Năm học mới, nhớ lời Bác Hồ dạy

Cứ mỗi độ thu sang, khi cái nắng vàng ươm như màu lúa chín của những ngày đầu tháng 9 trải dài trên những cánh đồng, đường làng, ngõ phố trên dải đất hình chữ S thân yêu, các em học sinh lại hân hoan chào đón một năm học mới đầy niềm tin và hi vọng. Năm nay, học sinh cả nước bước vào năm học mới vô cùng đặc biệt vì tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, tuy nhiên, không khí của những ngày đầu năm học mới vẫn rất rộn ràng, háo hức. Trong những thời khắc ý nghĩa và đặc biệt ấy, chúng ta lại xúc động nhớ về Bác Hồ kính yêu, nhớ về lời dạy của Người với các em học sinh!

Bác Hồ với học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh tư liệu

Lời Bác dạy năm xưa

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội; các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng là những người chủ tương lai của đất nước. Vì vậy, sinh thời, Người luôn dành tình cảm yêu thương, sự quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ, đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra cho dân tộc Việt Nam một kỷ nguyên mới -  kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ lâm thời đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện, trong đó có nhiệm vụ diệt giặc dốt. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, dù công việc bận rộn, Người vẫn dành thời gian quý báu của mình để viết “Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bức thư không chỉ thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ bến của Người đối với các em học sinh mà còn thể hiện niềm tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong bức thư chan chứa tình cảm thân thương này, có thể thấy được sự thấu hiểu và hòa mình cùng cảm xúc sung sướng của một con người tự do, công dân của một quốc gia độc lập của Bác với các em học sinh. Bác đã hình dung ra không khí hồ hởi, vui tươi của các em trong ngày đầu tiên bước vào năm học mới. "Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam"1.

Với tình cảm sâu sắc của “một người anh lớn”, Bác căn dặn học sinh cả nước: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”2. Bác nhận mình là “người anh lớn”, xưng “tôi”, gọi học sinh là “các em” như tình cảm ruột thịt vì Người không đứng ở vị thế lãnh tụ tối cao của dân tộc, mà với vai trò là một người thân trong gia đình của các em để bày tỏ tư tưởng và tình cảm của mình. Trân trọng biết bao tình cảm đặc biệt như ruột thịt của Bác kính yêu - “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (Sáng tháng Nǎm, Tố Hữu).

Yêu thương và tin tưởng, Bác Hồ đã đặt hy vọng lớn ở thế hệ tương lai của đất nước. Người dặn dò: "Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu"3.

Khắc ghi lời dạy của Bác

Ghi nhớ lời dạy của Bác, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đầu tư, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu để ươm mầm những thế hệ học sinh vừa hồng vừa chuyên, trở thành những người công dân tốt, có ích cho nước nhà. Đó là một động lực thúc đẩy và là một điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Không phụ lòng tin yêu, hy vọng của Bác, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam không ngừng phấn đấu học tập tốt, lao động tốt, vượt lên mọi khó khăn để trở thành những tấm gương con ngoan, trò giỏi, là “Cháu ngoan Bác Hồ”. Rất nhiều những tấm huy chương cao quý của các em tại nhiều cuộc thi mang tầm quốc tế đã khiến hàng triệu bạn bè ngưỡng mộ, làm cho tên tuổi của Việt Nam ngày càng vươn xa ra thế giới, làm rạng danh đất nước Việt Nam.

Năm nay, do dịch COVID-19, ngành Giáo dục đã bị tác động, ảnh hưởng rất nặng nề. Giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập, nhất là việc học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh. Năm học mới 2021-2022 đã bắt đầu trong hoàn cảnh đặc biệt: Các em học sinh trong cả nước không thể đồng loạt tới trường. Ngày khai giảng, nhiều ngôi trường vắng tiếng trống tựu trường thân quen, vắng bóng hình các em học sinh ríu rít vui cười, xúng xính quần áo đẹp và cờ hoa chào mừng năm học mới.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành Giáo dục nói riêng, các hoạt động dạy - học đang được cải tiến không ngừng để phù hợp với tình hình thực tế. Trong tình hình đặc biệt hiện nay, các em học sinh càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát, kịp thời của Đảng và Nhà nước để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Nhân dịp khai giảng năm học 2021-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi gắm niềm tin và hy vọng đối với ngành Giáo dục qua bức thư gửi tới toàn ngành.

Học sinh nhiều nơi bắt đầu năm học mới đặc biệt với lớp  học trực tuyến. Ảnh minh họa.

Trong thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Đã 53 năm, ngành Giáo dục của chúng ta giờ đây đang đối diện với những thử thách rất lớn do đại dịch COVID-19 diễn ra khắp toàn cầu. Nhưng hơn lúc nào hết, tôi tin tưởng ngành Giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh, sinh viên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống thi đua, vượt lên khó khăn, học tập và rèn luyện thật tốt như lời Bác dạy năm xưa.

Với tinh thần, niềm tin đó, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn cùng với những kết quả của ngành Giáo dục đã đạt được thời gian qua. Nhân đây, tôi bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc đến ngành Giáo dục, các gia đình giáo viên, học sinh, sinh viên ở những địa phương dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là với những gia đình gặp phải xáo trộn cuộc sống quá lớn do dịch bệnh và cả những mất mát về sức khỏe, người thân”.

Chủ tịch nước chia sẻ: “Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều học sinh, sinh viên đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách. Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu các điều kiện, phương tiện để học trực tuyến. Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung; do vậy đã bị ngắt quãng việc học.

Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục cùng các ngành, các cấp cần lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành Giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta.”

Trước đó, dự báo dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, để tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, chất lượng và tiếp tục thực hiện mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 về đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Đã 76 năm trôi qua nhưng mỗi lần đón chào năm học mới, chúng ta đều không khỏi bồi hồi xúc động và trân trọng biết bao tình yêu thương Bác đã dành cho những chủ nhân tương lai của nước nhà. Người đã đi xa song tình cảm, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn còn sống mãi, soi đường, chỉ lối cho các em học sinh, sinh viên.

Một năm học mới đã bắt đầu với những niềm vui mới, khí thế mới. Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, thử thách, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, nhưng với tinh thần quyết tâm, đoàn kết đồng lòng,chúng ta tin tưởng rằng, các thầy cô và học trò sẽ phát huy tốt truyền thống hiếu học, khắc ghi lời dạy của Bác kính yêu “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”4, thực hiện thành công các nhiệm vụ của năm học mới, trở thành những con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với niềm tin yêu của Người, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác hằng mong muốn.

-------------

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.34.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.35.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 15, tr.507.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website