Với lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu sắc, nhiều cơ sở thờ tự, nhà dân trong tỉnh đã lập bàn thờ để tưởng nhớ công lao của Người.
Ông Phạm Văn Đạm ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) dâng hương lên ban thờ Bác Hồ ở đền thờ Dọc
Ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), ai cũng biết đền Dọc - thờ Đức Thánh mẫu Vũ Thị Đức, người có công giúp vua Lê Thái Tổ đánh thắng giặc Minh ở thế kỷ XV. Đền được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 2005. Những năm qua, công trình đã nhiều lần được tu sửa, trở thành điểm sinh hoạt văn hoá tinh thần của đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện.
Năm 2019, Ban quản lý đền xây dựng lại nhà khách, lập bàn thờ, đặt tượng Bác Hồ để người dân đến thắp hương, dâng lễ. Trên bàn thờ, tượng Bác được đặt trang nghiêm, luôn có hoa tươi dâng lễ. Ông Phạm Văn Đạm, thành viên Ban quản lý di tích cho biết “Người dân trước khi lễ Đức Thánh mẫu đều đến dâng hương ở bàn thờ Bác”.
Tưởng nhớ công lao to lớn của Bác, gia đình ông Vũ Nguyên Sinh ở thôn Trịnh Thanh Vân, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) đã xin phép chính quyền địa phương để đầu tư xây dựng đền thờ Bác Hồ và tặng lại cho thôn. Theo ông Sinh, khu vực xây đền thờ Bác trước đây là nhà văn hóa thôn nhưng được chính quyền địa phương và nhân dân đồng ý, ông đã xây dựng đền thờ Bác và chuyển nhà văn hóa ra khu vực liền kề. Đền thờ Bác được xây dựng trên khuôn viên 2.000 m2 với khu thờ chính rộng hơn 100 m2. Ban thờ có tượng Bác được làm bằng đồng cùng các đồ thờ tự. Trong khuôn viên trồng nhiều cây xanh, đặt thêm nhiều ghế đá để người dân đến nghỉ ngơi. “Gia đình tôi lập đền thờ Bác Hồ hoàn toàn xuất phát từ lòng kính trọng và biết ơn công lao to lớn của Người đã dành cho đất nước, cho dân tộc. Đây là nơi để hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, ngày 27.7, 19.8... tôi và bà con trong làng đến dâng lễ, tỏ lòng biết ơn Người sâu sắc”, ông Sinh nói.
|
Bàn thờ Bác Hồ luôn được người trong gia đình ông Vũ Nguyên Sinh ở thôn Trịnh Thanh Vân, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) giữ gìn sạch sẽ
Không chỉ là nơi tưởng nhớ Bác, công trình cùng với nhà văn hóa thôn đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí của người dân địa phương. "Việc xây dựng đền thờ Bác Hồ tại địa phương là việc làm rất có ý nghĩa, qua đây góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về công lao, đóng góp to lớn của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc”, ông Đàm Khắc Thọ, Bí thư, Trưởng thôn Trịnh Thanh Vân cho biết.
Với bà Nguyễn Thị Trịnh ở thôn Kim Can, xã Thanh Lang (Thanh Hà) hình ảnh Bác Hồ luôn in đậm trong tâm trí. Từ bé bà đã thuộc lòng những bài hát ca ngợi Bác, ca ngợi Đảng. Cùng với thờ Phật, nhiều năm qua bà luôn treo ảnh và thờ Bác trong nhà. "Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt thân thương, trìu mến và nụ cười ấm áp của Bác tôi luôn thấy bình an, phấn chấn", bà Trịnh cho biết. Bà luôn chăm chút dâng lễ, lau dọn sạch sẽ bàn thờ Bác mỗi ngày để tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của Bác.
Mỗi người, mỗi gia đình có một cách thể hiện, nhưng tựu chung đều là những tấm lòng kính trọng, biết ơn công lao vĩ đại của Bác.
THANH HÀ
Theo https://baohaiduong.vn