Nhạc sĩ Minh Cừ và ca khúc “Người Mông nhớ Bác”
Nhạc sĩ Minh Cừ (thứ 3, từ phải sang) nhận giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2023. Ảnh: NVCC

Trong lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2023 tại Hà Nội, tối 9/9 vừa qua, nhiều người đã tỏ rất xúc động khi thưởng thức bài hát “Người Mông nhớ Bác” qua tiếng hát của ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam. Cùng ở đề tài này, trước nay, nhiều người mới chỉ biết ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” của nhạc sĩ Thanh Phúc thì nay, dưới góc nhìn của nhạc sĩ 8X đã giúp người nghe có một cảm nhận hết sức mới lạ, độc đáo. Vẫn là tình cảm, sự biết ơn, trân trọng của người Mông với Đảng, với Bác Hồ, nhưng được viết với giai điệu trẻ trung, lời ca tha thiết và đặc biệt là dưới góc tiếp cận mang hơi thở của cuộc sống hôm nay.

Là một trong những người tham dự chương trình, tôi rất tò mò về nhạc sĩ Minh Cừ. Đó chính là lý do sau buổi lễ, tôi đã ra “cánh gà” trò chuyện cùng anh, khi anh vẫn còn lâng lâng trong niềm vui và hạnh phúc. Bề ngoài, nhạc sĩ Minh Cừ khá kiệm lời, có lẽ, mọi “thanh âm” anh đều muốn dành cho âm nhạc nên tôi không “khai thác” được nhiều thông tin từ anh. Riêng một điều tôi cảm thấy thật đặc biệt, đó là tuy sáng tác nhiều ca khúc hay nhưng Minh Cừ lại chưa từng theo học lớp sáng tác bài bản nào. Anh vốn theo học đàn nhị và sáo tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, nhưng chính thời gian sinh sống ở Lai Châu (anh quê ở Yên Bái và mới chỉ lập nghiệp tại Lai Châu khoảng 15 năm trở lại đây) đã làm những nốt nhạc được “thai nghén” trong anh.

Anh sáng tác đều đặn và nhiều ca khúc của anh đã được những ngôi sao ca nhạc thể hiện. “Sáng tác âm nhạc là hành trình dài với mỗi nhạc sĩ. Có thể không được học trong trường nhưng bản thân mỗi nhạc sĩ phải tự trau dồi từ các đồng nghiệp, từ sách vở và từ thực tế đời sống. Sáng tác âm nhạc là việc không thể bắt chước, tất cả phải từ cảm xúc và sự chân thành” - nhạc sĩ Minh Cừ nhấn mạnh.

Nói về bài hát “Người Mông nhớ Bác”, nhạc sĩ Minh Cừ cho biết, từ lâu anh đã ấp ủ đề tài này nhưng phải mãi đến gần đây, anh mới có thể “bật” ra được ý nhạc. “Có thời gian tôi lên Hà Giang chơi và được nghe bà con kể nhiều về lịch sử, tập tục, phương thức làm ăn của người Mông. Đặc biệt là mối thân tình giữa Vua Mèo Vương Chí Sình với Bác Hồ, là niềm tin sắt son của người Mông vào Đảng. Một điều khá đặc biệt là trong mỗi gia đình người Mông thường thờ Bác Hồ. Hiện nay, đời sống bà con người Mông ở Hà Giang, Lai Châu và một số tỉnh khác đã khấm khá hơn nhiều.

Nhạc sĩ Minh Cừ Ảnh: NVCC

Qua trò chuyện với họ, tôi được biết, họ luôn khắc ghi mối ân tình với Đảng, với Bác và nhờ có Đảng, có Bác thì người Mông mới có cuộc sống hôm nay. Bởi thế những giai điệu đầu tiên trong bài hát “Người Mông nhớ Bác” ra đời: “Pê tsoom Mông ơi, người Mông ta ở nơi đỉnh núi cao là cao/ Khi ta lớn lên đã nghe câu hát/ Vọng núi, vọng rừng ghi sâu trong lòng/ Lời nào đẹp hơn câu hát người Mông ta thương nhớ Bác Hồ"...” - nhạc sĩ Minh Cừ nói.

Là người con dân tộc Nùng đến từ Lào Cai, ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam - quán quân dòng nhạc dân gian Cuộc thi Sao Mai 2017 luôn được các nhạc sĩ gửi gắm những “đứa con tinh thần” mang màu sắc Tây Bắc. Và khi sáng tác bài hát “Người Mông nhớ Bác”, nhạc sĩ Minh Cừ đã “nhắm” đến cô ca sĩ tài năng này. Nói về ca khúc ý nghĩa này, nữ ca sĩ sinh năm 1993 cho biết: “Năm 2021, nhạc sĩ Minh Cừ có gửi bài “Người Mông nhớ Bác” cho tôi và tôi đã bị mê đắm khi xem qua giai điệu, bởi từ lâu tôi đã rất thích văn hóa cũng như trang phục của người Mông. Đây là bài hát hay, mang nhiều thông điệp, ý nghĩa mà bất cứ người Mông nào cũng thích thú. Bài hát khắc khoải người nghe với những câu hát, như: “Con đường cách mạng người Mông có Bác, người Mông ta có Bác dẫn lối chỉ đường”, “Dù đi khắp muôn phương trời, lời đẹp hơn vẫn là lời Bác”...".

Nghe và cảm nhận ca khúc “Người Mông nhớ Bác”, Thiếu tá, nhạc sĩ Dương Trọng Thành, giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội nhấn mạnh, bài hát đã gói gọn được nỗi lòng, tình cảm và sự biết ơn của đồng bào dân tộc Mông với Bác Hồ kính yêu. “Bài hát đã phát triển trên giai điệu của người dân tộc Mông, với lời ca gần gũi với đồng bào Mông. Tôi rất thích lời ca và cách đặt vấn đề trong bài hát, từ “Còn nhớ năm nào tiếng khèn lầm than tăm tối” đến “Con đường quanh co nương đồi non xanh/ Tiếng đàn em thơ gọi nhau đến lớp”... Tất cả sự “thay da đổi thịt” đó đều do có Đảng, có Bác và sự quan tâm, sâu sát của Đảng, của Nhà nước thông qua những chính sách cụ thể cho người Mông” - Thiếu tá, nhạc sĩ Dương Trọng Thành tâm đắc.

Hiện nay, nhạc sĩ Minh Cừ hoạt động sôi nổi trên cả 3 lĩnh vực nhạc sĩ, biên kịch (kịch bản văn học), đạo diễn/tổng đạo diễn. Anh thường xuyên được mời tham gia những chương trình nghệ thuật lớn trong và ngoài tỉnh Lai Châu. Mới đây, anh đã được một số đơn vị “đặt hàng” kịch bản, ca khúc tham gia Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân năm 2023 và đặc biệt, chương trình ca múa nhạc “Mạch nguồn châu thổ” của Đoàn Văn công Quân khu 3 (do anh là tác giả kịch bản) đã giành Huy chương Vàng.

Sinh năm 1984, tài năng đang ở độ chín, tin rằng, nhạc sĩ Minh Cừ còn có thêm nhiều ca khúc hay, nhiều kịch bản ấn tượng để góp phần làm sôi nổi đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà, nhất là mảng đề tài về đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website