Học Bác để tốt hơn mỗi ngày

Huyện đoàn Vũ Thư và các cơ sở đoàn trực thuộc khám bệnh, tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn.

259 “địa chỉ xanh tình nguyện”, tương ứng với 259 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tuổi trẻ Vũ Thư hỗ trợ gạo, nước, gia vị hoặc tiền điện, tiền nước hàng tháng hoặc đồ dùng học tập... Đây cũng là phong trào mang thương hiệu riêng của các cấp bộ đoàn ở Vũ Thư trong học và làm theo Bác. Chị Phan Thị Ngân Phương, Bí thư Huyện đoàn Vũ Thư cho biết: Triển khai từ đầu năm 2019, mô hình địa chỉ xanh tình nguyện được các cơ sở đoàn trên địa bàn huyện thực hiện với mong muốn chia sẻ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tùy vào điều kiện và tình hình thực tế của từng đối tượng mà các cơ sở đoàn có sự hỗ trợ khác nhau. Đặc biệt, đã có nhiều hoàn cảnh già cả neo đơn được tổ chức đoàn kêu gọi, vận động các nguồn lực xây nhà tình nghĩa. Bà Vũ Thị Chiến, thôn Năng Tĩnh, xã Vũ Hội là một hoàn cảnh như vậy. Được ở trong trong ngôi nhà mới, không còn phải lo mưa tạt, gió lùa, bà Chiến xúc động: Khi xây nhà, đoàn thanh niên hỗ trợ kinh phí rồi đến giúp ngày công, nhiệt tình lắm. Xây xong rồi vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà. Tôi phấn khởi, khỏe ra.

Cùng với phong trào “địa chỉ xanh tình nguyện”, các cấp bộ đoàn ở Vũ Thư còn tổ chức các hoạt động: khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; tặng con giống, thay mới, sửa chữa bóng điện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà nhân ái cho các gia đình chính sách, già cả neo đơn. Cùng với đó, hàng năm Huyện đoàn Vũ Thư tổ chức chương trình thiện nguyện “Tình nguyện mùa đông và xuân tình nguyện”. Từ năm 2015 - 2023, Huyện đoàn đã phát động quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm, sách vở, công trình thanh niên tại các tỉnh miền núi phía Bắc với tổng trị giá hơn 700 triệu đồng.

Học Bác đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, thanh niên Vũ Thư sôi nổi thi đua lập thân, lập nghiệp. Toàn huyện có hàng trăm trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh do thanh niên làm chủ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp huyện Vũ Thư có 20 thành viên có thu nhập từ 300 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm tại chỗ cho 5 - 35 lao động. Anh Quản Quốc Quân, thành viên Câu lạc bộ cho biết: Tôi phát triển kinh tế từ sản xuất đồ chơi gỗ. Tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng khi vào Câu lạc bộ anh em giúp nhau định hướng, giới thiệu bạn hàng. Mọi người không chỉ cùng chung chí hướng phát triển kinh tế mà luôn tâm niệm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là cách mỗi người làm giàu vốn sống, hoàn thiện nhân cách.

Theo chị Phan Thị Ngân Phương, cụ thể hóa việc học và làm theo Bác, các cấp bộ đoàn trong huyện còn thực hiện 429 công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới. Đoàn thanh niên các xã, thị trấn triển khai hiệu quả chương trình “Rửa xe gây quỹ thiện nguyện”, trao hàng trăm suất quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thành tích xuất sắc trong học tập. Từ việc học và làm theo Bác đã góp phần xây dựng thế hệ trẻ Vũ Thư giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, luôn xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền Huyện đoàn Vũ Thư được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

 

 Chương trình “Rửa xe gây quỹ thiện nguyện” được đoàn cơ sở ở Vũ Thư triển khai hiệu quả.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website