Phòng và chống suy thoái từ sớm, từ xa

 

Hình ảnh minh họa. Bìa cuốn sách Đường Cách Mệnh

95 năm sau khi được Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông xuất bản (1927-2022), tác phẩm Đường Cách mệnh - tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc trong những năm 1925-1927; trong đó "Tư cách một người cách mệnh" là bài giảng đầu tiên của Người vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng luôn trong sạch vững mạnh.

1. Bài giảng đầu tiên trong tác phẩm Đường Cách mệnh

Tác phẩm Đường Kách mệnh (bìa cuốn sách xuất bản năm 1927 là chữ "Kách", sau này đã dùng chữ "Cách"- Đường Cách mệnh) không phải là cuốn sách chuyên viết về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, song trên thực tế được xem như tác phẩm đầu tiên của Người nói về đạo đức cách mạng

Thấu hiểu sâu sắc lời dặn của cổ nhân: Đạo đức là gốc rễ, tài là ngọn cành, người cách mạng muốn hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó thì tất yếu phải có đủ cả hai đức tính quý báu đó, nên "Tư cách một người cách mệnh" được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu ra cụ thể trong 23 điều sau:

Tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”[1] .

Nội dung 23 điều này bao gồm 3 mối quan hệ mật thiết với nhau (với tự mình; với người và với công việc), hàm chứa trong đó tinh thần đạo đức truyền thống của dân tộc và đạo đức mới của thời đại - Đó là đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Xuất hiện lần đầu trong tác phẩm Đường Cách mệnh, những chuẩn mực và yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức của người cách mạng/người cán bộ, đảng viên ngày càng được Người nêu đầy đủ hơn trong các bài nói, bài viết sau này, như: Người cán bộ, đảng viên phải "cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư", phải "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng",  phải "trung với nước, hiếu với dân",v.v.. Sau đó, Người đã cụ thể những yêu cầu về đạo đức cách mạng thành: phải “tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân”, phải “đặt lợi ích của Đảng lên trên hết”, phải “suốt đời đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân”…

Với nội dung ngắn gọn trong "Tư cách một người cách mệnh", có thể thấy ngay từ khi chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ nhận thức sâu sắc vai trò của đạo đức; yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng mà còn coi đạo đức là gốc, là nền tảng, liên quan đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Thể hiện rõ trên 3 mối quan hệ, nên tuy ngắn gọn, song 23 điều này đã chỉ rõ những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của người cán bộ, đảng viên cần phải có. Đó là, trong mọi lĩnh vực công tác cũng như cuộc sống đời thường, trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, người cán bộ, đảng viên đều:

- "Tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật" chính là thái độ, hành vi đầu tiên mà người cán bộ, đảng viên phải chú trọng rèn luyện. Bởi đó vừa là yêu cầu vừa là mệnh lệnh, đồng thời cũng là những chỉ dẫn phải được thực hiện/thực hiện nghiêm túc suốt đời. Đây không chỉ là vấn đề đặc biệt quan trọng, quyết định tới tư cách của một người cách mệnh mà còn là yêu cầu đối với sự mẫu mực nêu gương về đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

- "Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người" là nguyên tắc ứng xử của người cách mạng với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp của mình và đối với với quần chúng nhân dân, để xứng đáng với vị thế vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

- "Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể” là trí tuệ, bản lĩnh, phong cách công tác của người cán bộ, đảng viên trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm; thể hiện rõ vai trò, tinh thần trách nhiệm của mình trước trọng trách được giao.

Trong 23 điều răn về đạo đức người cách mệnh cần phải có, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành 14 điều răn để dành cho phần tự mình phải, thể hiện rõ nội hàm của các phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Ở phần đối người phải, Người dành 5 điều răn, thể hiện sự khoan dung, lòng nhân nghĩa của người cách mạng. Phần nói làm việc phải có 4 điều răn, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm, bản lĩnh của người cách mạng. Ý nghĩa của những điều trong "Tự mình phải", "Đối người phải" và "Làm việc phải" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra không chỉ bao hàm những vấn đề cơ bản về nhân sinh quan và thế giới quan cách mạng, về ý thức và phương pháp tư tưởng của giai cấp công nhân, mà còn đồng thời khẳng định rằng: Đạo đức cách mạng và rèn luyện đạo đức cách mạng là một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng/đội ngũ cán bộ, đảng viên chân chính, tiến tới xây dựng Đảng Mácxít cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.

Với quan niệm mới về đạo đức cách mạng theo lý tưởng cộng sản được nêu trong "Tư cách một người cách mệnh", có thể thấy đây không chỉ là yêu cầu đầu tiên mà còn là bài học quan trọng đối với những thanh niên Việt Nam yêu nước thời kỳ đó (vì phần đông lớp cán bộ thời dựng Đảng là những trí thức, tiểu tư sản thành thị). Việc chọn "Tư cách một người cách mệnh" là bài giảng đầu tiên Người dành để giảng tại các lớp Huấn luyện chính trị, không chỉ cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trong công tác cán bộ nói chung mà còn coi đạo đức là một trong 2 tiêu chuẩn (đức và tài, nhưng đức là gốc) của người cán bộ cách mạng/người đảng viên cộng sản nói riêng trong cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Đây không chỉ là quan niệm mới, một triết lý mới về đạo đức cách mạng khác với đạo đức yêu nước của các bậc tiền bối, mà còn là một sáng tạo độc đáo về đạo đức, nâng đạo đức lên một tầm cao mới, mang hơi thở của thời đại mới, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng.

Thông qua "Tư cách một người cách mệnh", có thể thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một người cách mạng/người đảng viên cộng sản khi đã dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, muốn hoàn thành được trọng trách của mình trước Tổ quốc và nhân dân thì trước hết/đầu tiên phải có đạo đức cách mạng, phải rời xa chủ nghĩa cá nhân. . Thực tế cho thấy rằng, vấn đề trọng yếu này đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Bởi vì trong điều kiện lịch sử mới, để Đảng luôn xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, danh dự và lương tâm của cả dân tộc; để Đảng không thay đổi bản chất, không thay đổi mục đích, lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người thì Đảng càng phải chú trọng vấn đề đạo đức. Đồng thời, cán bộ, đảng viên càng phải nỗ lực rèn luyện về đạo đức cách mạng, càng phải nghiêm cẩn thực thi các nguyên tắc xây dựng Đảng và phòng, chống chủ nghĩa cá nhân để quyền lực cùng những đặc quyền, đặc lợi của nó không làm tha hóa, không làm biến chất, suy thoái đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Từ những tiềm ẩn về nguy cơ suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định: "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng"[2], mà Người còn nhấn mạnh Đảng cầm quyền càng phải chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cụ thể, Người khẳng định trong tác phẩm Sửa đối lối làm việc (1947): "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì"[3]  và trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (1958): "Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh, mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang"[4].

Từ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, có thể thấy rằng, dù nêu ra ở những thời điểm khác nhau, song trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì vấn đề đạo đức cách mạng nói chung, đặt lên hàng đầu việc mỗi người cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân nói riêng, để bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật; để sâu sát thực tế, hướng về nhân dân, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó luôn là nhất quán. Điều đó cũng có nghĩa là, trong hoàn cảnh nào cũng vậy, còn hoạt động bí mật hay khi đã trở thành Đảng cầm quyền, thời chiến hay thời bình, thì việc tu dưỡng đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên cũng cần phải tập trung vào 3 mối quan hệ "Tự mình phải", "Đối người phải" và "Làm việc phải" và đó cũng chính là gắn đạo đức cách mạng với thực tiễn cuộc sống, với văn hoá và sự phát triển, để người cán bộ, đảng viên xứng đáng với trọng trách vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ của nhân dân; vừa là chính mình vừa là tấm gương đạo đức để quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

2. Tiếp tục đẩy mạnh học và làm theo "Tư cách một người cách mệnh" để xây dựng và chỉnh đốn Đảng

95 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những yêu cầu về "Tư cách một người cách mệnh", có thể thấy những điều răn đó vẫn rất ý nghĩa, rất thời sự trong quá trình xây dựng đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng. Từ những diễn biến phức tạp về đạo đức dưới tác động của nền kinh tế thị trường; từ thực trạng xuống cấp đạo đức trong xã hội nói chung, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, có thể thấy một trong những nguyên nhân quan trọng của vấn nạn này chính là việc mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên đã không tuân thủ thực hiện nguyên tắc rèn luyện đạo đức cách mạng theo 23 điều răn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong tác phẩm Đường Cách mệnh.

Ai cũng hiểu, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng những nhiệm kỳ gần đây; trong các Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" và trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"" cùng các Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương" và Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Những điều đảng viên không được làm"… và việc phải triển khai thực hiện theo các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định này chính là nhằm phòng, chống để ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức; là để thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, dường như cùng với thời gian, cùng với những hệ lụy từ bối cảnh toàn cầu hóa và của nền kinh tế thị trường, chủ nghĩa cá nhân - loại "vi trùng mẹ" - kẻ thù "nội xâm"/thứ trái ngược với những yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Tư cách một người cách mệnh" ngày một tác oai, tác quái trong đời sống xã hội, khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa vào và đã tự mình "trở thành người có tội với cách mạng", khiến quần chúng nhân dân bức xúc. Trước thực trạng một số cán bộ, đảng viên dao động, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu; thực dụng, cơ hội, chạy theo danh vị, chức quyền, lợi ích cục bộ, thu vén cá nhân; lợi dụng chức quyền, cương vị công tác để tham ô, tham nhũng, ăn hối lộ, làm giàu bất chính… dẫn đến vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng; trước những vụ án về tham ô, tham nhũng đã khiến riêng năm 2021: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 26 cán bộ diện Trung ương quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: 4 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương; 2 nguyên Bộ trưởng, 1 bí thư tỉnh uỷ, 5 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 2 nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; 3 nguyên phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; 13 sĩ quan đương chức cấp tướng trong lực lượng vũ trang… chúng ta càng thấm thía và càng hiểu được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn bài đầu tiên để giảng cho người cách mạng là "Tư cách một người cách mệnh".

Đồng thời, càng đứng trước những khó khăn, thử thách; và nhất là khi Đảng chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh chống tham ô, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác, chúng ta càng thấy ý nghĩa lớn lao từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và rèn luyện đạo đức cách mạng trong các tác phẩm của Người, nhất là tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng năm 1969 và lời dặn lại cuối cùng trong Di chúc Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân"[5].

Thực tế, những chỉ dẫn, cảnh báo, dự liệu của Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trước những tác động xấu từ chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù của đạo đức xã hội chủ nghĩa, kẻ thù của người cán bộ, đảng viên cộng sản chân chính cho thấy rằng: Muốn phòng và chống sự suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa thì trước hết mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng cần phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa, học tập và làm theo nghiêm túc hơn nữa theo đúng yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Tư cách một người cách mệnh".

Thực tế cũng cho thấy là, trong rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sự suy thoái, thì nguyên nhân chủ yếu nhất chính là không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao thiếu gương mẫu trong rèn luyện bản thân, chưa tự giác, nghiêm túc thực hiện đúng nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, Điều lệ và kỷ luật của Đảng; mang nặng chủ nghĩa cá nhân nên không chỉ cơ hội, tham vọng quyền lực mà còn lợi dụng/lạm dụng quyền lực để mưu cầu danh lợi cho mình và nhóm lợi ích… Đồng thời, mỗi cấp uỷ, mỗi tổ chức Đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát cũng như chưa phát huy tốt vai trò của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên từ cơ sở. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động lại không ngừng thực chiến lược "diễn biến hoà bình", gia tăng các hoạt động tuyên truyền, chống phá, thổi phồng những sai lầm và khoét sâu vào sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, để từ đó phủ nhận sự tiên phong, gương mẫu của người cán bộ cách mạng và đòi xóa bỏ vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng…

Vì thế, để lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[6] được quán triệt trong nhận thức, tư tưởng và hành động; để mỗi cán bộ, đảng viên luôn xứng đáng với vai trò tiền phong, thì từng cấp ủy, từng tổ chức Đảng trong cả hệ thống chính trị không những phải nâng cao nhận thức mà còn phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nói chung, về "Tư cách một người cách mệnh" nói riêng với Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", coi đó như là một nhu cầu tự thân, trở thành nền nếp. Đồng thời, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng và đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đạt được hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động tự bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, phương pháp, tác phong công tác trên tinh thần nghiêm túc đánh giá bản thân, tự soi, tự sửa những hạn chế, khuyết điểm của mình; nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống, nêu gương về đạo đức và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời để phòng và chống nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ sớm, từ xa. Đồng thời, đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, kiểm soát quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng gắn với chủ động phòng và đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.280-281

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.289

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.292-293

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.601

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 622

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.672

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website