Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các địa phương, người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lại nô nức tham gia phong trào trồng cây đầu Xuân mới. Qua đó tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và chiến lược phát triển xanh bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường của tỉnh.
Đồng bào dân tộc Sán Dìu (Tam Đảo) tham gia trồng cây đầu Xuân. Ảnh: Thế Hùng
Nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, cứ mùng 4 Tết, bà Phùng Thị Huyên, xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường) cùng các thành viên trong gia đình đều trồng cây ăn quả trong khuôn viên vườn của gia đình với hi vọng đem lại một khởi đầu tốt đẹp, xanh tươi.
Bà Huyên cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, việc trồng cây xanh không chỉ ở ngày đầu Xuân mà trở thành việc làm thường xuyên của gia đình. Giờ đây, khu vườn rộng 200 m2 của gia đình đã được phủ xanh rất nhiều cây ăn quả không chỉ tạo bóng mát và còn làm đẹp không gian sống của gia đình
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Tường long trọng tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn năm 2024 của huyện dự kiến được tổ chức vào ngày 15/2/2024 (mùng 6, tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại khuôn viên Đền thờ Liệt sỹ Nguyễn Thái Học, thị trấn Thổ Tang.
Loại cây được trồng gồm hoa đại, ngọc lan, mít, duối, vạn tuế… Ngay sau Lễ phát động Tết trồng cây cấp huyện, các xã, thị trấn trong huyện đồng loạt ra quân trồng cây bóng mát tại các tuyến đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… với mục tiêu trồng 11.000 cây phân tán.
Những năm qua, Tết trồng cây trên địa bàn huyện Vĩnh Tường được các địa phương tổ chức ngày càng thiết thực, hiệu quả, gắn với xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, văn minh và tạo thành những con đường hoa, đường cây xanh, những công viên trở thành điểm đến, nơi sinh hoạt của cộng đồng. Vì thế, ý nghĩa, hiệu quả của Tết trồng cây càng cụ thể và gần hơn với mỗi người.
Tết trồng cây đã trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa đầu Xuân, tạo sức lan tỏa sâu rộng ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân trong huyện, qua đó, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, hạn chế thiên tai; tạo cảnh quan tại các khu dân cư; thúc đẩy phát triển KT - XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tại thành phố Vĩnh Yên - Trung tâm chính trị của tỉnh, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động trồng cây năm 2024 với mục tiêu “Vì một Việt Nam xanh hơn và bảo vệ môi trường thành phố Vĩnh Yên”.
Theo đó, toàn thành phố sẽ trồng 18.000 cây phân tán; vận động mỗi người dân trong thành phố trồng từ 1 - 2 cây trở lên.
Để triển khai hiệu quả phong trào trồng cây đầu Xuân, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bằng nhiều hình thức đến đông đảo quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây; về vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài của việc trồng cây, trồng rừng; việc tổ chức hiệu quả “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” còn góp phần tích cực thực hiện mục tiêu Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Các đơn vị sản xuất cây giống trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đủ cây giống cho các địa phương trồng rừng và trồng cây đầu Xuân. Ảnh: Lâm Hải
Qua đó đã lan tỏa sâu, rộng đến từng người, từng nhà, biến ý nghĩa tốt đẹp của Tết trồng cây thành ý thức của mỗi người trong chăm sóc cây xanh, giữ gìn môi trường sống. Từng người, từng nhà cùng chung tay biến ban công nhà mình thành ban công xanh, biến con đường, góc phố nơi mình ở thành đường xanh. Mỗi người trồng một cây xanh, cả thành phố sẽ có hàng triệu cây xanh được trồng.
Vĩnh Phúc là tỉnh có truyền thống về thực hiện phong trào trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ, nhờ thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây, ngày 25/1/1961, Hợp tác xã Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.
Từ đó đến nay, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đều tổ chức phát động Tết trồng cây và chỉ đạo UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch “Tết trồng cây” và trồng cây phân tán trên địa bàn cấp huyện.
Đồng thời phát động các phong trào thi đua “Ngày Chủ nhật xanh”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai”, “Đường hoa, vườn hoa công cộng”… tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp, các địa phương tham gia trồng cây đầu Xuân.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 524 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” và Nghị quyết số 01 của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh đã trồng được hơn 2.100 ha rừng; hơn 2,5 triệu cây phân tán, vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2023, toàn tỉnh trồng gần 900 nghìn cây phân tán, đạt 101,7% kế hoạch giao.
Có thể thấy, phong trào trồng cây đầu Xuân đã trở thành công việc thường xuyên của các cấp, các ngành và của mọi người dân trên địa bàn tỉnh. Đây là hành động thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với mục tiêu chỉ đạo của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng xanh - sạch - đẹp và giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng theo chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Mai Liên
Theo https://baovinhphuc.com.vn