Khắc ghi lời Bác dặn

 Người dân thị trấn Nông trường Mộc Châu thu hái chè bằng máy.

Lời Bác dặn năm xưa

Ngày 8/5/1959, tại khu làm việc của Ủy ban Hành chính huyện (nay thuộc tiểu khu 11 thị trấn Mộc Châu), Bác Hồ và Đoàn công tác Trung ương đến thăm nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc châu Mộc Châu, Bác ân cần dặn dò: “Tây Bắc có vị trí rất quan trọng. Mộc Châu là cửa ngõ của Tây Bắc, vì vậy Mộc Châu phải phấn đấu xây dựng để phát triển hơn nữa. Muốn vậy, cán bộ và nhân dân các dân tộc Mộc Châu phải đoàn kết, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và chăm lo sức khỏe nhân dân…”. Sau đó Bác Hồ và đoàn công tác đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ nông trường Mộc Châu. Tại đây, Bác đã ghi vào sổ truyền thống của Nông trường 16 chữ vàng: “Luôn luôn cố gắng; Khắc phục khó khăn; Tiến lên thật hăng; Làm tròn nhiệm vụ”.

Sau ngày Bác lên thăm, phong trào lao động sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, nhân dân các dân tộc Mộc Châu đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, khai khẩn ruộng nương, phong trào hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1965, toàn huyện đã có 126 hợp tác xã với 3.399 hộ tham gia; ngày ấy xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu như: Hợp tác xã bản A Má, xã Lóng Sập lá cờ đầu của tỉnh và khu Tây Bắc về tổ đổi công và hợp tác hóa, được công nhận là một trong 7 hợp tác xã tiên tiến toàn miền Bắc. Mô hình định canh, định cư, thay đổi phương thức sản xuất từ trồng lúa nương sang trồng lúa nước của đồng bào Dao ở bản Suối Lìn...

Thực hiện lời căn dặn của Bác với cán bộ, chiến sỹ, công nhân Nông trường Mộc Châu “Công tư vẹn cả đôi bề - Xây dựng xã hội chủ nghĩa nằm kề phu nhân”. Từ tình cảm ân cần ấy của Người đã có hàng trăm những người vợ, hàng nghìn nam, nữ thanh niên ở miền xuôi tình nguyện lên xây dựng nông trường, xây dựng vùng kinh tế mới, tiếng máy reo hòa cùng tiếng cười rộn rã đã xua đi cái hoang vu, giá lạnh, hứa hẹn một màu xanh của niềm tin, hy vọng sự sống, tình yêu trên vùng đất thảo nguyên.

Ông Nguyễn Xuân Bình, năm nay đã 90 tuổi, nhớ về kỷ niệm những ngày đầu đến với cao nguyên Mộc Châu và lần được gặp Bác Hồ, ông Bình say sưa: Sau một năm thành lập, cán bộ, chiến sĩ Nông trường được đón Bác Hồ đến thăm và động viên. Vâng lời Bác dạy, các thế hệ nối tiếp nhau cùng đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất xây dựng Nông trường ngày càng phát triển. Sau một thời gian tìm tòi thử nghiệm, cùng với chăn nuôi bò sữa, Nông trường quyết định lựa chọn phát triển cây chè là hướng đi lâu dài. Từ đó, diện tích chè tiếp tục mở rộng theo từng năm, trong đó được trồng nhiều nhất là ở thị trấn Nông trường Mộc Châu và các xã Chiềng Sơn, Tân Lập, Phiêng Luông...

Xây dựng cao nguyên Mộc Châu ngày càng giàu đẹp

Về Mộc Châu hôm nay, cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này, nổi bật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây ăn quả trên đất dốc, huyện đã tập trung phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển, nhân rộng các loại hoa chất lượng cao; các loại rau, quả ôn đới; hàng nghìn ha bơ, mận, chanh leo ngút ngàn cho những vụ mùa bội thu, làm nên một cao nguyên Mộc Châu trù phú. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp chỉ giới địa lý như: Chè Shan Tuyết, quả bơ; chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP cho quả chanh leo, xuất khẩu sang thị trường Châu Âu; chứng nhận VietGAP cho rau an toàn, chè Ô Long đủ sức cạnh tranh, vươn ra thị trường quốc tế.

Từ những ngày đầu thành lập Nông trường năm 1958 với 7 con bò sữa, đến nay, huyện Mộc Châu đã có trên 25.000 con; sản lượng sữa đạt gần 100.000 tấn/năm. Từ những hạt giống chè Shan Tuyết ban đầu, hiện có hơn 2.100 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 25.000 tấn/năm. Diện tích cây ăn quả hơn 10.000 ha, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm. Toàn huyện có 50 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 31 cơ sở sản xuất nông, lâm thủy sản được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 31 sản phẩm OCOP.

Tiếp nối truyền thống của các cán bộ, chiến sỹ Nông trường năm xưa, Vinatea Mộc Châu đã và đang có những bước phát triển mới, khẳng định thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Vinatea Mộc Châu hiện có hơn 550 ha chè nguyên liệu, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 10.000 tấn, sản xuất 2.500 tấn chè thành phẩm. Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã có Quyết định công nhận vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu có tổng diện tích hơn 329 ha.

Thị trấn Mộc Châu hôm nay.

Ông Lê Chí Long, Giám đốc Vinatea Mộc Châu, cho biết: Nhiều năm qua, Công ty đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.

Ghi nhớ lời Bác: “…trong mọi công việc phải ra sức giúp đỡ đồng bào ở rẻo cao…”, trong 64 năm qua, cơ sở hạ tầng, bộ mặt đô thị du lịch, nông thôn mới thay đổi từng ngày. Hệ thống đường giao thông được mở tới các trung tâm xã, phong trào làm đường dân sinh liên xã, liên bản được nhân dân góp công góp sức, phục vụ lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân trong huyện. Hàng nghìn công trình từ trụ sở làm việc của huyện, các xã, thị trấn, trường học, bệnh viện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khang trang, hiện đại; nhiều cung đường được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng để Mộc Châu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, tiến tới trở thành thị xã.

Đến nay, toàn huyện đã đạt 146 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trung bình mỗi xã đạt 11,23 tiêu chí, có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn theo hình thức nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ được gần 500 km; tập trung các nguồn lực để làm đường giao thông tại 10 bản biên giới, phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025 sẽ hoàn thành 100% các tuyến đường bê tông đến bản; đầu tư điện chiếu sáng đường giao thông nông thôn, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng, tích cực đóng góp kinh phí thực hiện, đến nay đã làm được trên 222 km đường với tổng mức trên 13 tỷ đồng.

Với khí hậu trong lành mát mẻ, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đang là tài sản vô cùng quý giá được bảo tồn và gìn giữ, là tài nguyên giàu tiềm năng thu hút hàng chục nhà đầu tư và hàng triệu khách du lịch đến với Mộc Châu. Mộc Châu đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, thu hút các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Đến nay, Mộc Châu đã thu hút gần 40 dự án, tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án lớn đã khởi công như dự án “thiên đường sữa Mộc Châu”, nhà máy chế biến sữa; khánh thành các khu du lịch Hồ Rừng thông bản Áng, cầu kính Bạch Long... Mộc Châu được trao giải là điểm đến thiên nhiên hàng đầu Châu Á, thế giới năm 2022.

Công tác an sinh xã hội được chú trọng, tập trung giúp đỡ các hộ nghèo, các vùng đặc biệt khó khăn, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Mộc Châu đã làm tốt công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm được hàng chục tỷ đồng làm nhà “Đại đoàn kết”, chăm lo tết cho người nghèo, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, tàn tật, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ. Tập trung giúp đỡ các hộ nghèo, các vùng đặc biệt khó khăn, phân công các chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị giúp đỡ các bản nghèo và 223 cán bộ thuộc Ban Thường vụ huyện ủy quản lý phụ trách hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 4,2%; phấn đấu đến hết năm 2023, xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Việc hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, hiện  213 cháu học sinh được các cơ quan, đơn vị, cá nhân đỡ đầu trong 3 năm với số tiền hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng.

Đồng chí Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy, chia sẻ: Học và làm theo Bác, Mộc Châu triển khai nhiều mô hình, như: “Việc tốt mỗi ngày - chung tay chia sẻ”; “Mỗi ngày một việc làm hay”; “Nét đẹp con người Mộc Châu”... được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, làm theo. Tình yêu thương trong cộng đồng được lan tỏa, tinh thần trách nhiệm của các cấp lãnh đạo được nâng cao, lời căn dặn của Bác “Trong mọi công việc phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao” đã trở thành nếp nghĩ, công việc thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên ở huyện Mộc Châu luôn nhắc nhở nhau làm cho thật tốt.

Khắc ghi lời Bác dặn, học và làm theo Bác bằng việc làm cụ thể, thiết thực của Đảng bộ huyện Mộc Châu đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được gắn kết, cùng nhau xây dựng vùng đất thảo nguyên ngày càng giàu đẹp như Bác hằng mong.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website