Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người Thầy giáo vĩ đại của dân tộc Việt Nam

1. Từ người thanh niên yêu nước đến người thầy giáo cách mạng mẫu mực, lấy mục tiêu phụng sự Tổ quốc, nhân dân làm mục tiêu, lý tưởng cách mạng

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước, trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước (năm 1911), thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã truyền bá tư tưởng yêu nước, thương nòi cho học trò Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Những năm hoạt động cách mạng tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc tố cáo tội ác của thực dân Pháp trong việc thi hành "chính sách ngu dân" để dễ bề cai trị đối với nhân dân ta. Tại Đại hội Tua của Pháp (tháng 12-1920), trong bản tham luận đầu tiên của mình, Nguyễn Ái Quốc lên án chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Đông Dương là “ Nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người…Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu”.[1]

Trong tác phẩm nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1925), Người viết: “Nhân dân Ðông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng... "Làm cho dân ngu để dễ trị", đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất"[2]. Nhận rõ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc là nguyên nhân lớn nhất của việc bị mất nước, làm nô lệ và không có con đường nào khác, con đường cách mạng vô sản đánh đổ đế quốc giành độc lập dân tộc. Muốn vậy, phải có đảng cách mạng với những chiến sỹ cộng sản tiên phong dẫn đầu được trang bị tư tưởng, lý luận vững vàng, Người chủ trương đào tạo thanh niên, rèn luyện họ để sẵn sàng gánh vác trọng trách của đất nước, của dân tộc.

Do đó, từ năm 1924 đến năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đã gửi 27 thanh niên Việt Nam sang đào tạo ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), trong đó có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng, Phạm Văn Đồng… Cũng thời gian, khi hoạt động ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên yêu nước Việt Nam. Lớp đầu tiên mở vào khoảng cuối năm 1925, đầu năm 1926 với 10 học viên. Mỗi lớp khoảng một tháng rưỡi. Trường huấn luyện chính trị đặt tại ngôi nhà số 13, đường Diên An (Quảng Châu)...Trường hoạt động được sự giúp đỡ của Chính phủ Quảng Châu và đoàn cố vấn Liên Xô. Tham gia giảng dạy có Nguyễn Ái Quốc, bà Liêu Trọng Khải (Trung Quốc), vợ chồng B. Bôrôđin, A. Páplốp (Nga), Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn. Các học viên được nghiên cứu nhiều nội dung về tình hình thế giới, lịch sử tiến hóa nhân loại, phong trào giải phóng dân tộc ở một số nước, chủ nghĩa Tam dân, chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Nga, lịch sử các tổ chức Quốc tế I, Quốc tế II và Quốc tế Cộng sản, các hình thức tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, công tác bí mật, các hình thức tuyên truyền, cổ động, học viên còn học cách diễn thuyết, cách làm báo... Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện 75 học viên[3]. Tổng số học viên cho đến tháng 4-1927 là 10 lớp với khoảng 250-300 học viên. Đại đa số học viên học xong đã trở về Việt Nam, về Xiêm hoạt động cách mạng; một số được gửi đi học tiếp ở Đại học Phương Đông. Những cán bộ đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cộng sản ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đẩy lùi các khuynh hướng cải lương và dân tộc hẹp hòi của các đảng phái tư sản và tiểu tư sản, đấu tranh chống lại các khuynh hướng ''tả'' và "hữu'' để gây dựng nên một nền tư tưởng ''Bônsêvích”, thực hiện ''Bônsêvích hóa'' tư tưởng quần chúng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin giữ vị trí chủ đạo trong phong trào cách mạng.

Nhằm chuẩn bị những điều kiện cách mạng khi về nước hoạt động, cuối tháng 12-1940, Nguyễn Ái Quốc mở một lớp huấn luyện cách mạng gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc, chủ yếu là những thanh niên từ Cao Bằng sang: “Vào cuối năm 1940, chúng tôi một nhóm thanh niên Cao Bằng bí mật sang Trung Quốc đi tìm cách mạng, tìm lãnh tụ cách mạng. Trong nhóm có các bạn Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang, v.v... Cũng trong lúc đó, lại nghe tin có một nhóm cách mạng khác đến Quảng Tây. Chúng tôi lại đi tìm, thì gặp các đồng chí Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... Rồi chúng tôi gặp một cụ người gầy, trán cao, mắt sáng, ăn mặc như một bác nông dân Trung Quốc. Chúng tôi cảm thấy ông cụ rất hiền lành và đối với chúng tôi rất bình đẳng...Ít hôm sau, ba đồng chí Võ,  Phạm,  Hoàng ở lại Tĩnh Tây. Ông cụ thì bí mật cùng chúng tôi về một làng Trung Quốc gần biên giới Cao Bằng, mở lớp huấn luyện. Ông cụ tức là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Cùng đi có ông Thược, thày thuốc và ông Lộc-“anh nuôi[4].

Như vậy, Nguyễn Ái Quốc chính là người thầy giáo tiêu biểu của sự nghiệp cách mạng, học viên của lớp huấn luyện chính trị do Người đào tạo tại Quảng Châu, Trung Quốc là những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam và học viên của lớp huấn luyện ngắn hạn vùng biên giới giáp Cao Bằng là “43 con đại bàng bay cao”,  góp phần xây dựng được nhiều nơi căn cứ vững chắc của cách mạng.

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than (Hà Nội). Ảnh tư liệu

2. Học tập tấm gương Thầy giáo Hồ Chí Minh và những tư tưởng của Người về giáo dục trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

Ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, tháng 2-1930, trong Chánh cương vắn tắt của Ðảng, Nguyễn Ái Quốc chủ trương phổ thông giáo dục theo công nông hóa (sau này, nói là phổ cập giáo dục cho nhân dân). Trong Thư gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Anh “to make education for all” nghĩa là tiến hành giáo dục cho mọi người. Ðặc biệt, "Chương trình Việt Minh" (1941), Người chủ trương: "Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bực sơ học. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình. Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài... Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh."[5]

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trước những khó khăn của đất nước, Người đã nghĩ ngay đến việc chăm lo giáo dục: "nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ"[6] và "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ"[7]. Do đó, chỉ sau một tuần lễ đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 8-9-1945, Người đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, để thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân. Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục mới, nền giáo dục hướng vào các giá trị dân tộc, hiện đại, nhân văn, phục vụ Tổ quốc, nhân dân. Trong "Thư gửi cho học sinh" nhân ngày khai trường, ngày 5-9-1945, Người viết:" Một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em"[8]. Trong trường học, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải chú trọng dạy cho học sinh lòng yêu nước: “Cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ.”[9] Hơn ai hết, Người hiểu rõ chỉ có lòng yêu nước, thương nòi mới thúc đẩy mọi người học tập, phấn đấu, mới hết lòng phụng sự nhân dân. Nói chuyện với học sinh các Trường Trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương ở Hà Nội, Người nói: “Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức…Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh”.[10]

Tư tưởng dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được Hồ Chí Minh quán triệt thực hiện trong ngành giáo dục và toàn xã hội. Người phát động phong trào chống nạn mù chữ, thất học, làm cho mọi người dân đều biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo là phải chú trọng giáo dục toàn diện. Người yêu cầu phải chú trọng đủ các mặt, đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất; đồng thời phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại như thái độ thờ ơ với xã hội, xa vời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân, học để lấy bằng cấp, chạy theo lối nhồi sọ. Nội dung giáo dục phải toàn diện, phải nhằm mục tiêu đào tạo con người mới, phải coi trọng cả tài lẫn đức, coi trọng đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.[11]

Hồ Chí Minh là Người đầu tiên vinh danh nghề giáo, đặt người thầy vào vị trí được tôn trọng, cao quý nhất của xã hội. Muốn đạt được sứ mệnh vẻ vang ấy, người giáo viên phải nhận thức được mình không phải là gõ đầu trẻ kiếm cơm mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ. Người nhấn mạnh: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất..., những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang"[12]. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con"[13]. Do đó, người giáo viên phải tăng cường trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng rèn luyện chuyên môn, phải là tấm gương sáng để học sinh noi theo, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, phải thương yêu chắm sóc học sinh như con em ruột thịt của mình, phải thật sự yêu nghề, yêu trường, không ngừng học hỏi để tiến bộ mãi.  Mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam là phải đào tạo ra những con người vừa hồng, vừa chuyên, vừa có đức, vừa có tài: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.[14]

Với tinh thần học, học nữa, học mãi, Hồ Chí Minh nhấn mạnh học tập là một việc phải tiếp tục suốt đời: “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời…Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi, thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ. Cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến kịp nhân dân”.[15] Bác Hồ là một tấm gương học tập suốt đời bền bỉ và khiêm tốn. Trong suốt những năm (1954-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm các cơ sở ở Trung ương và địa phương khoảng 700 lần và ở bất kỳ đâu, gặp bất cứ đối tượng nào, Người cũng căn dặn phải học tập để nâng cao trình độ, biết được nhiều và phục vụ được tốt. Đối với học sinh, thanh niên, Người luôn căn dặn chỉ có không ngừng học tập thì mới tiến bộ mãi; chỉ có xây dựng được một xã hội học tập thì mới thực hiện được việc học tập suốt đời và ngược lại, mỗi con người Việt Nam phải lấy học tập là mục đích, là công việc suốt đời thì mới đóng góp được cho xã hội học tập.

Noi gương người Thầy giáo Hồ Chí Minh và thực hiện tư tưởng của Người về giáo dục - đào tạo, trong 40 năm qua (1982-2022), dưới sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển cả về quy mô và chất lượng. Các cuộc phổ cập giáo dục từ tiểu học cho đến bậc trung học đã được triển khai và đạt được những thành quả nhất định. Việt Nam hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I năm 2014; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010: “Chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ; cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3...”[16]. Năm 2020, giáo dục Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới; nhiều chỉ số giáo dục được đánh giá cao trong khu vực như “tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN; năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018; có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hang đầu châu Á;…”[17].

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 35, tập 1.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 107-108, tập 1.

[4] Bác ăn tết với chúng tôi với bút danh T.Lan đăng báo Nhân dân, số 2523, ngày 14-2-1961.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 629-630, tập 3.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 7, tập 4.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 7, tập 4.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 34, tập 4.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 102, tập 5.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 467, tập 6.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 612, tập 11.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 612, tập 14, tr 402-403

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 612, tập 12, tr 515

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 345, tập 10.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tr 377, tập 10.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website