Đây là sự kiện kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), 65 năm Bác Hồ về ở và làm việc tại Ngôi Nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch (17/5/1958 - 17/5/2023).

Cắt băng khai mạc Triển lãm. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III)

Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc Phụ trách Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Triển lãm trưng bày hơn 200 lệnh, sắc lệnh lưu trữ cùng nhiều văn bản bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gần 80 ảnh tư liệu minh họa cho giai đoạn lịch sử từ năm 1945 đến năm 1969, cũng là quãng thời gian 24 năm Hồ Chí Minh ở cương vị cao nhất là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nội dung Triển lãm được bố cục theo hai phần: Phần một là những tư liệu, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng hệ thống chính quyền nhân dân, kiên trì giải pháp ngoại giao để bảo vệ thành quả cách mạng và lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân thắng lợi (1945 - 1954).

Phần thứ hai giới thiệu những tư liệu, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo công cuộc cải tạo xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, mở rộng quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các lực lượng hoà bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới (1954 - 1969).

Sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 1969. (Ảnh: HL) 

Theo ông Đỗ Hoàng Linh, thông qua nội dung những bản lưu trữ gốc bút tích và chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Triển lãm, chúng ta có thêm điều kiện thực tế để tìm hiểu, học tập, làm theo phong cách Người. Đó là phong cách tư duy, phong cách làm việc và đặc biệt là phong cách diễn đạt (hay văn phong Hồ Chí Minh). Những câu từ trong nội dung văn bản, bút tích là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố bình dân và uyên bác, giữa dân tộc và hiện đại, đi thẳng vào vấn đề chính, gần gũi với cuộc sống đương thời, cung cấp cho người đọc lượng thông tin ngắn gọn, chính xác, sinh động, dễ hiểu và dễ nhớ.

Triển lãm cũng góp phần quảng bá, lan tỏa giá trị di sản Hồ Chí Minh để thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã lựa chọn những sắc lệnh, lệnh cùng các văn bản có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1945 - 1969 để giới thiệu đến công chúng, khách tham quan. Nhiều sắc lệnh có bút tích viết tay hoặc chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng khẳng định vai trò lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Người trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhà nước non trẻ, trong những năm kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Bác như: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân thi đua ái quốc năm 1948...

Ông Đặng Thanh Tùng khẳng định, với vai trò quản lý những khối tài liệu, tư liệu quý của đất nước và về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đơn vị cảm thấy rất tự hào khi được đem những tài liệu quý giá nhất – Bảo vật quốc gia và những tài liệu tiêu biểu được trưng bày trong một không gian triển lãm trang trọng, là địa điểm làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là nơi rất nhiều Sắc lệnh, Lệnh được ra đời, ghi đậm dấu ấn của Người./.