Làm theo lời Bác, Lữ đoàn Công binh 279 huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức lực lượng Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từ tháng 11/2022, Lữ đoàn Công binh 279 (Binh chủng Công binh) có sự điều chỉnh về tổ chức, biên chế, nhiệm vụ. Từ đơn vị công binh bảo đảm công trình, Lữ đoàn phát triển thành đơn vị công binh hỗn hợp, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng công trình quốc phòng; rà phá bom, mìn, vật nổ; bảo đảm vượt sông; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất. Cùng với sự phát triển về tổ chức và nhiệm vụ, Lữ đoàn cũng được trên tăng cường, bổ sung số lượng lớn khí tài, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Đây là điều kiện thuận lợi để Lữ đoàn nâng cao một bước chất lượng tổng hợp, năng lực bảo đảm, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, khi đồng thời vừa kiện toàn tổ chức, biên chế, vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong điều kiện lực lượng, phương tiện phân tán, môi trường làm việc khắc nghiệt, nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn luôn thường trực, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ ít nhiều có những tác động, ảnh hưởng, v.v.

Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung trước hết ổn định tư tưởng, tổ chức, động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, phát huy tinh thần “Mở đường thắng lợi”, chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, hết sức chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật.

Thủ trưởng Lữ đoàn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị rút kinh nghiệm và sơ kết đợt thi đua cao điểm trong tham gia Hội thao thể dục thể thao cấp Binh chủng

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt”1, Lữ đoàn chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyệnDo mới có sự phát triển về nhiệm vụ, nên công tác huấn luyện của Lữ đoàn thay đổi cả về đối tượng, nội dung, chương trình, đến các mặt bảo đảm,... đặt ra cho công tác chuẩn bị phải bảo đảm đầy đủ, toàn diện trên các mặt. Để thực hiện tốt nội dung này, Lữ đoàn chủ động chuẩn bị từ khâu xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện, tập huấn cán bộ, soạn thảo giáo án, tổ chức thông qua giáo án, bồi dưỡng cán bộ, đến chuẩn bị cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập. Trong đó, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ được Lữ đoàn xác định là khâu then chốt, theo phương châm “thiếu, yếu nội dung nào thì bồi dưỡng nội dung đó”. Trong quá trình thực hiện, Lữ đoàn đã triển khai nhiều hình thức, biện pháp bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng; kết hợp chặt chẽ bồi dưỡng theo phân cấp, cơ quan bồi dưỡng cho đơn vị, cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, người có kinh nghiệm bồi dưỡng cho người chưa có kinh nghiệm với mời giáo viên chuyên ngành các nhà trường cùng tham gia. Đáng chú ý, để cập nhật, bổ sung kiến thức đáp ứng sự phát triển yêu cầu, nhiệm vụ, Lữ đoàn đã chủ động mời giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 1 để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tổng hợp, chuyên sâu và toàn diện cho cán bộ. Với các chuyên ngành kỹ thuật đặc thù, nội dung khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ mới, cùng với tích cực lựa chọn, cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, Lữ đoàn chủ động huy động, bảo đảm kinh phí theo quy định cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật đi học tập tại các trường Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng để cập nhật kiến thức chuyên ngành mới mà Quân đội chưa đào tạo, từ đó, xây dựng các tổ giáo viên để tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhân rộng trong toàn Đơn vị2.

Cùng với chuẩn bị chu đáo về con người, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị thao trường, bãi tập, mô hình học cụ, giáo án, sổ sách đăng ký quản lý huấn luyện. Chú trọng củng cố, nâng cấp thao trường phá nổ, vật cản không nổ, thao trường chiến thuật, bãi lái tổng hợp, trường bắn súng tiểu liên AK bài 1, 2; bãi huấn luyện thể lực tổng hợp, v.v. Để nâng cao hiệu quả, Lữ đoàn đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ huấn luyện, khai thác, làm chủ các trang thiết bị có trong biên chế, nhất là trang thiết bị mới, hiện đại. Chỉ tính riêng năm 2023, Lữ đoàn đã có 15 sáng kiến, 05 giáo án điện tử ứng dụng hiệu quả vào công tác huấn luyện; trong đó, 02 sáng kiến được nhân rộng trong toàn quân.

Vừa qua, Lữ đoàn vinh dự được Binh chủng lựa chọn làm điểm về thực hiện đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện cho đối tượng quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan (chuyển từ huấn luyện 4 ngày/tháng sang 16 ngày/tháng, diễn tập 1 năm 1 lần lên 1 năm 2 lần, v.v). Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Lữ đoàn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên và điều kiện thực tế đơn vị, chỉ đạo Phòng Tham mưu chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu, đề xuất các phương án đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đơn vị. Trong đó, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chỉ huy, tham mưu, nhất là tham mưu tác chiến và tham mưu huấn luyện; cập nhật nội dung mới, sát yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm từng chuyên ngành. Với lực lượng Công binh vượt sông, để nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm bí mật, bất ngờ, sát thực tế chiến đấu, cùng với tăng cường rèn luyện thể lực, nâng cao sức dẻo dai cho bộ đội, Lữ đoàn đột phá vào huấn luyện đêm nhằm rèn luyện bản lĩnh, tác phong, khả năng thích ứng linh hoạt với các nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, phức tạp. Với lực lượng Công binh công trình, do thực hiện nhiệm vụ phân tán, mô hình học cụ hạn chế, nên Lữ đoàn thực hiện phương châm “Lấy công trường làm thao trường”, gắn huấn luyện với thi công; tổ chức huấn luyện tại công trình theo ca, kíp, bố trí xoay vòng phù hợp với khối lượng, tiến độ thi công; đồng thời, tăng cường huấn luyện chuyển binh chủng, huấn luyện chuyên ngành hẹp. Cùng với đó, Lữ đoàn đẩy mạnh đổi mới tổ chức hội thao, hội thi, diễn tập,… nhằm kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả huấn luyện, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Năm 2023, Lữ đoàn đã tổ chức 18 cuộc hội thao, hội thi đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; đặc biệt, tổ chức thành công 02 cuộc diễn tập chỉ huy - cơ quan 1 bên, 2 cấp trên bản đồ, có một phần thực binh và trên bản đồ kết hợp với sa bàn, được Binh chủng, cơ quan chức năng đánh giá cao và chọn làm điểm để nhân rộng.


Huấn luyện khai thác, làm chủ trang bị kỹ thuật mới

Do tính chất nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn thường xuyên phải cơ động, phân tán, sinh hoạt trong điều kiện dã ngoại, gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, thực hiện tổ chức biên chế mới và điều chỉnh vị trí đứng chân phù hợp với thế bố trí chiến lược của Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn sẽ di chuyển vị trí đóng quân. Những yếu tố đó tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của bộ đội và công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật của đơn vị. Trước thực tế đó, cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đột phá nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật. Thực tế cho thấy, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật là nội dung bao trùm, liên quan trực tiếp đến hoạt động hằng ngày của mỗi quân nhân; chất lượng, hiệu quả của công tác này chỉ đạt được khi mọi quân nhân có nhận thức đúng, hành động tự giác. Với nhận thức đó và thực hiện phương châm: biến nhận thức trở thành ý thức, hành động tự giác cho cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành pháp luật, kỷ luật, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản của Bộ Quốc phòng, Binh chủng về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; trọng tâm là Chỉ thị số 79/CT-BQP, ngày 22/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; duy trì nghiêm nền nếp chế độ, chức trách, nhiệm vụ người chỉ huy và chế độ công tác ngày, tuần, tháng, v.v. Quá trình triển khai, Lữ đoàn coi trọng kết hợp giáo dục, thuyết phục với biện pháp hành chính; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của chỉ huy, cơ quan đối với đơn vị; thường xuyên quán triệt nhiệm vụ, dự báo tình hình đến các cấp để “cấp dưới nắm chắc kế hoạch cấp trên, cấp trên nắm tình hình cán bộ trực thuộc”, qua đó giúp cán bộ, chiến sĩ xác định tốt tư tưởng, chủ động thu xếp công việc hậu phương, gia đình yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, Lữ đoàn tăng cường đối thoại dân chủ, duy trì nền nếp, hiệu quả Ngày Chính trị và văn hóa, tinh thần, Hòm thư góp ý, tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm phổ biến, quán triệt tình hình vi phạm kỷ luật trong toàn quân, thực hiện mô hình “Mỗi vi phạm là một chủ đề sinh hoạt tư tưởng”, v.v. Điểm nổi bật trong quản lý kỷ luật ở Lữ đoàn thời gian qua là, với những bộ phận, lực lượng hoạt động độc lập, phân tán, cùng với vận dụng linh hoạt các biện pháp kiểm tra, nắm tình hình đơn vị, Lữ đoàn chú trọng phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp quản lý bộ đội trong mọi lúc, mọi nơi, xây dựng đoàn kết nội bộ, thống nhất cao giữa cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân, địa bàn thực hiện nhiệm vụ để nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ mối quan hệ của quân nhân, làm tốt công tác dự báo, có biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ mất an toàn, biểu hiện vi phạm kỷ luật của bộ đội. Mặt khác, kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, không bao che, nể nang, né tránh nên phát huy tốt hiệu quả giáo dục, răn đe, phòng ngừa.

Với lòng thành kính, quyết tâm chính trị cao và giải pháp khoa học, sáng tạo, việc học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy đã thực sự trở thành biện pháp quan trọng, động lực tinh thần to lớn để Lữ đoàn thực hiện tốt công tác huấn luyện, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm có 100% đạt yêu cầu, trong đó có trên 80% khá, giỏi; 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp; tỷ lệ vi phạm thông thường luôn dưới 0,15%, không có vụ việc vi phạm nghiêm trọng, đơn vị an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Đặc biệt, năm 2022, Lữ đoàn vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” 05 năm liền; là một trong những đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng của Binh chủng. Đây là cơ sở, động lực quan trọng để Lữ đoàn tiếp tục phát huy, phấn đấu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh anh hùng.

__________________    

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 684.

2 - Năm 2022, từ 01 kíp bảo đảm khí tài vượt sông, Lữ đoàn đã bồi dưỡng được 03 kíp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website