Lực lượng vũ trang Quân khu 1 đẩy mạnh công tác dân vận theo lời Bác Hồ dạy

Công tác dân vận là một mặt công tác cơ bản của Đảng và là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn quân nói chung, lực lượng vũ trang Quân khu 1 nói riêng, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Đảng ủy Quân khu ban hành Nghị quyết số 1357-NQ/ĐU, ngày 18/3/2015 về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu trong tình hình mới” để triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn Quân khu. Trong đó, xác định rõ: tiến hành công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy, chi bộ, chính ủy, chính trị viên (bí thư), người chỉ huy các cấp, các cơ quan, đơn vị và mọi quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong lực lượng vũ trang Quân khu; thực hiện tốt công tác dân vận là thể hiện bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang, củng cố sức mạnh Quân đội, tạo sự đoàn kết, thống nhất, quân với dân một ý chí. Thực hiện chủ trương đó, quá trình thực hiện, Quân khu chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải thường xuyên quán triệt, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm sát thực tiễn, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quan trọng này.

 

 Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và lãnh đạo huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ dân vận tại Bắc Sơn. Ảnh: qdnd.vn

Thực hiện theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”(2), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu yêu cầu cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm Quy chế Công tác dân vận của Quân ủy Trung ương; gắn hiệu quả công tác dân vận với kết quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, làm cơ sở bình xét, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm. Tập trung khắc phục các biểu hiện xem nhẹ, coi công tác dân vận là việc của cơ quan chính trị và cán bộ dân vận chuyên trách. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy trong lãnh đạo công tác dân vận; định kỳ hằng quý, tháng, cấp ủy nắm tình hình, kết quả thực hiện để điều chỉnh nội dung, biện pháp lãnh đạo cho phù hợp; quan tâm đúng mức đội ngũ cán bộ chuyên trách và những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác dân vận ở cơ sở. Làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, gương người tốt, việc tốt, “chiến sĩ dân vận khéo” để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn Quân khu. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, nhất là kỷ luật dân vận; đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân. Qua đó, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ.

Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân vận là phải: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”(3), “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người làm công tác dân vận thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, biện pháp tiến hành, theo tinh thần hướng về cơ sở, tích cực nghiên cứu, giải quyết các vấn đề nảy sinh, không để trở thành “điểm nóng”; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy tốt các hình thức: kết nghĩa, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, thành lập tổ công tác, tăng cường cán bộ cho cơ sở và các mô hình, điển hình đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Đồng thời, nhân rộng những mô hình, cách làm mới, hiệu quả, có ý nghĩa thực tiễn cao; gắn thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị với phong trào Thi đua yêu nước của địa phương, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” và các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các mô hình: “Tổ chức gặp mặt già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc”, “Kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới”, xây dựng điểm sáng văn hóa vùng biên giới,… tạo sự phong phú, đa dạng, phù hợp đặc điểm địa bàn và phong tục, tập quán địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận.

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”(4), Quân khu chỉ đạo các đơn vị lựa chọn nội dung tuyên truyền, giáo dục phù hợp với trình độ nhận thức và mặt bằng dân trí để nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận cao trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội. Thường xuyên cảnh giác, đấu tranh kiên quyết và hiệu quả với các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, truyền đạo trái pháp luật, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương; ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hủ tục. Riêng đối với các địa phương biên giới, Quân khu chỉ đạo các tổ, đội công tác dân vận xuống địa bàn các thôn, bản tuyên truyền cho người dân về: Luật Biên giới quốc gia; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; Quy chế đường biên, v.v. Đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng Biên phòng tuyên truyền, vận động nhân dân chống xâm canh, xâm cư, ngăn chặn các hoạt động khai thác lâm thổ sản, đưa người qua biên giới trái pháp luật, v.v. Nhờ đó, đại đa số cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã nhận thức đúng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường tình đoàn kết quân - dân; luôn nhận rõ, đề cao cảnh giác và chủ động đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu, cơ hội; tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng địa bàn an toàn, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh vững mạnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Thực hiện chức năng “đội quân công tác” theo tư tưởng của Người, những năm qua, Quân khu đã đưa hàng trăm đại đội, tổ công tác, hàng chục vạn lượt cán bộ, chiến sĩ, kết hợp với triển khai thực hiện nhiều dự án của các đoàn Kinh tế - quốc phòng (338 và 799) đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn để giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc. Riêng năm 2023, lực lượng vũ trang Quân khu đã tham gia xây dựng 428 cơ sở chính trị địa phương vững mạnh (trong đó: 294 cơ sở vùng đồng bào dân tộc, 25 cơ sở vùng đồng bào tôn giáo, 44 cơ sở vùng biên giới, 02 cơ sở có vụ việc phức tạp); 56 tổ chức chính trị - xã hội; 62 cán bộ quân sự cấp huyện, tỉnh tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương; kết nạp 37 đảng viên mới là người dân tộc thiểu số; tổ chức dạy nghề cho gần 1.500 người, v.v. Đồng thời, phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác chính sách; tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Quân khu. Cùng với đó, với phương châm: “Nói cho dân hiểu, thực hành cho dân tin và làm theo”, Quân khu đã chỉ đạo các tổ, đội công tác dân vận, đội viên trí thức trẻ tình nguyện học tiếng dân tộc, làm cầu nối phổ biến, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông, lâm nghiệp cho đồng bào. Đồng thời, trực tiếp xuống các thôn, bản thực hiện bốn cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, giúp đỡ nhân dân phát triển, mở rộng sản xuất, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, tư vấn kiến thức, chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; triển khai lồng ghép các dự án giảm nghèo, xây dựng các mô hình điểm về kinh tế hộ gia đình, góp phần cùng các địa phương giảm tỷ lệ hộ đói, nghèo. Qua đó, đã làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” không ngừng tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Những việc làm cụ thể, thiết thực trong công tác dân vận của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu đã trực tiếp góp phần giúp nhân dân nâng cao đời sống, yên tâm phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn chiến lược, “phên giậu” của Tổ quốc. Đó không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân đồng bào, nhân dân Việt Bắc - cái “nôi của cách mạng”, tô thắm truyền thống “Trung hiếu, Tiên phong, Đoàn kết, Chiến thắng” của lực lượng vũ trang Quân khu, mà còn góp phần củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi cho các địa phương vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa củng cố quốc phòng, an ninh, vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

______________________        

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

2 - Sđd, tr. 233.

3 - Sđd, tr. 233 - 234.

4 - Sđd, tr. 233.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website