Khắc ghi lời Bác, cán bộ phải là công bộc của dân

Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh. Đó cũng là quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân mà ngày nay chúng ta đang thực hiện.

Giải quyết những vấn đề cấp bách cho dân

Đây là câu nói được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhiều lần từ khi cách mạng giành chính quyền cho đến cả sau này. Chỉ sau đúng một ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, mùng 3/9/1945, Người có bài "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa", nêu sáu vấn đề.

 

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa TP Bắc Giang.

Trong đó, việc đầu tiên là giải quyết nạn đói cho dân, Người kêu gọi Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất; mở cuộc lạc quyên, mười ngày một lần, tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa để lấy gạo phát cho người nghèo. Người kêu gọi mọi người đi học chữ quốc ngữ, diệt giặc dốt; kêu gọi chuẩn bị Tổng tuyển cử trong cả nước; kêu gọi bỏ ba thứ thuế, gồm thuế thân, thuế chợ, thuế đò...

Cùng với việc giải quyết những vấn đề cấp bách cho dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lo lắng, quan tâm hoạt động của chính quyền non trẻ và có nhiều bài viết mà tư tưởng, nội dung những bài viết ấy đến nay vẫn nguyên giá trị.

Trong bài "Chính phủ là công bộc của dân", Người nêu rõ, ủy ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới; sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng; phải thận trọng hết sức khi chi dùng công quỹ, không tùy ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống; không lợi dụng danh nghĩa ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình.

Những bài viết của Người dung dị, nhưng càng đọc càng thấy sâu sắc, thấm thía và vô cùng thiết thực đối với cán bộ, công chức hiện nay. Theo Người, tình hình công việc, khách quan thay đổi hằng giờ, hằng phút; một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau có thể không hợp thời, nếu không tỉnh táo kiểm điểm loại bỏ cái quá thời, sai hỏng, nhất định sẽ không theo kịp tình thế.

Muốn thích hợp tình thế cần phải nhận thức và tự giác giáo dục không ngừng, thành thực vạch ra khuyết điểm và sửa đổi… Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích.

Chỉ sau hơn một tháng hoạt động của Chính phủ lâm thời, Người đã chỉ ra nhiều yếu kém cần khắc phục, như thiếu óc tổ chức, làm việc tùy tiện. Trong một ủy ban, “nhiều khi có người làm việc rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc.

Do đó, phải có “tinh thần tự động trong ủy ban nhân dân”, tức là không phải tựa vào ai, tự mình biết xoay xở, biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới. Nhưng tự động không phải là tự tiện, không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì thì cứ tự ý làm bừa đi, không theo pháp luật Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng,…

Đọc những lời căn dặn của Người 77 năm trước, chắn hẳn nhiều cán bộ, công chức hiện nay thấy giật mình vì vẫn còn kiểu làm việc tùy tiện, bị động như thế, dù được đào tạo rất bài bản, khác xa với cán bộ thời bấy giờ. Nhớ lời Người, cách tốt nhất là mỗi cán bộ hãy thường xuyên tự soi, tự sửa để xứng đáng là “công bộc của dân”.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh

Sớm nhận thấy những thói hư, tật xấu mà cán bộ dễ vướng phải, làm ảnh hưởng đến dân, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác chung cho dân,…. "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh". Người phê phán thói sách nhiễu nhân dân, "cậy thế mình trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân";… "Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp"; "lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm"; "kéo bè, kéo cánh"; "coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên"...

Để có một Chính phủ là công bộc của dân, theo Người, mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy đó phải làm sao cho dân yêu mến; phải nhớ dân là chủ; dân như nước, mình như cá; phải lắng nghe dân, học hỏi ở nơi dân,...

Năm nay, kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9 - ngày Nhà nước ta ra đời và cũng đúng ngày này 53 năm trước, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta không còn nữa, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn vẹn nguyên, sáng mãi trong trái tim người dân Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, những tháng đầu tiên của Nhà nước mới ra đời, Người có nhiều bài viết về công việc của Chính phủ lâm thời và việc xây dựng ủy ban nhân dân các cấp. Những lời căn dặn, chỉ bảo của Người luôn là kim chỉ nam cho chúng ta hành động để xây dựng nhà nước thật sự là của nhân dân, coi nhân dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ. 

Suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn phấn đấu thực hiện lời Người chỉ dẫn, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định bài học quý báu “dân là gốc”.

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thực tiễn đất nước từ khi cách mạng giành chính quyền đến nay, nhất là sau hơn 35 năm đổi mới là minh chứng rõ nhất cho chủ trương ấy.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, Chính phủ đã có Nghị quyết số 76 ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Xác định là một trong những đột phá phát triển đất nước, chương trình cải cách hành chính xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Các nội dung cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ, gắn với đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước,…

Trong giai đoạn 2021 – 2030, chương trình này tập trung vào sáu nội dung, gồm cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.

Nhờ cải cách hành chính, bây giờ đi làm thủ tục gì, người dân cũng thấy thoải mái hơn. Nhiều loại thủ tục rườm rà, nhiêu khê đã được loại bỏ. Cách tổ chức đón tiếp người dân tại các công sở, các trung tâm dịch vụ hành chính công có nhiều đổi mới, cải tiến.

Nhiều loại giấy tờ, người dân không phải đến công sở mà có thể đăng ký online qua mạng, thay vì trước đây có thể mất cả tuần, thậm chí hàng tháng chưa giải quyết được. Căn cước công dân gắn chíp đã tích hợp nhiều loại giấy tờ như bảo hiểm xã hội, y tế, đăng ký, bằng lái xe… rất tiện lợi cho người dân.

Song, thực tế cũng cho thấy là tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ. Phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ, nhất là ở cơ sở còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu nhân dân đâu đó vẫn còn.

Tình trạng lợi dụng quyền hạn được giao để trục lợi vẫn chưa hết. Điển hình là các vụ án liên quan Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong đại dịch Covid-19, có hàng trăm cán bộ để tay nhúng chàm mà vướng vào vòng lao lý. Không thể để những cán bộ quen sách nhiễu, gây khó cho dân trong bộ máy Nhà nước.

Những ngày mừng vui đón Tết Độc lập, năm nào cũng vậy, nhân dân ta đều nhớ đến công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã làm rạng rỡ non sông ta, đất nước ta; lại thêm một lần nữa khắc ghi lời Người, Chính phủ là công bộc của dân, mỗi cán bộ đều phải là công bộc của dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website