"Cán bộ mặt trận làm theo lời Bác"

Chị Lê Thị Tuyết Mai (trái), Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả), rà soát tình hình hộ nghèo trên địa bàn phường về việc được nhận hỗ trợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Từ những điển hình tiên tiến

Mới đây, khi phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) tiến hành việc chi trả tiền hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, MTTQ phường đã ngay lập tức vào cuộc, tiến hành giám sát để góp phần đảm bảo hiệu quả cao nhất cho chính sách này. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền cơ sở giám sát việc rà soát lập danh sách chính xác, đầy đủ từng trường hợp người dân thuộc diện được nhận hỗ trợ; đảm bảo việc niêm yết công khai, minh bạch danh sách chi trả; giám sát tiến độ, quy trình thực hiện chi trả đảm bảo đúng quy định...

Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Quang Hanh, chị Lê Thị Tuyết Mai là người chủ trì quán triệt, triển khai chương trình giám sát này trong hệ thống MTTQ từ phường đến các khu phố. Và chắc hẳn người dân các khu phố trong phường đều có thể thấy được sự xông xáo, tỉ mỉ, quyết đoán, bởi chị đã rất tích cực bám sát địa bàn, sâu sát với quá trình thực hiện của cán bộ cấp dưới, cũng như nắm chắc dư luận trong nhân dân. Qua đó, nhằm nắm được tình hình cụ thể của từng hộ khó khăn, phát hiện ngay nếu xảy ra thiếu sót của cán bộ cơ sở, giải đáp kịp thời những thắc mắc của người dân...

Chị Mai tâm sự: “Chẳng riêng gì nhiệm vụ giám sát, làm công tác mặt trận nói chung đều cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, nếu cá nhân mình luôn tự nhủ cần làm thật tốt, có “tâm” thì mọi người sẽ ủng hộ, công việc sẽ thuận lợi, suôn sẻ. Đây cũng là cái gốc của công tác dân vận, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân”. Phương châm làm việc này đã theo chị Mai suốt 7 năm làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường, góp phần tạo không ít dấu ấn nổi bật cho các phong trào, cuộc vận động trên địa bàn.

So với các địa bàn vùng đô thị, công tác mặt trận ở những vùng miền núi, biên giới có những điểm khác biệt, yêu cầu cán bộ mặt trận tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới, xóa bỏ hủ tục, tham gia giữ gìn an ninh trật tự biên giới... Một trong những cán bộ mặt trận điển hình là chị Nông Thị Lý, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Cửa Khẩu (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu). Suốt gần 9 năm qua, chị chính là “cầu nối” giữa nhân dân trong thôn với cấp ủy, chính quyền địa phương để đưa các chủ trương, chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên. Chị là một trong số ít những cán bộ mặt trận tiêu biểu của tỉnh 2 lần tham dự hội nghị biểu dương toàn quốc do Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.

 

Chị Nông Thị Lý (đứng), Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Cửa Khẩu (xã Hoành Mô, Bình Liêu) tuyên truyền giải thích chính sách pháp luật cho người dân trong buổi họp thôn.

Chị Lý bảo: Trong thôn có tới 5 dân tộc cùng sinh sống. Bà con là hàng xóm láng giềng sát vách đã nhiều năm, nhưng vẫn có những điểm khác nhau về tập quán sinh hoạt của từng dân tộc. Vì vậy, hoạt động nào cũng cần phải linh hoạt, mềm dẻo, sát tình hình thực tế mới có cách làm hiệu quả nhất. Để giữ gìn bình yên xóm làng, tôi cùng đội ngũ cán bộ thôn, công an viên luôn chủ động giữ mối liên hệ mật thiết với lực lượng biên phòng, hải quan. Muốn từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, bản thân người cán bộ tuyên truyền phải là tấm gương tiêu biểu về hiểu rõ và chấp hành pháp luật để “nói dân nghe, làm dân tin”, đồng thời tranh thủ sức ảnh hưởng của người cao niên, người có uy tín trên địa bàn để cùng tác động tới nhận thức của người dân...

Chị Mai, chị Lý chỉ là 2 trong số rất nhiều những cán bộ tiêu biểu, nhiều năm liền gắn bó với công tác mặt trận bằng cả tâm huyết, trách nhiệm lớn, trở thành hạt nhân của phong trào thi đua từ cơ sở. Có thể nói, việc học và làm theo Bác đã trở thành nền nếp, một yếu tố tất yếu trong quá trình mỗi người triển khai công việc. Những cống hiến của đội ngũ này cũng liên tục được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ ghi nhận, biểu dương hằng năm. Tuy nhiên thành tích lớn nhất mà họ có được chính là tình đoàn kết, gắn bó, chung sức, đồng lòng của nhân dân ngày càng được củng cố; các địa bàn dân cư ngày càng phát triển, no ấm hơn qua từng phong trào thi đua, cuộc vận động.

Xây dựng đội ngũ vững mạnh

Hoạt động của các cấp MTTQ trong tỉnh không chỉ là kêu gọi giúp đỡ người yếu thế, hay công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Hiến pháp 2013 và Luật Mặt trận 2015 đã quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của mặt trận, bao gồm nhiệm vụ về xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tức là mặt trận vừa tham gia xây dựng thể chế, xây dựng bộ máy, vừa giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên trong bộ máy nhà nước.

 

Cán bộ MTTQ phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) giám sát thi công tuyến đường
Trần Khánh Dư, đoạn qua khu phố 6 của địa phương.

Để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ này, không còn cách nào khác là MTTQ các cấp phải tự nâng tầm mình, thông qua việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mặt trận. Trong giai đoạn mới, mỗi người làm công tác mặt trận đòi hỏi phải có nền tảng chuyên môn chặt chẽ, được đào tạo bài bản; có bản lĩnh để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; có đức tính gần dân, sâu sát với quần chúng nhân dân. Và một trong những giải pháp là liên tục đẩy mạnh phong trào “Cán bộ mặt trận làm theo lời Bác” gắn với cuộc vận động “Rèn luyện tư cách người cán bộ mặt trận” suốt 10 năm qua.

Bám sát hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn và chỉ đạo của cấp ủy địa phương, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Trong đó, yêu cầu đối với từng cán bộ phải chú trọng rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; chấp hành quy định, quy chế làm việc; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; tác phong công tác, thực hiện tốt hành vi ứng xử văn hoá của cán bộ, đảng viên; năng động, sáng tạo, thành thạo và ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc.

Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thuộc hệ thống mặt trận các cấp có những bước chuyển biến tích cực, tiên phong về nhận thức và gương mẫu trong hành động; có trách nhiệm cao với công việc, không đùn đẩy, né tránh trong thực hiện các chương trình phối hợp, thống nhất hành động của MTTQ hằng năm. Mỗi cán bộ phải phát huy tinh thần đoàn kết thực chất, thống nhất cao trong cơ quan mặt trận các cấp, đây là nhân tố quyết định kết quả, hiệu quả công tác mặt trận.

Người dân thôn Phúc Thị (xã Việt Dân, TX Đông Triều) tham gia hưởng ứng
ngày Chủ nhật xanh, dọn vệ sinh đường ngõ xóm.

Để kịp thời động viên phong trào sôi nổi, khuyến khích các điển hình tiên tiến trong hệ thống MTTQ tỉnh, công tác biểu dương, khen thưởng cũng được chú trọng. Chỉ riêng 5 năm qua, đã có trên 300 cá nhân và tập thể điển hình trong tỉnh được nhận kỷ niệm chương, giấy khen của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cùng với đó là hàng trăm lượt cá nhân, tập thể điển hình tiêu biểu được nhận bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, MTTQ tỉnh; rất nhiều cán bộ mặt trận ở cơ sở là chiến sĩ thi đua các cấp.

Có thể nói, giai đoạn 10 năm qua, hệ thống MTTQ tỉnh đã có những đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động và chất lượng đội ngũ cán bộ. Đây tiếp tục vẫn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phương hướng hoạt động của mặt trận trong giai đoạn mới, liên tục nhân lên những điển hình tiên tiến, tỷ lệ thuận với sự lan tỏa ngày càng sâu rộng của các phong trào thi đua, cuộc vận động.

Hoàng Giang

Theo http://baoquangninh.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website