“Chữ Bác Hồ” soi sáng đời ta

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái gặp mặt học sinh đoạt giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm học 2022 - 2023.

Trong những năm đầu của chính quyền cách mạng, Yên Bái cũng như các địa phương trong cả nước, phong trào xóa mù, mở lớp bình dân học vụ diễn ra khá rầm rộ với nhiều hình thức phong phú và độc đáo, hàng nghìn người đã thoát nạn mù chữ, 1/4 dân số toàn tỉnh biết đọc, biết viết năm 1948.

Sau chiến dịch Tây Bắc, Phong trào "Bình dân học vụ” vẫn được phát triển mạnh ở mọi vùng giải phóng trong toàn tỉnh. Từ cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất, bình dân học vụ được chia thành 4 cấp: sơ cấp, dự bị bổ túc, bổ túc, trung cấp.

Năm 1954, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 23% dân số mù chữ. Ngày 24/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Yên Bái. Lời căn dặn của người là những chỉ thị cụ thể, toàn diện về mọi mặt, động viên toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh thi đua phấn đấu đoàn kết một lòng quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong giai đoạn này, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn song nhiều địa phương trong tỉnh đã trở thành điển hình trong công tác giáo dục, giáo dục Yên Bái đã phát triển nhanh chóng, toàn diện. Lời căn dặn của Người như lời hiệu triệu toàn dân, toàn quân trong tỉnh dồn sức xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. 65 năm qua sự nghiệp GD&ĐT Yên Bái từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức; tạo những chuyển biến căn bản và toàn diện trên các mặt.

Đến nay, mạng lưới trường, lớp đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả với quy mô 443 trường, 7.096 lớp, 229.603 học sinh mầm non, phổ thông. Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 6.500 phòng học, trên 1.000 phòng học tương tác, phòng học thông minh; trên 600 phòng học bộ môn; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 84%, đáp ứng đủ cho học hai ca và đảm bảo được dạy học 2 buổi/ngày ở các trường mầm non, tiểu học. Đến nay có 326 trường đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ gần đạt 30%, trẻ mẫu giáo đạt 97%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; bậc tiểu học không còn học sinh bỏ học. Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp tiểu học đạt 97% trở lên; hoàn thành cấp THCS đạt trên 95%, hoàn thành cấp THPT đạt trên 90%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học liên tục tăng cao; nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Công tác giáo dục mũi nhọn được nâng cao về số lượng, chất lượng và duy trì ở vị trí nửa đầu trong 15 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt, năm 2015, Yên Bái có 1 học sinh đạt Bằng khen trong kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á; năm 2019, có 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế.

Công tác giáo dục dân tộc có những chuyển biến mạnh mẽ. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được phát triển góp phần giữ vững phổ cập giáo dục, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học; hướng tới phát triển giáo dục vùng cao một cách bền vững.

Toàn tỉnh hiện có gần 40% học sinh dân tộc thiểu số được hưởng chính sách nội trú, bán trú; 7,3% học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, nâng cao theo hướng bền vững.

Các em học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải háo hức đón ngày khai trường năm học 2023 - 2024.

Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2015; PCGD tiểu học mức độ 3 năm 2022, PCGD THCS mức độ 2 năm 2023. Công tác phân luồng học sinh luôn được chú trọng, triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên toàn tỉnh lên 63%, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Việc xây dựng trường học hạnh phúc được quan tâm. Yên Bái là tỉnh đầu tiên ban hành bộ tiêu chí tạm thời về trường học hạnh phúc; phát động phong trào thi đua trong toàn ngành "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc”.

Đến nay, tất cả các trường học trong tỉnh đều tham gia xây dựng trường học hạnh phúc. Công tác chuyển đổi số được quan tâm, đầu tư hiệu quả. Ngành GD&ĐT được tỉnh chọn là đơn ưu tiên thực hiện, tiên phong trong công tác chuyển đổi số. Đặc biệt, công tác xây dựng đội ngũ được quan tâm, đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các bậc học được bổ sung kịp thời đảm bảo về số lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống được quan tâm; các chế độ, chính sách về lương, các khoản phụ cấp được thực hiện đầy đủ, minh bạch, kịp thời. Đến nay, toàn ngành có trên 13.000 lao động, trên 82% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó trên 20% đạt trên chuẩn, trên 400 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Hàng ngàn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu, xuất sắc đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý; có 78 nhà giáo được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú”.

Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển giáo dục địa phương, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã được Nhà nước, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã được Chính phủ tặng Cờ thi đua các năm 2011, 2016, 2020; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương độc lập hạng Ba.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đẩy mạnh chuyển đổi số, kết hợp hài hòa giữa các phương pháp dạy và học truyền thống với các phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số.

Khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, quản lý giáo dục; từng bước xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, có chất lượng, hiệu quả cao, hướng tới mục tiêu xây dựng Mô hình "Trường học chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh; triển khai sâu rộng, hiệu quả việc xây dựng "Trường học hạnh phúc” trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”...

Kỷ niệm 65 năm Bác về thăm Yên Bái, các thế hệ cán bộ, giáo viên Yên Bái tự hào về những thành tựu đã đạt được và xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, phấn đấu đưa Yên Bái sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website