Bài học về sức mạnh nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Nguồn: Cục Văn hóa cơ sở.

Tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Nguồn: Cục Văn hóa cơ sở.

Sức mạnh của một cuộc chiến tranh bao giờ cũng là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố chính trị tinh thần giữ một vị trí quan trọng; đề cập tới nhân tố chính trị, tinh thần, V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường” [1]. Vì vậy, trong những nguyên lý xây dựng quân đội, V.I.Lênin đặc biệt coi trọng xây dựng quân đội về chính trị, tinh thần, coi đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định trước tiên đối với thành bại của quân đội cách mạng. Nhân tố chính trị tinh thần, còn là cơ sở để khai thác sức mạnh vật chất: vũ khí, trang bị kỹ thuật, phát huy khoa học nghệ thuật quân sự, hơn thế nữa sự nhất trí về chính trị, tinh thần còn là nhân tố gốc để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, trước hết là do chúng ta có ưu thế vượt trội về nhân tố chính trị tinh thần. Ưu thế đó không phải tự nhiên mà có, nó vừa là kết quả của quá trình giáo dục rèn luyện, vừa là sự chỉ đạo nhanh chóng kịp thời công tác giáo dục chính trị tư tưởng trước những khó khăn hay tình huống mới xuất hiện. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay từ đầu và trong những tình huống mới xuất hiện, Đảng, Bác Hồ, Tổng Quân uỷ đã tập trung chỉ đạo xây dựng và phát huy nhân tố chính trị tinh thần trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch.

Một là, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên mọi lực lượng khắc phục khó khăn, xây dựng quyết tâm cao, nhất là khi đổi mới phương châm tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Cuộc chiến thường diễn ra với tính chất khó khăn, gay go quyết liệt, nhiều tình huống xuất hiện bất ngờ, mau lẹ, ngoài dự kiến, do vậy đòi hỏi công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng nhân tố chính trị tinh thần phải luôn bám sát tình hình, chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời mới có hiệu quả. Chiến dịch Điện Biên Phủ không ngoại lệ, diễn ra ở địa hình rừng núi, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới đường chiến lược, chiến dịch hầu như chưa có, chiến dịch lớn quan trọng, vật chất hậu cần bảo đảm cực kỳ khó khăn. Trên địa bàn này, bên cạnh hiểm trở, Pháp – Mỹ đã xây dựng một hệ thống cứ điểm lớn, có căn cứ không quân, lục quân lợi hại. Điện Biên Phủ đã trở thành một cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Chúng đánh giá rất cao, coi đó là một “pháo đài bất khả xâm phạm”, sẽ là “cái bẫy hiểm ác”, “cái nhọt hút máu độc”, là nơi thu hút chủ lực ta vào tiêu diệt, là “cái máy nghiền khổng lồ”, nghiền nát chủ lực ta. Mặt khác về lực lượng, binh khí, hoả lực, Pháp đã điều động lên Điện Biên Phủ một lực lượng lớn, toàn bộ quân dù và 40% quân cơ động tinh nhuệ ở Đông Dương, đưa tổng quân địch ở Đông Dương lúc cao nhất là 16.200 và có đầy đủ các loại trang bị vũ khí tối tân. Đây là một chiến dịch lớn, quan trọng và đặt ra nhiều khó khăn, tác động trực tiếp ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của các lực lượng tham gia chiến dịch nhưng Đảng, Bác Hồ, Tổng Quân uỷ đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao trên cơ sở quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trận quyết chiến chiến lược trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Thực hiện chủ trương trên, một mặt Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các đơn vị tích cực chỉnh huấn, chỉnh quân làm cho các lực lượng thấy rõ đây là chủ trương chính xác, kịp thời, kiên quyết của Đảng ta; mặt khác chủ động khắc phục khó khăn, thấy rõ chỗ yếu của địch, đây là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng bị cô lập, ta tuy khó khăn nhưng có khả năng khắc phục hơn địch.

Với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Bác Hồ, Tổng Quân uỷ, các lực lượng tham gia chiến dịch nêu cao tinh thần, trách nhiệm khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị, quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Quân uỷ đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị phải giữ vững và phát huy quyết tâm trong mọi tình huống, từ lúc chiến dịch bắt đầu cho đến khi chiến dịch toàn thắng. Quán triệt đầy đủ quyết tâm của Trung ương và Tổng Quân uỷ đến từng chiến sĩ, nắm vững những diễn biến tư tưởng để chỉ đạo kịp thời, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức. Do đó ngày 16-1-1954, Tổng Cục Chính trị chỉ thị “Công tác chính trị trong chiến dịch Điện Biên Phủ” nhấn mạnh phải kiểm tra kỹ lưỡng tư tưởng bộ đội, xây dựng quyết tâm, nâng cao trách nhiệm, dũng cảm trong chiến đấu, xây dựng ý thức trách nhiệm, bài trừ tư tưởng bản vị trước và trong chiến dịch. Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương, các đơn vị tham gia chiến dịch đã tới vị trí tập kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, mở đường, kéo pháo vào trận địa xây dựng trận địa sẵn sàng nổ súng tấn công tiêu diệt địch. Nhưng khi chuẩn bị nổ súng mở màn chiến dịch, Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định “hoãn trận đánh” thay đổi phương châm tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Lịch sử đã chứng minh: Đó là một quyết định đúng đắn, kịp thời nhờ đó mà chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Tuy nhiên, hoãn cuộc tiến công, thay đổi phương châm tác chiến cũng có nghĩa là hoãn toàn bộ kế hoạch tác chiến phải chuẩn bị lại từ đầu, các đơn vị pháo binh phải kéo pháo ra khỏi trận địa, các đơn vị bộ binh phải rút ra khỏi nơi xuất phát xung phong trở lại vị trí tập kết. Phương châm tác chiến mới đã làm nảy sinh những khó khăn trong công tác tư tưởng của các lực lượng tham gia chiến dịch như ngại khó, ngại khổ… Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã chỉ đạo kịp thời các cấp uỷ đảng, các cơ quan chính trị, các cán bộ chính trị của đơn vị tích cực, chủ động nắm bắt tư tưởng của bộ đội, của các lực lượng tham gia chiến dịch, kịp thời uốn nắn tư tưởng lệch lạc, tập trung xây dựng củng cố chính trị tư tưởng, ý chí quyết tâm và quyết tâm thực hiện thắng lợi phương châm mới. Đảng, Bác Hồ, Tổng Quân uỷ và các cấp uỷ đảng đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng quyết tâm, nhanh chóng triển khai nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác tư tưởng, làm cho mọi người thông suốt, tin tưởng vào phương châm “đánh chắc, thắng chắc”. Chủ động khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu dài ngày, dũng cảm hi sinh, quyết chiến, quyết thắng. Biện pháp chủ yếu trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng được các cấp uỷ Đảng quan tâm chỉ đạo, kịp thời làm chuyển biến nhận thức ở từng cấp, từng đối tượng, phương châm tiến hành từ trên xuống dưới, thấu suốt từ cấp uỷ, chỉ huy cấp đại đoàn đến cấp cơ sở. Biện pháp đó đã phát huy tác dụng, có tính thuyết phục và kịp thời tạo được bầu không khí dân chủ, thống nhất cao, quyết tâm thực hiện phương châm mới.

Hai là, động viên kịp thời, xây dựng tinh thần chủ động tiến công, triệt để chấp hành mệnh lệnh, bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng.

Mở đầu chiến dịch, từ ngày 13 đến ngày 17-3-1954, bộ đội ta đã tiêu diệt các trung tâm đề kháng, phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch ở phân khu Bắc. Trong đợt chiến đấu này, bộ đội ta và các lực lượng tham gia chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, như anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, ngăn chặn hoả lực của địch để bộ đội ta tiến lên chiếm lĩnh trận địa. Để động viên kịp thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh đã kịp thời gửi thư khen ngợi, động viên tư tưởng và củng cố quyết tâm cho cán bộ chiến sĩ ngoài mặt trận. Bác còn căn dặn bộ đội ta, chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng, đồng thời Bác còn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, luôn luôn sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao phó.

Những lời căn dặn, nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp cho bộ đội ta cũng như các lực lượng tham gia củng cố thêm niềm tin, xây dựng ý chí quyết tâm cao, khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ, nhất là đợt 2 của chiến dịch. Sau 10 ngày tiến công của đợt 2 chiến dịch, các đơn vị của ta tuy chiến đấu dũng cảm tiêu diệt và đánh chiếm được một số cứ điểm quan trọng, nhưng do quân địch tăng quân và chống trả quyết liệt nên bộ đội ta thương vong nhiều, mục tiêu chung của đợt 2 chưa đạt được. Cũng vào thời điểm đó, chúng ta gặp không ít khó khăn, thời tiết rất khắc nghiệt, nhiều trận mưa đầu mùa làm cho giao thông lầy lội, cuộc sống của các chiến sĩ trong chiến hào càng gian nan, khó khăn, vất vả. Số thương binh, bệnh binh phải điều trị tại mặt trận ngày càng nhiều, nhưng thuốc men và phương tiện chuẩn bị không đầy đủ làm tăng thêm mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ. Những trận chiến đấu đầu tiên của đợt 2 diễn ra không được như dự kiến, đã tác động mạnh đến tư tưởng bộ đội. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ từ chủ quan khinh địch sang hoang mang, thiếu tin tưởng, hoài nghi thắng lợi, dao động, đánh giá địch quá cao. Những hiện tượng mệt mỏi, phát ngôn, thiếu tinh thần trách nhiệm đã xuất hiện ở một số đơn vị, một số cán bộ. Tình trạng đó, nếu không được chỉ đạo khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm, giảm sút ý chí chiến đấu ảnh hưởng tới thực hiện mục tiêu của chiến dịch.

Ngay lập tức Bộ Chính trị đã chỉ đạo: “Ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc tiến chắc, đồng thời tích cực tranh thủ thời gian, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, giành toàn thắng cho chiến dịch này” [2]. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng uỷ, Bộ chỉ huy chiến dịch đã tổ chức hội nghị các bí thư đại đoàn và các cán bộ chủ trì, các tổng cục tại mặt trận để triển khai công tác lãnh đạo, giáo dục tư tưởng cho bộ đội sau đợt 2 của chiến dịch. Bí thư Đảng uỷ, Tổng Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Phải kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng khuynh hướng tiêu cực, xây dựng tinh thần cách mạng tiến công và tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, bảo đảm cho toàn thắng của chiến dịch. Thực hiện sự chỉ đạo đó, các đơn vị đã tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát động cuộc đấu tranh chống các khuynh hướng tiêu cực, phương pháp tiến hành sinh hoạt tư tưởng lần này là nêu cao tự phê bình và phê bình từ trên xuống. Từ trong Đảng, từ cán bộ tới quần chúng, cấp trên làm gương cho cấp dưới; tất cả đều lắng nghe ý kiến của nhau, không khí phê bình, tự phê bình nghiêm túc, thẳng thắn, chân thành, trung thực. Ở các đơn vị cơ sở trực tiếp chiến đấu trong chiến hào, chính trị viên, cán bộ chính trị dùng phương pháp thực tiễn, diễn tả những khó khăn của ta và địch trên chiến trường làm cho mọi người thấy được khó khăn của ta để khắc phục, thấy rõ điểm yếu và khó khăn của địch. Không khí sinh hoạt ở các đơn vị, dân chủ, tích cực biểu thị quyết tâm cao, sẵn sàng chiến đấu, chấp hành mệnh lệnh, cuộc đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực đã được Đảng, Bác Hồ, Tổng Quân uỷ triển khai kịp thời và thành công lớn. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: Đó là một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị tư tưởng trong chiến đấu của quân đội ta. Nhờ tư tưởng của cán bộ chiến sĩ đã thông suốt mà công việc lại “làm băng băng”.

Thực tiễn chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, trong chiến đấu cũng như trong xây dựng dù phải đối mặt với những khó khăn gian khổ, những tình huống phát sinh ngoài dự kiến nhưng có sự chỉ đạo kịp thời, chính xác, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội thì sẽ thành công. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã phát huy tối đa vai trò trách nhiệm, sự chỉ đạo nhanh chóng kịp thời, xây dựng và phát huy được nhân tố chính trị tinh thần, do đó đã làm nên chiến thắng.

Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước đang tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra những yêu cầu mới, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình’’ bằng những chiêu bài “dân chủ’’, “nhân quyền’’, “đa nguyên’’, “đa đảng’’, “phi chính trị hoá quân đội’’… hòng chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết và hoang mang trong quần chúng nhân dân. Thực tế đó đang đặt ra yêu cầu đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng và phát huy nhân tố chính trị tinh thần, cần tập trung vào khắc phục những biểu hiện hoài nghi, dao động, xây dựng niềm tin vào con đường chủ nghĩa xã hội, vào vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, vào sức mạnh chiến đấu của quân đội trong chiến tranh công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, truyền thống cách mạng bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, kịp thời, có hiệu quả. Xây dựng ý chí quyết tâm cao, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, thực hiện và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.

70 năm đã trôi qua, niềm tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ còn in đậm trong ký ức của mỗi người Việt Nam chúng ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Những bài học quý, nhất là bài học về xây dựng và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cần tiếp tục được vận dụng sáng tạo và hiệu quả vào thực tiễn xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Chú thích:

[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến Bộ, Matxcơva, 1978, tr.147.

[2] ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website