Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng

  • 1949

Để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chuyến thăm chính thức Bungari lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 13 đến 17-8-1957, tôi là một trong số ít Việt kiều có vinh dự được Đại sứ nước ta tại Cộng hoà Bungari mời tham gia vào công tác tìm kiếm, sưu tầm những hình ảnh và tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở  Bungari để biên tập và xuất bản hai cuốn sách Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng (bằng tiếng Việt) và Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt Nam - Bungari (bằng tiếng Bungari), nhằm lưu giữ những hình ảnh và tư liệu đã sưu tầm được làm tài liệu nghiên cứu và tham khảo.

Hơn 20 năm sống xa Tổ quốc, đây là dịp để tôi thực hiện nguyện vọng tha thiết của mình là cố gắng làm được một việc gì đó có ý nghĩa thiết thực cho quê hương đất nước. Mặc dù phải bươn chải mưu sinh trên đất khách quê người với bao khó khăn trở ngại, nhưng tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào được tham gia vào hành trình theo dấu chân Bác Hồ để khám phá những dấu ấn vĩ đại mà Người đã để lại trên đất nước Hoa hồng tươi đẹp.

Như chúng ta đã biết, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Bungari cũng thay đổi thể chế chính trị vào cuối năm 1989. Quốc hội sửa đổi Hiến pháp và đổi tên nước Cộng hòa nhân dân Bungari thành Cộng hòa Bungari, thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng. Các phe phái chính trị lợi dụng tình hình này nổi lên tranh giành quyền lực quyết liệt. Các thế lực chống đối chủ nghĩa xã hội công khai hoạt động. Những phần tử quá khích đập phá Lăng. Nhiều tượng đài, bảo tàng cách mạng bị tiêu hủy, trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản bị đốt cháy, nhiều công trình, đại lộ, quảng trường mang tên danh nhân trong và ngoài nước cũng bị đổi tên, gây bức xúc, căng thẳng trong xã hội Bungari nói chung và đối với cộng đồng người Việt ở Bungari nói riêng. Quan hệ song phương Việt Nam - Bungari cũng trở nên trầm lắng qua hơn một thập niên... Mặc dù tình hình Bungari không ổn định, lúc cánh tả, lúc cánh hữu nắm quyền, trong vòng 16 năm đã thay đổi 11 chính phủ, nhưng những hình ảnh, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được lưu trữ trân trọng ở Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa Bungari, Cục lưu trữ Quốc gia và thư viện Nhân dân Xôphia...

Tháng 6-2005, Bungari bầu cử Quốc hội khóa 40, nhiệm kỳ 2005 - 2009, có 7 đảng và liên minh trúng cử với 240 ghế. Chính phủ liên hiệp trung tả do ông Xécgây Xtanisép, Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa (trước kia là Đảng Cộng sản Bungari) làm Thủ tướng, giành được 169/240 ghế. Ông Ghêoóghi Pirinxki người của Đảng Xã hội chủ nghĩa được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Nguyên Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa Ghêoóghi Parơvanốp đắc cử Tổng thống 2 nhiệm kỳ (2002 - 2006) và (2007 - 2011). Những sự kiện chính trị này đã mở ra cơ hội mới nhằm thúc đẩy và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác mọi mặt giữa Việt Nam và Bungari. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho công tác tìm kiếm, sưu tầm, gìn giữ và bảo tồn Di sản Hồ Chí Minh ở Bungari.

Dưới sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của Đại sứ Phạm Quốc Bảo, nhóm công tác gồm các cán bộ Đại sứ quán Đỗ Hải Đăng, Lê Quang Anh, Tạ Phương Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Bungari - Việt Nam Xtôianca Đimitrôva và tôi bắt đầu tiến hành công việc tìm kiếm, sưu tầm những tư liệu và hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bungari.

Được sự giúp đỡ tận tình của Quốc hội và Bộ Ngoại giao Bungari, Văn phòng Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa Bungari, Cơ quan Lưu trữ quốc gia, Nhóm Nghị sĩ Quốc hội Bungari Hữu nghị với Việt Nam, Hội Hữu nghị Bungari - Việt Nam, Văn phòng Tỉnh trưởng thành phố Pơlốpđíp, Thư viện quốc gia Xôphia, chính quyền thành phố Padarơđíc, Nhà văn hóa thành phố Pêruxtixa, Liên hiệp nhà trẻ ''Giơvưnche'', Bảo tàng Hồ Chí Minh và Thông tấn xã Việt Nam... cũng như một số cơ quan, đoàn thể, cá nhân khác, chúng tôi đã sưu tầm được nhiều hình ảnh và tư liệu quý về hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bungari và Việt Nam.

Đầu năm 2007, nhờ có mối quan hệ thân tình với một số cán bộ lãnh đạo Bộ Ngoại giao Bungari, Đại sứ quán ta đã nhận được một tập hồ sơ tư liệu quý về chuyến thăm Bungari năm 1957 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 62 trang bằng tiếng Bungari và tiếng Pháp. Trong đó có nhiều tài liệu có giá trị như các bản ''tốc ký'' ghi lại những lời phát biểu miệng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi gặp mặt với Đoàn Chủ tịch Quốc hội Bungari, biên bản các cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo hai nước, các chỉ thị và nghị quyết đặt tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đại lộ, nhà trẻ, nhà máy ở Bungari... Đặc biệt, có những nội dung, tình tiết có giá trị về chính trị, lịch sử và ngoại giao nhưng chưa được công bố chính thức hoặc chưa tìm thấy ở bảo tàng hoặc cơ quan lưu trữ của ta.

Tháng 5-2007, nhờ sự giúp đỡ của Quốc hội Bungari, Đại sứ quán ta đã nhận được hai tập bản sao báo “Sự nghiệp Công nhân” - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Bungari và báo “Mặt trận Tổ quốc” - Cơ quan ngôn luận của Đoàn Chủ tịch Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Bungari (từ ngày 13 đến ngày 19-8-1957) đang lưu giữ tại Quốc hội. Trong đó, các báo đăng tải các tin, bài, các lời phát biểu của lãnh đạo hai nước cũng như các văn kiện... diễn tả đầy đủ toàn cảnh chuyến thăm của Bác qua hệ thống truyền thông Bungari. Qua đó thấy rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Bungari đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sự đón tiếp hết sức nồng nhiệt, trọng thị, hữu nghị và thân thiết, thể hiện tình cảm chân thành với lòng kính trọng và tình yêu cao quý nhất của nhân dân Bungari anh em đối với nhân dân Việt Nam anh hùng. Báo chí Bungari mô tả nhân dân Bungari đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh như một vị anh hùng huyền thoại của một dân tộc vĩ đại. Đồng thời khắc họa trong tâm khảm của người dân Bungari hình ảnh của “Bác Hồ” khiêm tốn, giản dị, cởi mở, chân thành và giàu lòng nhân ái.

Sau những nỗ lực liên hệ và được sự giúp đỡ của một số cơ quan, đoàn thể và cá nhân, một ngày cuối thu năm 2007, Lãnh đạo Cơ quan Lưu trữ Quốc gia mời Đại sứ và tôi đến thăm Cơ quan Lưu trữ. Đây là cơ hội để chúng tôi tìm kiếm các tư liệu về Bác đang được lưu giữ ở đây. Điều cuốn hút chúng tôi nhất là những album ảnh và những tập tài liệu đã ố vàng bởi thời gian, nhưng được bảo quản rất chu đáo, trong đó có gần 40 bức ảnh quý, những bút tích và chữ ký nguyên gốc của Bác.

Dựa trên những tư liệu quý bước đầu sưu tầm được, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình ''Theo dấu chân Bác Hồ''. Khám phá đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng nhất trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu này là mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Bungari đã có từ rất lâu, trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (tháng 2-1950). Điều này đã được Bác Hồ “tiết lộ'' trong lời phát biểu khi đến thăm Đoàn Chủ tịch Quốc hội ngày 14-8-1957: ''Mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Bungari đã có từ lâu rồi. Hôm nay tôi mới tiết lộ điều bí mật của mối quan hệ này'' 1 . Đó chính là mối quan hệ đã được hình thành thông qua những người con ưu tú, đại diện cho hai dân tộc đã cùng kề vai sát cánh trong thời kỳ công tác ở Quốc tế Cộng sản từ trước và sau năm 1924. Đó là lãnh tụ của cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc và các nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản người Bungari G.Đimitơrốp và Vaxin Côlarốp…

Những tình cảm mật thiết Việt Nam - Bungari này đã được Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội Ghêoócghi Đamianốp đánh giá cao trong diễn văn chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 14-8-1957: ''Chúng tôi càng cảm thấy quý mến và gần gũi hơn với đồng chí Hồ Chí Minh khi được biết trước đây đồng chí đã từng có quan hệ thân thiết trên phương diện cá nhân và trong quá trình hoạt động cách mạng với các đồng chí Ghêoócghi Đimitơrốp và Vaxin Côlarốp, hai nhà lãnh đạo kiệt xuất của phong trào công nhân Bungari'' 2 .

Chính mối quan hệ mang ý nghĩa lịch sử sâu xa đó đã đặt nền móng xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Bungari. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp cho mối quan hệ này ngày càng nở hoa kết trái.

Qua nghiên cứu các tư liệu về chuyến thăm Bungari của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên những nét nổi bật sau đây:

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò to lớn trong việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Bungari, đồng thời góp phần củng cố sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa thời đó vì sự nghiệp hoà bình, tiến bộ xã hội trên thế giới.

Một trong những mục đích quan trọng của chuyến thăm còn nhằm vào việc củng cố sự đoàn kết và thống nhất hành động giữa các nước xã hội chủ nghĩa chống chạy đua vũ trang và chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc thời bấy giờ, mà một trong những điểm nóng là miền Nam Việt Nam. Điều này đã được nêu rõ trong Tuyên bố chung của chuyến thăm. Trong bài xã luận ngày 18-8-1957, báo “Mặt trận Tổ quốc” Bungari gọi Đoàn đại biểu ta là ''Những vị sứ giả của tình hữu nghị và đoàn kết giữa các dân tộc''. Phóng sự báo “Sự nghiệp Công nhân” đã ghi lại những chi tiết quý báu của hoạt động ngoại giao “Hồ Chí Minh” trong buổi đến thăm nông trang Pêruxtixa. Lúc đó, tại buổi họp mặt, khi nhận bình rượu vang từ tay đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Bungari, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa chậm rãi đọc dòng khẩu hiệu trên tường bằng tiếng Bungari “Hãy củng cố sự thống nhất giữa những người cộng sản và nông dân!”, vừa rót rượu, mỉm cười mời Chủ tịch Đảng Liên minh Nông dân. (Theo một số tư liệu, trong thời kì này ở Bungari đang có những mâu thuẫn nảy sinh giữa Đảng Cộng sản và Liên minh nông dân Bungari). Sự tinh tế, sâu sắc trong phong cách “ngoại giao nhân dân” của Người đã được mọi người có mặt vỗ tay rầm rộ hưởng ứng. Như vậy, với một cử chỉ rất bình dị, thân tình trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, Người đã kịp chuyển đến các vị lãnh đạo của bạn thông điệp về tầm quan trọng và sức mạnh của sự đoàn kết và thống nhất…

2. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Bungari ủng hộ hoàn toàn đối với sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Lãnh đạo hai nước khẳng định sự cần thiết phải có những nỗ lực chung của tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình, nhằm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt sự chia cắt đất nước, góp phần tích cực vào việc củng cố hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

3. Sự đoàn kết gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dựa trên những nét tương đồng về hoàn cảnh lịch sử, lý tưởng cách mạng và lập trường kiên định trên các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.

4. Sự kính trọng, khâm phục và đặc biệt là tình cảm nồng nhiệt, thân thiết và gần gũi mà nhân dân Bungari đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những tình cảm đặc biệt mà nhân dân Bungari dành cho Bác xuất phát từ uy tín lớn lao và khả năng cảm hóa đặc biệt của Người. Ông Anđơrây Êvơtimốp Penchép - một nhân chứng lịch sử đã tâm sự: ''Một ấn tượng mạnh mẽ đọng lại trong tôi là chỉ qua một lần gặp mặt tại cuộc mít tinh ngắn ngủi mà ''Bác Hồ'' đã trở nên vô cùng gần gũi thân thiết với tất cả những người có mặt tại đây. Họ xem Người như một người thân. Chỉ trong khoảnh khắc Người đã chiếm được lòng tin của tất cả. Ai cũng muốn được tự mình góp phần ủng hộ đồng bào Việt Nam anh em. Sức mạnh vô hình từ Người đã lôi cuốn họ: tính khiêm tốn giản dị, niềm mong muốn vô tận được tiếp xúc với mọi người dân bình thường, khả năng diễn đạt nội dung phong phú bằng rất ít lời và yếu tố không kém phần quan trọng là phong thái trí thức, thanh cao trong mọi cử chỉ của Người...'' 3 .

5. Quy mô và hình thức đón tiếp hết sức trọng thị, hữu nghị và thân tình, thể hiện tình cảm cao quý của Đảng, Chính phủ và nhân dân Bungari đối với Bác Hồ đã vượt ra ngoài khuôn khổ nghi thức lễ tân nhà nước thông thường.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm Bungari của Bác, Đại sứ quán ta đã tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện ngoại giao trọng đại trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Bungari:

- Cùng với Nhóm nghị sĩ Quốc hội Bungari hữu nghị với Việt Nam, Hội Hữu nghị Bungari - Việt Nam, Đại sứ quán ta đã tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Bungari của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Tổ chức triển lãm ảnh giới thiệu về chuyến thăm lịch sử gồm các tư liệu sưu tầm được từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Quốc hội Bungari, Văn phòng Đảng Xã hội chủ nghĩa Bungari, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia và Văn phòng Tỉnh trưởng Pơlốpđíp...

- Gặp gỡ báo chí Bungari để giới thiệu về chuyến thăm và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt. Tạp chí ''Sự kiện Ngoại giao Bungari'', Tạp chí ''TEMA” (Chuyên đề), Báo ''ĐUMA'' (Tiếng nói), Báo “GIARAVA'' (Lửa hồng) đã đăng bài, đưa tin về sự kiện trọng đại này.

- Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam cử nhóm phóng viên sang Bungari gặp gỡ nhân chứng lịch sử đã từng được gặp Bác Hồ để làm phóng sự.

- Tổ chức thăm các địa danh, nơi Bác Hồ đã đến như: Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa Bungari, thành phố Pơlốpđíp và Pagiarơđíc, ''làng'' Pêruxtixa, Bảo tàng G.Đimitơrốp; lâu đài Vơrana và Critchim - nơi ở của Bác trong thời gian chuyến thăm.

Tháng 8-2007, Đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương do GS, TS Phạm Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban làm Trưởng đoàn đã cùng Đại sứ và chúng tôi đến thăm lâu đài Vơrana, trước đây là Nhà khách Chính phủ, nơi Bác Hồ đã ở trong thời gian chuyến thăm lịch sử. Chủ nhân của lâu đài là cựu Hoàng, cựu Thủ tướng Bungari Ximêôn Xácơxơ Côburơgơ Gốtxơki đã thân chinh dẫn chúng tôi đi thăm nơi ăn, chốn nghỉ của Bác trước đây và giới thiệu với khách về tòa lâu đài cổ kính này.

Các hoạt động này đã được các cơ quan, đoàn thể ở trung ương và địa phương, các hãng thông tấn báo chí và nhân dân Bungari đánh giá cao và hưởng ứng nhiệt tình. Tới dự mít tinh và khai mạc triển lãm ảnh có nhiều vị lãnh đạo cấp cao như: Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng, Chủ tịch Cơ quan Nhà nước về Công nghệ thông tin và Truyền thông; Chủ nhiệm Ủy ban Nông - Lâm của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Quốc hội hữu nghị với Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Chủ tịch Hội Hữu nghị Bungari - Việt Nam; các đại biểu Quốc hội, Đoàn Ngoại giao, cán bộ nhân viên Đại sứ quán, đông đảo bà con trong cộng đồng người Việt và bạn bè Bungari... Và điều rất cảm động là các cựu chiến binh, các nhà hoạt động chính trị - xã hội lão thành có nhiều tình cảm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia đầy đủ trong các hoạt động nhân dịp kỷ niệm chuyến thăm Bungari của Bác.

Thành công tốt đẹp của việc tổ chức lễ kỷ niệm, đặc biệt là sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của các tổ chức chính quyền cũng như nhân dân Bungari đã gây ấn tượng mạnh mẽ và là nguồn động viên, khích lệ, thôi thúc chúng tôi tiếp tục hành trình ''Theo dấu chân Bác Hồ''. Một ngày thu nắng đẹp, trong buổi tháp tùng Đại sứ đi thăm và chụp ảnh các địa danh, những nơi Bác Hồ đã đi qua để làm tư liệu, Đại sứ đã thông báo cho tổ công tác chúng tôi mục tiêu hoạt động mới là thu thập, biên phiên dịch và tổng hợp các tư liệu để biên tập cuốn sách Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng, đồng thời tích cực xúc tiến các cuộc gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử nhằm tìm hiểu sâu sắc hơn tình cảm đặc biệt của nhân dân Bungari đối với Bác Hồ.

Bấy giờ đã là cuối tháng 9, theo kế hoạch của Đại sứ, đến cuối năm là phải hoàn thành bản thảo để chuyển cho Bảo tàng Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia để có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm tròn 50 năm chuyến thăm của Bác (1957 - 2007). Khi giao cho tôi tập tư liệu, Đại sứ vỗ vai tôi và nói: ''Nguyên vật liệu đã có đủ rồi, để xây dựng được ngôi nhà đẹp cần đến kiến trúc sư giỏi!''. Quá trình tập hợp tư liệu và biên soạn cuốn sách gặp không ít khó khăn, phần do quỹ thời gian có hạn, phần do hạn chế của “những nhà làm sách không chuyên'', lại là sách về Bác, về các tư liệu lịch sử, ngoại giao... đòi hỏi tính chính xác cao, làm việc rất khẩn trương ngày và đêm. Nhiều lần, rời Sứ quán ra về lúc nửa đêm, tuyết rơi, bay mờ mịt phủ đầy đường, lạnh thấu xương, tưởng chừng như xe ô tô không đi nổi, nhưng cứ nghĩ rằng một ngày kia, các di sản quý báu mà Bác đã để lại sẽ được gìn giữ, bảo tồn mãi mãi trong các bảo tàng, thư viện của ta, tôi lại cảm thấy ấm lòng rồi khắc phục và vượt qua tất cả. Lòng quyết tâm, sự hăng say, miệt mài cùng những kinh nghiệm quý báu trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, ngoại giao của Đại sứ thực sự đóng vai trò ''đầu tàu”, lôi cuốn chúng tôi vượt mọi trở ngại, khó khăn. Mặc dù đã ở tuổi ''lục tuần'', song sức làm việc của ông là tấm gương sáng đối với chúng tôi. Có lần, đêm đã khuya nhưng tôi chợt nảy ra sáng kiến nên đưa sự kiện đặt tên ''Đại lộ Hồ Chí Minh'' ở thủ đô Xôphia vào sách và bố cục thêm phần "Những kỷ niệm không quên'' để diễn tả sự sống động cho đến ngày nay của sự kiện “Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng”. Vì quá phấn khích, tôi đã chuyển ngay e-mail cho Đại sứ với ý định xin ý kiến vào sáng sớm ngày hôm sau. Nhưng không ngờ, chỉ 15 phút sau đã nhận được thư trả lời. Thì ra, Đại sứ cũng vẫn đang ngồi làm việc trước máy vi tính, mặc dù kim đồng hồ lúc này đã chỉ 3 giờ rưỡi sáng...

Cùng với việc nghiên cứu, biên soạn sách, chúng tôi đã tìm gặp các nhân chứng lịch sử, những người đại diện cho hàng nghìn hàng vạn người dân Bungari đã từng được đón Bác trong những ngày tháng 8 không thể nào quên, để tìm hiểu sâu sắc hơn tình cảm đặc biệt của nhân dân Bungari đối với Bác Hồ.

Ngày 8-5-2007, vợ chồng nghị sĩ Ôlecgơ Pôpốp và con trai đến thăm Đại sứ ta trước khi bà Êvêlina Pôpốpva sang Việt Nam công tác. Bà cho biết, trước đây, cụ Pôpốp (bố chồng bà) đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nôvi Khan. Hồi đó, cụ Pôpốp còn là một thượng úy trẻ trong hàng ngũ an ninh nước bạn bảo vệ Bác Hồ, nay là thiếu tướng an ninh đã nghỉ hưu. Đại sứ rất xúc động khi nghe tin vui này và đã ngỏ ý mong muốn được đến thăm cụ. Không bao lâu sau, chiều ngày 11-5, chúng tôi về thăm làng Gabơra. Mặc dù đã gần 80 tuổi, không quản đường xá xa xôi, cụ Pôpốp đã lên tận Nôvi Khan, cách nhà 15 km để chỉ nơi Bác Hồ dừng chân và kể lại khi nghe tin Bác Hồ đi qua tuyến đường này, nhân dân đã đổ ra đường, đông chưa từng có trong lịch sử để chào đón Bác. Cụ nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị khách duy nhất được nhân dân Bungari đón tiếp nồng nhiệt đến như vậy. Cụ cũng không quên kể lại những giây phút xúc động khi được ôm Bác Hồ như thế nào, nửa thế kỷ đã qua mà cho tới tận bây giờ vẫn còn nhớ mãi không nguôi. Cụ đã tâm sự: “Tôi đã từng tham gia bảo vệ Mao Trạch Đông, Xtalin..., nhưng với Bác Hồ tôi thấy có cái gì đấy rất khác. Người thật khiêm tốn, giản dị và cái đó đã tôn vinh Người trong mắt người dân Bungari và gây ấn tượng rất sâu sắc đối với tôi cho đến tận bây giờ'' 4 . Phải chăng ấn tượng sâu đậm trong ông chính là nguồn truyền cảm cho người con cả, một nghị sĩ Quốc hội luôn có những cảm tình đặc biệt đối với Việt Nam ngày nay.

Ngày 17-8-2007, trong số khách đến dự mít tinh kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Bungari của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai mẹ con cụ Vaxinca Nikiphôrôva, cụ tặng hoa Đại sứ và bày tỏ cảm tình đặc biệt với nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy ở tuổi 93 nhưng cụ vẫn minh mẫn và rất tích cực tham gia các hoạt động của hội hữu nghị Bungari - Việt Nam. Ngày 29-8-2007, chúng tôi cùng Đại sứ đến thăm gia đình cụ. Thật cảm động khi được biết cả con gái và con rể của cụ nay đã ở tuổi 70 mà trước đây cũng đều được gặp Bác Hồ. Cụ cảm động cho biết được gặp Bác Hồ ở cuộc mít tinh, dự chiêu đãi và tặng hoa Bác cách đây nửa thế kỷ; đồng thời kể lại những ấn tượng sâu sắc của mình về Bác Hồ. Bà Maria Nikiphôrôva phụ trách nhóm thiếu nhi tặng hoa Bác Hồ ở sân bay Xôphia, còn ông Anđơrây Êvơtimốp Penchép được dự mít tinh chào mừng Bác ở quảng trường Đỏ, thành phố Pơlốpđíp. 50 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh về Bác Hồ vẫn còn in dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Bungari.

Theo dấu chân Bác Hồ, Đại sứ đã đưa chúng tôi về ''làng'' Pêruxtixa (nay là một thị trấn) nằm ở phía tây dãy núi Rôđôpi ở cách Xôphia 147 km về phía Đông Nam. Vào tham quan hầm rượu vang mà cách đây 50 năm Bác Hồ đã đến thăm, hai bố con ông Giám đốc niềm nở đón tiếp và đã dành cho Đại sứ ta một sự bất ngờ. Họ giới thiệu một cụ già người tầm thước, da dẻ hồng hào có mặt trong buổi tiếp là người được gặp Bác Hồ ở đây tháng 8-1957. Cụ Iorơđan Côxtađinôp Tôncốp bồi hồi nhớ lại cách đây 50 năm, khi đó cụ mới 25 tuổi, được bắt tay Bác Hồ vui vẻ nói đùa, nhờ rượu vang mà cụ khỏe mạnh và sống lâu. Sau đó, cụ dẫn chúng tôi đi tham quan những nơi mà nửa thế kỷ trước Bác Hồ đã thăm như hầm rượu vẫn còn nguyên, ngôi nhà nơi tiếp đón Bác, gia đình ông Pêtarơ Xavốp có người em đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh chống phát xít để bảo vệ dân làng. Cụ nói: ''Tôi vẫn  còn nhớ mãi cái bắt tay nồng nhiệt với một bậc vĩ nhân. Dù chỉ trong giây lát ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để bản thân tôi có cơ hội cảm nhận được lòng nhân ái của Người'' 5 .

Vào dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của cụ bà Anghêlina Ivanôva Anghêlôva (23-11-2007), nguyên Giám đốc Liên hiệp Nhà trẻ mang tên Hồ Chí Minh trong suốt 20 năm (1970 - 1990), đơn vị liên tục là lá cờ đầu trong toàn quốc và đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương cao quý “Kirin và Mêtôđi hạng nhất”, gặp chúng tôi, cụ A.I.Anghêlôva xúc động tâm sự: “Cho đến ngày nay, các lớp con cháu của chúng tôi vẫn mang trong mình niềm tự hào lớn lao là đã được dạy dỗ và lớn lên từ Liên hiệp Nhà trẻ “Hồ Chí Minh” 6 .

Theo dấu chân Bác Hồ, chúng tôi đã đi theo hành trình Bác đã đi qua, bồi hồi xúc động và niềm tự hào trào dâng khó tả. Từ các cơ quan trung ương đến chính quyền địa phương, từ thủ đô Xôphia đến Pêruxtixa, những địa danh, thành phố, làng mạc, đường đèo, núi non, rừng cây, sông suối..., đến đâu cũng như vẫn còn in dấu chân Người, như những nhân chứng lịch sử đã chứng kiến một thời Bác đã đi qua, nay vẫn còn để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Bungari.

Những nhân chứng lịch sử đã nói lên rằng: Sự kính trọng, khâm phục tình cảm quý báu đối với Bác Hồ vẫn còn là những dấu ấn sâu đậm trong lòng người Bungari, bất chấp cả những biến động lớn trong quan niệm về các giá trị tinh thần , tư tưởng và đạo đức trong quá trình chuyển đổi thể chế chính trị của đất nước. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử , Di sản Hồ Chí Minh vẫn là cầu nối cho những ý niệm tốt đẹp của người Bungari đối với Việt Nam.   Dấu ấn của Người để lại vẫn luôn nâng bước để chúng ta tiến lên trên con đường hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (ngày 2-9-1969), để tưởng niệm và bày tỏ lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa nhân dân Bungari đã ban hành Sắc lệnh số 1123 ngày 16-9-1969 (Công báo số 74 ngày 23-9-1969) quyết định đặt tên tưởng niệm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đối với:

- Nhà máy sản xuất thiết bị xây dựng ở thành phố Xtanke Đimitrốp là Nhà máy sản xuất thiết bị xây dựng Hồ Chí Minh ;

- Liên hiệp Nhà trẻ mới khai trương tại khu phố Emin Máckốp, thành phố Xôphia là Liên hiệp Nhà trẻ Hồ Chí Minh .

Vào các dịp kỷ niệm lần thứ 80, 90 và 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đảng Cộng sản Bungari đã in và phát hành cuốn sách Hồ Chí Minh - Cả cuộc đời hiến dâng cho cách mạng (1970); Hội đồng Nhân dân thành phố Xôphia đã ra Nghị quyết đổi tên đại lộ Ixcưrơxcô Sôxê kéo dài từ đại lộ Lênin đến đại lộ Phéctivan thành Đại lộ Hồ Chí Minh '' (Biên bản số 10, số lưu 18, ngày 13-05-1980); Nhà xuất bản ''Thanh niên Nhân dân'' Bungari xuất bản cuốn sách Hồ Chí Minh - Về giáo dục thanh niên (1986); Hội Hữu nghị Bungari - Việt Nam và Công đoàn Độc lập Bungari đã phối hợp xuất bản sách ảnh Trên đất nước Hồ Chí Minh (1990).

Những ấn tượng mạnh mẽ cùng nguồn tư liệu phong phú và quý giá đã giúp chúng tôi ý thức sâu sắc hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn Di sản Hồ Chí Minh. Hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010) và 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bungari (8/2/1950 - 8/2/2010), Ban biên soạn cùng tập thể cán bộ Đại sứ quán ta tại Xôphia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của một số đoàn thể và cá nhân trong cũng như ngoài nước, đã phối hợp xuất bản cuốn sách Hồ Chí Minh trên đất nuớc Hoa hồng , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội-2008 và cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt Nam - Bungari , Xôphia - 2009 (bằng tiếng Bungari) nhằm lưu giữ những hình ảnh và tư liệu quý về chuyến thăm Bungari của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những tư liệu có liên quan khác. Ngày 3-4-2008, tại buổi lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật và ra mắt cuốn sách Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng , Đại sứ Phạm Quốc Bảo đã bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh các tài liệu, hiện vật về Bác đã sưu tầm được tại Bungari, bao gồm: 51 bức ảnh, 141 trang tài liệu (bằng tiếng Bungari và tiếng Pháp), 6 bài hồi kí của các nhân chứng lịch sử, 18 trang báo từ năm 1957 viết về Bác… Các công tác trên rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn những giá trị lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam - Ngoại giao Hồ Chí Minh, đồng thời là việc làm có ý nghĩa thiết thực hưởng ứng cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh''.

Qua quá trình tìm hiểu, sưu tầm những hình ảnh và tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bungari cho thấy: Di sản Hồ Chí Minh là một kho tàng quý báu, chứa đựng những giá trị bất hủ mà việc tìm tòi, khám phá, khai thác và vận dụng đòi hỏi không những tinh thần nỗ lực và ý thức trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên, các cơ quan, chính quyền, đoàn thể mà còn cần sự nhiệt tình tham gia, đóng góp sức lực và trí tuệ của toàn dân, trong đó có kiều bào ta ở nước ngoài.

____________

Chú thích:

1. Phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đoàn Chủ tịch Quốc hội, sách Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng , Nxb.Chính trị quốc gia, tr.59.

2. Phát biểu của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội Ghêoóghi Đamianốp, sách Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng , Nxb.Chính trị quốc gia, tr.56.

3. Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng , Nxb.Chính trị quốc gia.H.2008, tr.137.

4. Kỷ niệm riêng của đời tôi , trong Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng , Nxb.Chính trị quốc gia. H.2008, tr.127.

5. Những giây phút không thể nào quên , trong Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng , Nxb.Chính trị quốc gia. H.2008, tr.140.

6. Những tâm sự về một con người , trong Hồ Chí Minh trên đất nước Hoa hồng , Nxb.Chính trị quốc gia. H.2008, tr.142. 

Tác phẩm nước ngoài khác

Mới nhất

Liên kết website