Học tập lý luận Mác - Lênin trong tác phẩm "Thường thức chính trị" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương, ngày 6-2-1953. Ảnh tư liệu

Cách đây 70 năm (23/9/1953- 23/9/2023), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Thường thức chính trị”, tập hợp 50 bài viết trình bày khá toàn diện, đầy đủ những quan điểm cơ bản của Người về chính trị. Trong đó, vấn đề Đảng được Người dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất, chiếm 14/50 bài viết. Đến nay, giá trị, ý nghĩa của Tác phẩm về xây dựng Đảng, nhất là việc học tập, kiên định lý luận Mác - Lênin vẫn vẹn nguyên giá trị.

Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, để kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, thường xuyên học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để không chỉ “hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp” mà còn phải vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của đất nước để hoàn thành được trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Trong Mục 31 của tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến vai trò và sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam: “Có Đảng lãnh đạo, cách mạng và kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”[1]. Đây là quan điểm, tư tưởng nhất quán xuyên suốt của Hồ Chí Minh, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cách mạng cũng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ có đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì cách mạng mới thành công. Người khẳng định: “Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng; làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi”[2]. Tư tưởng và những chỉ dẫn quý báu của Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng là đường hướng, phương châm khoa học, cách mạng để Đảng và nhân dân ta xây dựng Đảng trở thành Đảng cách mạng, chân chính, vững mạnh, xứng đáng là người chèo lái con thuyền cách mạng nước ta đi tới thành công.

Sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu và có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy, cách mạng chuyển biến theo hướng đặt ra yêu cầu và nội dung ngày càng cao, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp. Do đó, cần phải xây dựng Đảng để Đảng không bị tụt hậu trước những chuyển biến đó. Mặt khác, từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, nhất là trong giai đoạn 1950 đến năm 1953, Người đã sớm phát hiện những nguy cơ, “căn bệnh” diễn ra trong nội bộ Đảng. Trong đó, sự suy thoái của một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền cách mạng, chủ yếu là suy thoái về đạo đức, lối sống, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và sự thành bại của cách mạng. Do đó, Người cho rằng nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhu cầu tự hoàn thiện của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, đồng thời, để củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc, Đảng cần phải tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức.

Trước hết, nhiệm vụ xây dựng Đảng về tư tưởng, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin”[3]. Đây là quan điểm đã được Người khẳng định từ khi đọc Luận cương của Lênin (năm 1920), rồi sau đó tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc kháng chiến ác liệt lúc bấy giờ, trong Đảng xuất hiện những tư tưởng hoài nghi về chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là những biểu hiện, theo Hồ Chí Minh, là hết sức nguy hiểm, nếu không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng. Thấm nhuần quan điểm của V.I.Lênin: “Chỉ có lý luận tiên tiến, Đảng mới có thể thực hiện vai trò chiến sĩ tiên tiến”[4] và quan điểm của Xtalin: “Chỉ có thông suốt lý luận Mác - Lênin, Đảng mới chắc tiến lên, mới lãnh đạo được giai cấp công nhân tiến lên”[5]. Do đó, trong Tác phẩm, Người đã khẳng định lại một lần nữa về vai trò nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời, nhấn mạnh: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”[6]. Xuất phát từ thực tế trình độ lý luận của đội ngũ cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế, như Người đã nêu trong Tác phẩm: “Nước ta đã lâu ở dưới chế độ thực dân và phong kiến, cho nên những tư tưởng bất chính có thể ảnh hưởng vào trong Đảng. Số đông đảng viên là nông dân và tiểu tư sản trí thức (điều đó tuy là tốt và hợp lý), cho nên cũng mang vào Đảng những tư tưởng “phi vô sản”[7]. Chính vì vậy, theo Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của Đảng là phải giáo dục lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người nhấn mạnh: “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản”[8]. Đồng thời, Người yêu cầu: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”[9]. Những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác tư tưởng của Đảng trong tác phẩm Thường thức chính trị đã góp phần làm phong phú học thuyết Mác - Lênin về chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân, về sự kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng lý luận, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng.

Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập lý luận Mác - Lênin, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, các kỳ Đại hội của Đảng đều chỉ rõ vai trò quan trọng của học tập lý luận. Học tập lý luận chính trị, trước hết là nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, do đó, nếu nhận thức lơ là hoặc sai lệch về tầm quan trọng của lý luận và việc học tập lý luận chính trị, tất yếu dẫn đến lười học, ngại học, học đối phó. Bởi vậy, cán bộ, đảng viên chẳng những không nắm vững và vận dụng được các nguyên lý khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn không thể hình thành và phát triển tư duy khoa học khách quan. Thực tế cho thấy, học tập lý luận chính trị là vấn đề hệ trọng, có ảnh hưởng lớn; nếu không học tập lý luận có thể kéo theo hàng loạt những vấn đề phức tạp khác, như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... và từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII  của Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra một trong chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[10]. Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, cần “khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”[11].                                                

Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập lý luận Mác- Lênin trong tác phẩm Thường thức chính trị , hơn 90 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành vũ khí lý luận sắc bén, nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng. Do đó, Đảng chỉ đạo các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương luôn quán triệt nhiệm vụ học tập lý luận Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa  Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, hệ thống lý luận soi đường, kim chỉ nam hành động của Đảng trong lãnh đạo đất nước giành được những thắng lợi to lớn.

 

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr 273.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr 274.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr 279.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr 279.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr 279.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr 279.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr 280.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr 280.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 8, tr 280.

[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 236.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t II, tr. 236.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website