Để tiến bộ kịp Nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954)

Dân rất tốt, anh hùng, sáng tạo, nhiều kinh nghiệm và ý kiến hay

Xưa nay trong lịch sử các nước và nước ta, những lời nói hay, viết hay về Nhân dân không ít, tiêu biểu như Nguyễn Trãi ở Việt Nam, Lênin ở Nga, nhưng nói, viết và làm theo kiểu “học và hành để tiến bộ kịp Nhân dân” thì hiếm thấy và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người viết: “Thế giới ngày càng đổi mới, Nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp Nhân dân” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.10, tr.377).

Nhiều cán bộ đề cao dân, nói và viết về vai trò của dân hay, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, thậm chí một bộ phận cán bộ còn “Khinh Nhân dân: Cho là “dân ngu khu đen” bảo sao làm vậy, không hiểu được lý luận, chính trị cao xa như mình” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.7, tr.176. Lại “có người cho là dân dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.5, tr.335). Một loại cán bộ khác tỏ ra rất “mácxít”, hễ nói là chỉ đề cập đến Đảng và Chính phủ. Họ nói như vậy để chứng tỏ mình là người đích thực cách mạng, trung thành với Đảng và Chính phủ. Nếu nghĩ như vậy thì đó là loại cán bộ non nớt và sai lầm về chính trị, không học được mấy chữ a, b, c về “khoa học chính trị” là học Nhân dân, phục vụ Nhân dân, làm đầy tớ trung thành của Nhân dân. Còn nếu nói để che đậy lòng dạ xấu xa của mình thì đó là loại cán bộ cơ hội, cách mạng đầu lưỡi, giả danh cách mạng. Họ đeo mặt nạ để che đậy những việc làm hại dân, hại nước.

Chỉ thấy Đảng và Chính phủ mà không thấy dân là sai. Sự thực thì Đảng và Chính phủ ta làm việc cho dân chúng, vì lợi ích của Nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ nếu cán bộ nói mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng và Chính phủ, thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phụ trách trước Nhân dân. Mà phụ trách trước Nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước Nhân dân. Nếu cán bộ không phụ trách trước Nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa Nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ.

Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước gặp nhau ở một phát hiện thú vị là xuất phát từ chỗ trọng dân, đề cao dân, trong nhiều bài viết, bài nói như Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”, v.v.. Hồ Chí Minh thường đặt lên đầu câu: “Hỡi đồng bào yêu quý!”, “Hỡi đồng bào toàn quốc!”. Đọc Tuyên ngôn độc lập, giữa chừng Người dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”/ “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Nhiều nhà nghiên cứu còn khai thác sâu hai tiếng “Đồng bào” trong di sản Hồ Chí Minh với mệnh đề “Thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”. Đúng là thiêng liêng! Vì đó là hồn cốt Việt, bản sắc Việt, cốt cách Việt Nam. Không có nơi nào trên thế giới có hai tiếng “đồng bào” như cách hiểu ở nước ta. Các nhà nghiên cứu cho ta thêm một góc nhìn làm đậm hơn, rõ hơn quan điểm Hồ Chí Minh về “tiến bộ kịp Nhân dân”.

Với nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, việc đặt từ hay mệnh đề trước sau chứa đựng chiều sâu tư tưởng, mà ở đây là “chất dân”, vai trò, vị trí của dân. Người chỉ rõ trong một nước dân chủ thì dân là chủ, địa vị cao nhất là dân. Dân rất tốt và luôn luôn tốt, đó là một chân lý. Chỉ có cán bộ có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, còn Nhân dân không bao giờ tham nhũng. Trong bài Trả lời các nhà báo nước ngoài (21-1-1946) không đầy 300 từ, Hồ Chí Minh dùng 5 lần hai tiếng “đồng bào”, cả việc “đồng bào ủy thác chức Chủ tịch”. Người không dùng hai tiếng “Quốc hội” hay “cử tri” mà là đồng bào ủy thác chức Chủ tịch để khẳng định bổn phận, trách nhiệm của mình là làm cho đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành và khi đồng bào cho lui thì rất vui lòng lui.

Những năm qua nhiều cán bộ suy thoái, tha hóa biến chất, bị kỷ luật, truy tố xét xử, vào tù có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân gốc rễ là họ xem thường Nhân dân. Họ làm những chuyện mà Bác Hồ đã cảnh báo nguy cơ từ thập kỷ bốn mươi như đè đầu dân, cưỡi cổ dân, vác mặt quan cách mạng. Họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu dân là lực lượng quý nhất, mạnh nhất, nhiều kinh nghiệm hay, nhiều tai mắt, cái gì cũng nghe, cũng thấy. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Hồ Chí Minh nói đến Nhân dân là nói đến những người khôn khéo, hăng hái, anh hùng, thông minh, sáng tạo, lực lượng nhiều vô kể. Họ biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra.

Theo Hồ Chí Minh, muốn lãnh đạo thì phải học dân vì dân là người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. Người chỉ rõ “không học hỏi Nhân dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”. Nghiên cứu kỹ và sâu Hồ Chí Minh, chúng ta có thể phát hiện ra Người có ba “người thầy” rất đặc biệt, đó là Nhân dân, lịch sử và thực tiễn. Người dạy “dân ta phải biết sử ta” và khẳng định “không có Nhân dân thì không có Bác”. Người không được học nhiều ở các nhà trường, mà chủ yếu là học từ cuộc sống, từ thực tiễn và quan trọng nhất là học Nhân dân. Trao đổi với các văn nghệ sĩ, Người chỉ rõ Nhân dân trăm tai nghìn mắt, có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân.

Để tiến bộ kịp Nhân dân là điều không dễ dàng, không đơn giản, vì trí tuệ, sáng kiến, lòng trung thành và sự kiên cường, dũng cảm của quần chúng là vô cùng tận. Theo Hồ Chí Minh, lực lượng của Nhân dân nhiều vô cùng. Quyền hành trong tay Nhân dân. Nhân dân là một kho tàng về sáng kiến, kinh nghiệm và trí tuệ. Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Vì vậy phải học hỏi Nhân dân, bàn với Nhân dân, khuyến khích Nhân dân phê bình Đảng và Chính phủ.

Cán bộ phải trui rèn, học và hành để tiến bộ kịp Nhân dân

Tiền đề của công cuộc đổi mới xuất phát từ lòng dân, trí dân, sức dân với những cách “làm chui”, “phá rào”, dẫn đến “tác giả” của đổi mới là lòng dân - ý Đảng và ý Đảng - lòng dân. Từ người “thầy” thực tiễn và Nhân dân cùng trí tuệ và bản lĩnh, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đi tới thành công như hôm nay. Trong tiến trình đổi mới, một trong những bài học kinh nghiệm lớn nhất, quý giá nhất Đảng ta rút ra được là “quốc bảo lòng dân”, “vươn tầm Nhân dân”. Tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, Đại hội VIII (6-1996) rút ra một trong những bài học chủ yếu là phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Đảng ta chỉ rõ “chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của Nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do Nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời Nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.

Một cách tiếp cận về tiến bộ kịp Nhân dân trong đổi mới là phục vụ Nhân dân, làm theo nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, hợp lòng dân. Người đứng đầu Đảng ta thường nói ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả. Ông nhấn mạnh rằng phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng Nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được, ngược lại, cái gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Trở về và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Xét đến cùng cội nguồn sâu xa của thắng lợi và phát triển trong công cuộc đổi mới nhờ vào hai nhân tố cơ bản: Thứ nhất, năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, trong đó cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ là “then chốt của mọi chốt”; Thứ hai, vai trò của Nhân dân như lòng dân, trí dân, sức dân, kinh nghiệm, sáng kiến, sự ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân.

Để tiến bộ kịp Nhân dân, cán bộ - nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đứng đầu - phải học và hành; học đi đôi với hành, trong học có hành, trong hành có học. Học chủ yếu là học dân, hỏi dân, học thực tiễn, học cuộc sống, lấy sự hài lòng và hạnh phúc của Nhân dân làm thước đo, thay vì lấy bằng cấp và lời nói hay làm tiêu chí. Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình biết đủ rồi, biết hết rồi, nhất là biết Nhân dân, hiểu Nhân dân. Cán bộ phải trui rèn, tu thân chính tâm, khiêm tốn trong học và hành, vun bồi “tố chất dân”. Không biết làm dân, không hiểu biết dân, không thương yêu dân, không tin cậy Nhân dân, ngược lại là xa Nhân dân, khinh Nhân dân, sợ Nhân dân thì không làm được lãnh đạo, nếu làm là hỏng việc.

Học theo trường lớp, Bác Hồ mới tốt nghiệp tiểu học, còn trung học, nghiên cứu sinh đang dang dở. Người bỏ dở việc học vì chọn con đường cách mạng chuyên nghiệp. Để thực hiện được mong muốn cao cả đó, một sự nghiệp đầy gian khổ, hy sinh, Người học Nhân dân, học thực tiễn, học cuộc sống, kết hợp học và hành với ham muốn tột bậc, duy nhất là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Học và hành để tiến bộ kịp Nhân dân sẽ được Nhân dân ghi nhận, quý trọng, tôn vinh, tôn thờ. Đó là danh dự cao quý nhất và thiêng liêng nhất. Mỗi cán bộ - đặc biệt là người đứng đầu - phải ghi nhớ, thực hành điều đó hằng ngày, suốt đời theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website