Phú Thọ: Về nơi “Ngọn cờ gió Đại Phong”

Bác về thăm HTX Nam Tiến ngày 19/8/1962 (ảnh tư liệu)

Lời Người ấm những mùa thu

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi về thị trấn Lâm Thao – nơi ghi dấu những ký ức lịch sử của 60 năm trước, những nhân chứng lịch sử giờ đây đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng niềm vui, sự xúc động khi được gặp Bác vẫn vẹn nguyên trong trái tim và trong dòng hồi tưởng.

Ngược dòng lịch sử, ông Nguyễn Văn Vũ – nguyên Bí thư Đảng ủy Thị trấn Lâm Thao, khi đó mới chỉ là một thiếu nhi đeo khăn quàng đỏ nhớ lại: “Chúng tôi đang vui chơi ở gần HTX thì thấy xe ô tô dừng lại, rồi thấy một người mặc bộ quần áo nâu, đi dép cao su bước xuống xe, mọi người nhanh chóng nhận ra Bác rồi ai cũng hô to: A! Bác Hồ! Bác Hồ! Cảm xúc lúc đó hạnh phúc, vui sướng vỡ òa không thể diễn tả hết thành lời. Rồi Bác ra hiệu bảo mọi người vào sân HTX. Bác ân cần hỏi thăm từ người già đến trẻ nhỏ. Bác hỏi từng cháu một học lớp mấy, rồi nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng học thật giỏi để sau này xây dựng đất nước, xây dựng quê hương. Bác dặn tất cả mọi người phải đoàn kết, đoàn kết thì mới thành công. Cán bộ, đảng viên phải nhận việc khó mà làm”. Lời Bác dặn đã trở thành động lực để cậu bé Vũ ngày ấy phấn đấu học tập, rèn luyện trưởng thành cống hiến cho quê hương, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, rồi trở về quê nhà tham gia vào cấp ủy, hai khóa giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã, 18 năm làm Bí thư Chi bộ.

 Ông Nguyễn Văn Mộc (ở giữa) hồi tưởng hình ảnh về Bác trong buổi sáng ngày 19/8/1962

 Trong dòng người ra đón Bác ở HTX Nam Tiến ngày hôm đó còn có ông Nguyễn Văn Mộc 80 tuổi, lúc bấy giờ là thanh niên tuổi 20 được đứng ở hàng đầu tiên cùng một vài người khác để đón Bác đồng thời cũng là người được chụp ảnh cùng Bác. Ông Mộc kể: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ ở nhà chuẩn bị đón cấp trên và cũng không được biết cấp trên là ai. Rất bất ngờ vì đó lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên sân trụ sở HTX lúc đó có khoảng 500 người, chủ yếu là người dân và xã viên của xóm Sổ, khu Phương Lai vì tất cả bà con xã viên đã lên nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao để chờ đón Bác. Một lúc sau, biết Bác về mọi người bắt đầu tập trung đông hơn lên đến gần 1.000 người. Đứng luôn tại sân trụ sở HTX, Người hỏi thăm sức khỏe và tình hình thu hoạch vụ mùa vừa qua, Người khen ngợi xã viên, cán bộ, đảng viên và căn dặn: “Xã viên phải biết làm chủ. Ban quản trị là những người phục vụ xã viên chứ không phải làm thầy, làm quan. Ban quản trị phải dân chủ, quản trị làm tốt thì HTX phát triển”.

Về thăm HTX Nam Tiến, Bác đến thăm từng nhà xã viên, xem đời sống như thế nào, Bác chọn những nhà nghèo nhất, đến tận nơi để hòm lúa của gia đình, gõ từ trên xuống. Đến nửa hòm thấy kịch kịch, Bác cười và nói rằng vẫn còn lúa. Rồi Người căn dặn bà con phải ăn ở vệ sinh, chăm lo sản xuất và tiết kiệm… Trước khi chia tay ra về, bà con xã viên Nam Tiến, người đem dừa, người đem bí ngô đến biếu, Bác vui vẻ nhận, cám ơn và tặng lại bà con. Cuối năm 1962, HTX Nam Tiến trồng được cây dừa hai mầm và mang về Phủ Chủ tịch biếu Bác.

Viết tiếp trang sử vẻ vang

Thị trấn Lâm Thao nay đã khoác lên mình diện mạo mới khang trang, hiện đại.

Sau lần Bác về thăm, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lâm Thao nói chung và và thị trấn Lâm Thao nói riêng đã luôn ra sức thi đua, lao động và gặt hái được những thành quả đáng tự hào. Năm 1962, HTX Nam Tiến đạt năng suất lúa trên 5 tấn/ha và giành cờ “ba ngọn cờ hồng” của tỉnh. Năm 1964, 90% số đội sản xuất của HTX đạt 30 tạ/ha, vụ mùa 100% số đội đạt 33 tạ/ha. Thu nhập của HTX và xã viên tăng, bình quân mức ăn cho một nhân khẩu tăng từ 13kg/tháng (năm 1961) lên 23kg/tháng (năm 1965). Số hộ đủ ăn cũng tăng từ 23% lên 70%, số hộ thiếu ăn giảm 68% so với năm 1960. HTX được Bộ Nông nghiệp xếp loại HTX “ba đỉnh cao” của tỉnh. Năm 1965, HTX Nam Tiến tiếp tục là đơn vị điển hình về năng suất cao ở miền Bắc, được nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì, được Bộ Nông nghiệp lấy làm điển hình năng suất lúa 6 tấn/ha/năm của miền Bắc.

Khắc ghi lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Cao Mại xưa, nay là thị trấn Lâm Thao luôn nỗ lực hết mình, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, công tác văn hóa, giáo dục, y tế... được quan tâm, đẩy mạnh hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ với khoảng 800 cơ sở sản xuất cá thể, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,91%. Thị trấn Lâm Thao hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng, ngõ xóm đã được trải nhựa và bê tông; trụ sở thị trấn, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, vóc dáng đô thị đang hiện hữu và phát triển từng ngày, xứng đáng là trung tâm văn hóa, xã hội của huyện.

Đồng chí Nguyễn Đình Cung – Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Sự kiện Bác về thăm là niềm vinh dự, tự hào, nguồn động viên lớn đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn trong suốt chặng đường đã qua và cả sau này. Thực hiện lời căn dặn của Bác khi về thăm là không ngừng thi đua lao động sản xuất để nâng cao đời sống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thị trấn, thực hiện khâu đột phá về đầu tư, kết cấu hạ tầng và dịch vụ thương mại để phát triển bền vững”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website