cùng với những bức tượng Phật, bàn thờ, bài vị của nhiều phật tử quá cố, ở một góc trang nghiêm nơi này còn có bàn thờ và ảnh Bác Hồ. Đây là góc thờ Bác đã có từ nhiều năm nay. Yêu kính Bác, trung thành với Đảng, một lòng phụng sự chúng sanh là tâm niệm của vị Thượng tọa này!

Chuyện nuôi sư ăn học tại chùa đã thành truyền thống ở nhiều ngôi chùa Khmer trên địa bàn xã Hưng Hội. Người đỡ đầu cho việc làm ý nghĩa này ở chùa Cái Giá chính là Thượng tọa Tăng Sa Vong. Không thống kê đầy đủ số sư đã được nuôi ăn học ở nơi này, chỉ biết ngay thời điểm hiện tại, mỗi tháng Thượng tọa trích 3,5 triệu đồng để lo chi phí xe cộ cho 13 người đang được chùa nuôi ăn học. Thấy được phát tâm phụng sự chuyện học hành, Hội Khuyến học tỉnh cũng đang thực hiện các bước để vận động thành lập các tổ hội, chi hội khuyến học tại 22 chùa Khmer trong toàn tỉnh.

Trong gian phòng này, gây chú ý còn là những bằng khen đủ các cấp từ Trung ương đến địa phương đề tên Thượng tọa. Nào là ủng hộ Quỹ An sinh xã hội, công tác vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, có thành tích trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh...

Thượng tọa Tăng Sa Vong hiện là Ủy viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và đặc biệt là Trụ trì chùa Cái Giá từ năm 1987 lúc ông mới 25 tuổi đến giờ đã ở ngưỡng 60. Đảm nhiệm nhiều vai trò như vậy nhưng bà con Khmer ở Hưng Hội nói chung và rất nhiều đồng bào Khmer trong và cả ngoài tỉnh yêu quý Thượng tọa là ở cách phụng sự chúng sanh trong bất cứ công việc đạo hay đời mà ông đã hướng trọn đời mình.

Một điểm dạy học thuộc Trường tiểu học Trần Quốc Toản do chùa hiến đất xây dựng. Ảnh: C.T

“NHỚ ƠN THƯỢNG TỌA ĐỂ PHẤN ĐẤU”

Bà con, phật tử quý mến Thượng tọa Tăng Sa Vong như người ông, người cha trong gia đình mình. Chính phẩm hạnh, đạo đức của Thượng tọa là tấm gương lan tỏa cái đẹp, cái hay để mọi người noi theo.

Năm nay bé Phan Thị Mỹ Lệ vào lớp 1 và còn em trai vào lớp Lá, cả hai học chung tại một điểm lẻ của Trường tiểu học Trần Quốc Toản xây dựng ở gần nhà. Đó là phần đất mà chùa Cái Giá hiến tặng địa phương để chăm lo sự học của vùng đất đã nuôi dưỡng nhiều người con thành đạt. Hiến đất xây trường học, xây nhà văn hóa ấp, sắm sửa ghe ngo, rồi tham gia hỗ trợ gạo, học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, góp tiền xây nhà tình thương..., tựu trung lại là chăm lo cho dân, đó là cách làm theo Bác của Thượng tọa. Anh Phan Na Khan - cha của chị em Mỹ Lệ cũng là người vừa được địa phương và chùa Cái Giá tặng căn nhà tình thương trị giá 90 triệu đồng. Đây là một trong 3 căn nhà tình thương mà chùa góp tiền tặng cho hộ Khmer nghèo ở ấp - việc mà chùa thường xuyên tham gia để cùng với chính quyền chăm lo đời sống cho bà con ở xã có hộ nghèo theo tiêu chí mới nhiều nhất huyện Vĩnh Lợi này.

“Nhớ ơn Thượng tọa, vợ chồng tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa để thoát nghèo”, bằng giọng nói lơ lớ, anh Na Khan thể hiện quyết tâm của bản thân. Anh kể, chuyện chăm lo đời sống đồng bào, phật tử của Thượng tọa đâu chỉ làm vợ chồng anh cảm động để tự biết nỗ lực vươn lên, mà bất cứ ai, từ già đến trẻ, hễ nhắc đến Thượng tọa là người ta kể bằng cả sự trân quý.

Nhìn dọc hai bên đường của ấp Cái Giá, nhiều ngôi nhà khang trang, cây xanh được tỉa gọn gàng, những bờ rau mọc xanh um lấp đầy những mảnh đất hoang, mới thấy đời sống kinh tế, nhận thức về nếp sống văn hóa, văn minh của bà con ở đây thay đổi nhiều. Trong sự đổi thay đó, nhiều người cho rằng tấm gương lấy đạo độ đời của Thượng tọa Tăng Sa Vong đã lan tỏa tới suy nghĩ, cách sống của người dân nơi đây. Ngồi chuyện trò với nhiều cán bộ xã đang làm công tác tuyển quân ở địa phương, mỗi người một câu, ai cũng dành những lời tốt đẹp khi nhắc đến Thượng tọa. Chủ tịch UBND xã Hưng Hội - Nguyễn Hoàng Em chốt lại: “Việc đời, việc dân, việc nước ở đây luôn được Thượng tọa đỡ đầu, bằng tinh thần lẫn vật chất và bằng chính tấm gương của mình”.

Nói về việc học tập và làm theo Bác, Thượng tọa chỉ ra điểm tương đồng: “Bác thì cả đời vì dân vì nước, bất cứ phần việc gì cũng hướng đến phục vụ nhân dân. Còn Phật giáo thì nêu cao tinh thần phụng sự chúng sanh, khuyên con người luôn hướng thiện và thực hành nhân ái”.

Học Bác ở tinh thần ấy, Thượng tọa Tăng Sa Vong đã làm lan tỏa tinh thần phụng sự Nhân dân, chung tay với Đảng bộ, chính quyền kiến tạo quê hương ngày thêm tươi đẹp, đồng bào ấm no.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website