Sáng điển hình cống hiến vì dân

Quyết đẩy lùi hủ tục

Một ngày cuối tháng 11, mặc đợt không khí lạnh tràn về các xã từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh, nhưng ở thôn Kíp Tước 1, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai vẫn rộn ràng như ngày hội. Hôm nay, bà con mặc trang phục truyền thống thật đẹp đến chúc mừng anh Hà Văn San kết hôn với cô gái người Giáy quê ở tỉnh Lai Châu. Lễ cưới diễn ra ngắn gọn, vui tươi, ấm áp, ngắn gọn mà không kém phần trang trọng.

Đến chúc mừng hạnh phúc đôi bạn trẻ, ông Trần Đức Lợi, dân tộc Tày, 60 tuổi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hợp Thành phấn khởi cho biết: Khoảng 10 năm trước, đồng bào Giáy, Tày trong xã vẫn còn nhiều hủ tục, nặng nề nhất là trong đám cưới, đám tang. Theo đó, đám cưới nhà trai phải mang sang nhà gái 3 đến 4 tạ lợn, riêng bạc trắng, vòng tay, vòng cổ trị giá khoảng 25 triệu đồng. Cứ có đám cưới là thanh niên tổ chức đánh bạc gây mất an ninh, trật tự. Còn đám tang thì mổ trâu, mổ bò, trong một ngày tổ chức nhiều bữa cơm cảm tạ khách rất tốn kém, vất vả cho gia chủ. Ngoài ra, đám ma còn kéo dài 3 - 4 ngày, thậm chí nhiều hơn… Tuy nhiên, từ năm 2018, khi Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thực hiện mô hình “Cải tạo hủ tục trong đám cưới, đám tang” ở thôn Kíp Tước, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đến nay đám cưới, đám tang ở thôn Kíp Tước đã xóa bỏ được những tập tục lạc hậu. 5 năm trở lại đây, Kíp Tước liên tục được công nhận là thôn văn hóa tiêu biểu, thôn kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Đức Lợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hợp Thành vận động người dân thực hiện đám cưới văn minh.

Không chỉ tích cực cải tạo hủ tục, từ năm 2020 đến nay, ông Lợi còn phối hợp với các cấp, các ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lào Cai hỗ trợ làm 65 nhà “Đại đoàn kết” trị giá trên 9 tỷ đồng; vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ 30 hộ nghèo con giống (gà, dê, lợn) trị giá trên 150 triệu đồng; hằng năm vận động ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, ủng hộ xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được gần 100 triệu đồng...

Ông Lợi đưa chúng tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Theo có anh là liệt sỹ, gia đình thuộc hộ cận nghèo ở đầu thôn Tượng 3. Bên cạnh ngôi nhà cũ là gian bếp mới xây kiên cố, mái lợp tôn khang trang, khuôn viên quanh sân cũng được xây tường bao đẹp mắt. Bà Theo và con trai xúc động: Ông Trần Đức Lợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã luôn cởi mở, gần gũi với bà con. Nhờ ông Lợi vận động, cán bộ, thầy cô giáo, bà con ủng hộ gia đình tôi 15 triệu đồng mà tôi có thêm kinh phí để sửa sang nhà cửa. Tôi rất vui, cảm ơn ông Lợi và bà con rất nhiều.

Khi nhận xét về những việc làm của ông Lợi, ông Đặng Hoàng Long, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hợp Thành khẳng định: Với vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, những năm qua, ông Lợi đã có nhiều cống hiến góp phần đẩy lùi hủ tục, vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát ở xã Hợp Thành, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới. Vừa qua, ông Lợi được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen.

Còn ông Trần Đức Lợi thì tươi cười: Tôi là người tham gia công tác mặt trận, nếu không quyết tâm xóa bỏ hủ tục thì các thôn, bản rất khó đổi thay. Đây là công việc khó, nhưng bà con cùng đoàn kết nên đã làm được. Tôi chỉ mong có sức khỏe tốt để tiếp tục cống hiến cho dân bản.

Gương mẫu, sáng tạo xây dựng nông thôn mới

Cũng trong những ngày cuối năm 2022, chúng tôi đến xã Liên Minh, thị xã Sa Pa. Trên tuyến đường từ Nậm Cang đến Nậm Than là thôn cao nhất, cách trung tâm xã 3 km, đồng bào Mông đang nô nức ra quân đào đất mở rộng mặt đường liên thôn từ 3 m lên 6 m để đổ bê tông giúp xe ô tô đi lại thuận tiện. Vừa từ Thủ đô Hà Nội nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước về, ông Vù A Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã lại bắt tay ngay vào việc vận động người dân hiến đất, góp ngày công mở đường.

Ông Vù A Long vận động người dân phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh.
Trao nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo ở xã Liên Minh năm 2021.

Nhìn tuyến đường đang được mở thênh thang, ông Long chia sẻ: Nhớ lại tuyến đường này trước năm 2003 chỉ là đường mòn, khi có chủ trương mở rộng đường đổ bê tông, một số hộ chưa đồng tình vì ảnh hưởng đến ruộng của gia đình. Khi đó, tôi là Chủ tịch UBND xã đã tiên phong hiến 3.000 m2 đất ruộng để mở đường đi qua. Về sau, qua tuyên truyền, bà con các thôn đều đồng ý hiến đất mở đường, góp công đổ bê tông. Riêng thôn Nậm Than bà con hiến 2.800 m2 đất, ủng hộ trên 8.000 công lao động để làm đường. Năm 2014, xã Nậm Cang (cũ) tự hào là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, xã Liên Minh (ghép xã Nậm Cang và Nậm Sài) đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2021, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, để mở rộng thêm mặt đường, gia đình tôi tiếp tục hiến đất để làm gương, qua đó vận động bà con làm theo.

Là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Liên Minh, từ năm 2017 đến năm 2022, ông Vù A Long đã có nhiều cống hiến cho xây dựng nông thôn mới của xã. Đến xã Liên Minh hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy các tuyến đường thôn phong quang, sạch sẽ. Đặc biệt, những ngôi nhà gỗ truyền thống ở thôn Nậm Cang bên dòng suối trong xanh đều được gắn biển số nhà chẳng khác ngoài phố.

Hỏi thêm, chúng tôi được biết, từ năm 2019, với những ý tưởng sáng tạo, ông Vù A Long cùng tập thể đã xây dựng mô hình “Gắn biển số nhà, tuyến đường, sáng, xanh, sạch, đẹp” với 315 biển số nhà trên tuyến đường dài gần 1 km; làm mới hàng trăm cột cờ, treo cờ Tổ quốc; ngoài ra phối hợp với một số đơn vị hỗ trợ làm cột điện và lắp bóng đèn góp phần chiếu sáng các đường thôn...

Cùng với đó, ông Vù A Long chỉ đạo Ban công tác Mặt trận các thôn vận động ủng hộ các loại quỹ; làm 23 nhà “Đại đoàn kết”, xóa 195 nhà tạm từ nguồn xã hội hóa và Quỹ “Vì người nghèo” của thị xã Sa Pa…

Năm 2022, là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã duy nhất của tỉnh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp cho công tác mặt trận giai đoạn 2017 - 2022, ông Vù A Long bảo đó là niềm vinh dự lớn nhất đối với ông. “Tôi là người Mông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, làm cán bộ xã phải làm theo lời Bác Hồ dạy, luôn gương mẫu đi đầu, cống hiến xây dựng quê hương. Năm 2022, theo đánh giá của xã, vẫn còn 2 tiêu chí có nguy cơ rớt chuẩn nông thôn mới là tiêu chí giảm nghèo và tiêu chí y tế. Nhiệm vụ phía trước còn nhiều, vì thế tôi cùng tập thể càng phải cố gắng nhiều hơn để xây dựng xã Liên Minh ngày càng phát triển. Trước hết là vận động bà con đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá nước lạnh, mô hình homestay, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững” - ông Long cho biết.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website