Cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Huyện ủy Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã triển khai mô hình "5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo". Bằng những hình thức giúp đỡ đa dạng với từng hoàn cảnh cụ thể, áp dụng phương pháp "cho cần câu không cho con cá", các đảng viên đã sát cánh cùng các hộ nghèo trên con đường vượt khó.

Ngay sau khi Huyện ủy Đắk Song xây dựng kế hoạch "5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo", Đảng ủy xã Trường Xuân đã bắt tay thực hiện. Đến nay, địa phương được đánh giá là một trong những tổ chức Đảng triển khai tốt.

Gia đình bà Trần Thị Mầu, tại bon Jâng Plei 3, xã Trường Xuân là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhận thấy, nhu cầu của gia đình bà Mầu là cây con giống, kỹ thuật, ngày công, vốn đầu tư…, nhóm 5 đảng viên của Chi bộ bon Jâng Plei 3 đã lên kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện giúp bà thoát nghèo. Từ đóng góp của các thành viên và vận động, kêu gọi, nhóm đã hỗ trợ 1 cặp dê giống, 100 con gà giống, 30 cây bơ giống và thức ăn chăn nuôi, phân bón. Bên cạnh đó, nhóm đề xuất với cơ quan chức năng hỗ trợ các chính sách theo quy định như cho vay thêm vốn để giúp bà Mầu vươn lên thoát nghèo. "Được sự giúp đỡ tận tình từ các đảng viên, cuộc sống của gia đình đã đổi thay", bà Mầu vui mừng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng nhóm "5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo" tại Chi bộ bon Jâng Plei 3 cho biết, ngoài việc tìm hiểu hoàn cảnh thực tế để hỗ trợ, các thành viên trong nhóm thường xuyên hướng dẫn gia đình cách chăn nuôi, động viên cố gắng vươn lên.

Xã Trường Xuân hiện có 110 nhóm đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo. Đến nay, các nhóm đã giúp đỡ được 73 hộ thoát được nghèo. Điều đáng nói, từ sự hỗ trợ của nhóm, bản thân các gia đình được giúp đỡ ngày càng tích cực, chủ động hơn trong lao động sản xuất. Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân Nguyễn Văn Anh cho biết, qua thời gian triển khai, mô hình đã được đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Việc giúp đỡ hộ nghèo thiết thực còn là cách để cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, củng cố hơn nữa niềm tin của dân đối với Đảng.

Đảng viên xã Trường Xuân (Đắk Song) thăm hỏi, nắm bắt tình hình động viên hộ nghèo trên địa bàn xã.
Nguồn ảnh: Báo Đắk Nông 

Từ kết quả mô hình "5 đảng viên giúp 1 hộ thoát nghèo", huyện Đắk Song đang nghiên cứu thêm mô hình mới để chỉ đạo các cấp ủy địa phương, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống có giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn. Huyện tập trung kêu gọi các nguồn lực ngoài xã hội giúp đỡ người nghèo về vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật... chung sức trong công tác giảm nghèo.

Triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Thành ủy Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã vận động đảng viên thực hành tiết kiệm để xây dựng “Quỹ đảng viên tiết kiệm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với mục đích giúp đỡ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong những năm qua, từ nguồn quỹ này nhiều đảng viên đã được tiếp sức để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo.

Đảng viên tiêu biểu vươn lên phát triển kinh tế từ “Quỹ đảng viên tiết kiệm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là chị H Ban Niê, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết, trước đây gia đình rất khó khăn, không có ruộng đất để trồng trọt và hạn hẹp nguồn vốn để chăn nuôi, hai vợ chồng phải đi làm thuê nên đời sống kinh tế hết sức bếp bênh. Trong bối cảnh khó khăn, năm 2016 gia đình nhận được 10 triệu đồng hỗ trợ từ “Quỹ đảng viên tiết kiệm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để mua 4 con dê về nuôi với hy vọng tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế và từng bước thoát nghèo.

Không chỉ hỗ trợ đảng viên phát triển kinh tế, “Quỹ đảng viên tiết kiệm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” còn hướng đến giúp đỡ đảng viên khó khăn về nhà ở, mắc bệnh hiểm nghèo để cải thiện đời sống.

Là một trong những đảng viên được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, đảng viên Vũ Văn Nhận, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk không khỏi xúc động và vui mừng khi Tết Nguyên đán năm 2022, đại gia đình ông được đón năm mới trong căn nhà kiên cố và ấm cúng.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk Ngô Trọng Yêm: Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong những năm qua Đảng bộ thành phố Buôn Ma Thuột đã phát huy tốt “Quỹ đảng viên tiết kiệm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để giúp đỡ các đảng viên mắc bệnh hiểm nghèo, nhà ở khó khăn, đảng viên có điều kiện nhân lực nhưng thiếu nguồn vốn để phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, nguồn quỹ đã giúp đỡ nhiều đảng viên phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, nâng cao điều kinh sinh sống cho đảng viên khó khăn và động viên tinh thần, san sẻ khó khăn về vật chất cho nhiều đảng viên mắc bệnh hiểm nghèo.

Có thể thấy, từ những khoản tiền tiết kiệm nhỏ đã trở thành nguồn quỹ lớn. Chính nguồn quỹ này đã và đang trở thành chỗ dựa về cả vật chất lẫn tinh thần cho nhiều đảng viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là việc làm ý nghĩa, thiết thực trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần của Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Từ câu chuyện hũ gạo tiết kiệm của Bác Hồ

Nhiều năm qua, phong trào nuôi heo tiết kiệm giúp bạn nghèo vượt khó được nhân rộng tại nhiều trường học ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Qua đó, góp phần hỗ trợ học sinh nghèo và giáo dục các em về ý thức tiết kiệm, tinh thần sẻ chia cùng cộng đồng.

Trường Trung học Cơ sở Trung Lương là một trong những điểm sáng về thực hiện phong trào nuôi heo tiết kiệm của thị xã Hồng Lĩnh. Từ những chú heo nhựa này đã có hàng chục triệu đồng quyên góp hỗ trợ cho các trường hợp học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn.

Đầu năm học mới, Liên đội Trường Trung học Cơ sở Trung Lương mua 13 chú heo nhựa phát về 13 lớp học. Việc nuôi heo đất được tổ chức vào ngày cuối cùng của mỗi tuần học bằng tinh thần ủng hộ tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi học sinh. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ ghi lại danh sách tiền nuôi heo của học sinh.

Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bắc Hồng tổ chức “mổ lợn” vào dịp cuối năm học. Ảnh: TG 

Thầy Kiều Đình Nam, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Trung học Cơ sở Trung Lương cho biết, toàn trường có 13 Chi đội với 403 học sinh. Vào ngày thứ Bảy hằng tuần, các Chi đội đến nhận heo mang về lớp để học sinh tự nguyện góp tiền bỏ vào heo đất. Mỗi năm, các lớp "đập" heo vào dịp tổng kết năm học để khen thưởng cho sinh nghèo đạt thành tích cao trong học tập. Khi "đập" heo có sự chứng kiến của Ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện Công đoàn, Ban Giám hiệu, Tổng phụ trách Đội, Chi đội các lớp.

Với số tiền tiết kiệm từ 1.000 - 2.000 đồng tiền tiêu vặt hoặc bán phế liệu, những chú heo được các em chung tay “vỗ béo” với mong muốn giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ở các trường mầm non, phong trào nuôi heo tiết kiệm nhận được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh học sinh. Tại Trường Mầm non Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh), từ đầu năm học, mỗi phụ huynh góp 50.000 đồng nhằm hỗ trợ học sinh nghèo ăn bán trú.

Để phong trào nuôi heo đất tiết kiệm đạt hiệu quả, giáo viên tại thị xã Hồng Lĩnh tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào đến học sinh. Trong các tiết học, sinh hoạt, nhà trường thường tuyên truyền về hoạt động này bằng những câu chuyện gần gũi. Trong đó, có câu chuyện về hũ gạo cứu đói năm 1945 của Bác Hồ, giúp các em thấy được giá trị từ sự đóng góp ít ỏi có thể tạo nên những điều kỳ diệu.

Từ sự chung tay quyên góp của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh, nguồn quỹ từ phong trào nuôi heo đất đã giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nâng bước đến trường.

Giá trị khoản tiền tiết kiệm nuôi heo đất tuy không lớn nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương của các em và giáo viên dành cho học sinh nghèo. Đặc biệt, hiệu quả từ phong trào có ý nghĩa rất lớn trong việc rèn luyện và giáo dục phẩm chất của học sinh như đức tính tiết kiệm, tinh thần tương thân tương ái.

Nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua tại tỉnh Sơn La đã triển khai xây dựng hơn 570 mô hình trên các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, cải cách hành chính, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Một trong những mô hình được triển khai và mang lại những giá trị tích cực là dự án "Nuôi em Mộc Châu”. Để thực hiện dự án, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an huyện Mộc Châu và Công an tỉnh Sơn La đã kết nối với các nhà hảo tâm trực tiếp hỗ trợ kinh phí nấu cơm trưa cho học sinh vùng cao, biên giới, mức hỗ trợ mỗi bữa ăn của mỗi em là 6.800 đồng, số tiền đóng góp nuôi một em trong một năm gần 1,5 triệu đồng. Đến nay, dự án đã triển khai nấu cơm trưa cho 1.800 em học sinh mầm non tại 41 điểm trường khó khăn vùng cao, biên giới của hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ với tổng số tiền tài trợ từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2022 trên 3 tỷ đồng.

Thượng tá Lê Huy Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, Công an tỉnh Sơn La cho biết, phát huy hiệu quả của dự án, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh cho mở rộng dự án đến các huyện trong tỉnh. Trong năm 2022, tiếp tục mở rộng thực hiện tại các huyện Bắc Yên, Mai Sơn, Yên Châu cho khoảng 4.000 em./.