Gia Lai nhân rộng mô hình hiệu quả trong học và làm theo Bác
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long điều hành thảo luận tại hội thảo nâng cao chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long điều hành thảo luận tại hội thảo nâng cao chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ảnh: Đức Thụy

2.575 MÔ HÌNH HAY, CÁCH LÀM SÁNG TẠO 

Trong thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh triển khai, cụ thể hóa việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực. Toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng 2.575 mô hình trên các lĩnh vực. Trên cơ sở rà soát, chỉ đạo đăng ký xây dựng các mô hình, điển hình và tổng kết thực tiễn, Gia Lai đã lựa chọn được những mô hình, cách làm sáng tạo, có hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực.

Trên lĩnh vực kinh tế, có các mô hình hiệu quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, vận động nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng được nhiều công trình phục vụ dân sinh, xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Mô hình “Xóa 1 hộ đói, giảm 1 hộ nghèo” đã giúp hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững. Mô hình “Gắn kết hộ giữa hộ gia đình người Kinh với hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số” của Binh đoàn 15 (với hơn 3.000 cặp hộ gắn kết) giúp nhau phát triển kinh tế). Bên cạnh đó, còn có các mô hình hiệu quả như: “Trình diễn lúa nước” của các đồn biên phòng; Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng/năm”; các phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Bốn đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, làm giàu chính đáng;… Các mô hình được triển khai rộng rãi, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu. Các mô hình, phong trào, cuộc vận động có hiệu quả như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xuân đoàn kết - Tết yêu thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương”, “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh, mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường” do Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện. Một số mô hình mới, có ý nghĩa thiết thực, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, như: Mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” của thầy giáo Vũ Văn Tùng ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa; mô hình “Lớp học xóa mù chữ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú An, huyện Đăk Pơ; mô hình “Lớp học xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số Jrai” của Đồn Biên phòng Ia Lốp, tỉnh Gia Lai…

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng lực lượng cốt cán, kịp thời đề xuất xử lý các vụ việc phức tạp ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tiêu biểu có các mô hình: “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận” của lực lượng vũ trang tỉnh; “Giáo dục FULRO tại cộng đồng”, “Tuyên truyền Giao thông trong làng đồng bào dân tộc thiểu số”, “Thế trận an ninh nhân dân trên mạng xã hội Facebook”, “Hệ thống kênh thông tin về an ninh trật tự, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và cải cách hành chính trên mạng xã hội” của Công an tỉnh; “Tiếng kẻng an ninh”, “Tổ an ninh tự quản”, “Làng tự quản gắn với chốt an ninh trật tự”, “Trường học an toàn về an ninh trật tự”... của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.

Trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đã chú trọng tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc sâu sát cơ sở, gắn bó với nhân dân, tập trung giải quyết những vụ việc bức xúc nổi cộm, với phương châm “nói ít làm nhiều, làm đến đâu chắc đến đó”. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện mô hình “Hằng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”, với tổng số 5.209 lượt đi cơ sở. Đoàn Thanh niên tỉnh có mô hình “Tổ công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn - Hội”. Đảng ủy Quân sự tỉnh thực hiện tốt công tác kết nghĩa giữa các đơn vị với các thôn, làng, xã trọng điểm. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phân công 7 đồng chí tham gia giữ chức phó bí thư đảng ủy xã, các đồn biên phòng phối hợp với đảng ủy 7 xã biên giới lựa chọn, phân công 48 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn (làng) biên giới, phân công 196 đảng viên phụ trách 876 hộ/3.307 khẩu trên khu vực biên giới của tỉnh…

 Việc xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua luôn được chú trọng, với nhiều cách làm mới, sáng tạo và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc; qua đó làm cơ sở biểu dương, khen thưởng, tôn vinh xứng đáng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích cũng như tạo sự lan tỏa tốt đẹp trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng mô hình, điển hình ở cơ sở có nơi còn lúng túng, một số mô hình chưa rõ nét, thiếu bền vững, hiệu quả còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện mô hình còn thiếu đồng bộ, chưa sát với đặc điểm tình hình cơ sở (ví dụ: mô hình có tính chất tương tự nhau nhưng nhiều đoàn thể cùng triển khai thực hiện trên cùng địa bàn). Công tác đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả mô hình ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Người dân và doanh nghiệp ở huyện Đak Đoa chia sẻ kinh nghiệm sản xuất sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Phan Lài

Người dân và doanh nghiệp ở huyện Đak Đoa chia sẻ kinh nghiệm sản xuất sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Phan Lài

TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT HIỆU QUẢ NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI, KHÓ

Từ thực tiễn xây dựng, nhân rộng các mô hình học tập và làm theo Bác trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai rút ra một số kinh nghiệm bước đầu, đó là:

Một là, gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị với việc thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; đôn đốc, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nêu gương của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” với xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trên các lĩnh vực tại đơn vị, địa phương.

Hai là, chú trọng nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung, tiêu chí, quy trình xây dựng, thủ tục xét công nhận và biểu dương, khen thưởng các mô hình hay, cách làm hiệu quả ở địa phương. Trong đó, chú ý làm tốt các bước trong xây dựng mô hình, từ việc lựa chọn nội dung, đăng ký xây dựng mô hình, tiến hành xây dựng mô hình, theo dõi kết quả thực hiện, đánh giá kết quả và công nhận mô hình đến việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình.

Kịp thời phát hiện, lựa chọn đúng người, đúng việc để biểu dương, khen thưởng và giới thiệu, đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn, tôn vinh trong Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” hằng năm. Thực tế ở Gia Lai, sau khi các gương tập thể, cá nhân điển hình, mô hình điển hình được biểu dương khen thưởng trong phạm vi toàn quốc đã có tác dụng cổ vũ, động viên rất lớn đối với phong trào thi đua học tập và làm theo gương Bác trên địa bàn tỉnh.

Ba là, các cơ quan, địa phương, đơn vị phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước phù hợp, sát với tình hình thực tế, hướng vào giải quyết hiệu quả những vấn đề mới, vấn đề khó, bức xúc, phát huy sức mạnh và vai trò chủ thể của nhân dân. Chăm lo bồi dưỡng, nhân rộng những mô hình đã và đang mang lại hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, nhất là các mô hình trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở... Từ đó, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và trong xã hội.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; nhất là trong việc lựa chọn một số cuộc vận động, phong trào thi đua tiêu biểu để thống nhất chỉ đạo làm điểm, phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì việc đầu tư xây dựng, nhân rộng mô hình và đánh giá kết quả thực hiện; khắc phục tình trạng trùng lắp hoặc dàn trải, hình thức, khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Năm là, đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những hình thức phù hợp, như: tổ chức Lễ báo công dâng Bác và chương trình giao lưu điển hình tiên tiến hằng năm để tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website