Niềm vui được gặp Bác Hồ

Trong những ngày đất nước rợp cờ hoa kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi có dịp được gặp và nghe ông Hoàng Tiến Xiêm, thôn Tân Trúc, xã Tân Thượng (Văn Bàn) kể câu chuyện gặp Bác Hồ. Đã gần 60 năm, nhưng mỗi hành động, lời nói của Bác vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông - người Dao họ.

Niềm vui trong mơ

Năm nay, ông Hoàng Tiến Xiêm đã 80 tuổi. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng nhìn ông vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Cầm tấm ảnh đen trắng đã nhuốm màu thời gian, ông Xiêm giới thiệu đoàn đại biểu của tỉnh ngày ấy được về thăm Bác. Bức ảnh chụp một đoàn người đứng trước Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đứng ở vị trí trung tâm. Tay chỉ vào người mặc bộ quần áo dân tộc Dao họ, đầu vấn khăn đen trong ảnh, ông Xiêm cho biết, đó là ông thời trẻ. Nhấp chén nước chè sánh màu mật ong, ánh mắt ông ánh lên niềm tự hào về kỷ niệm những giây phút được gặp Bác Hồ.

 

 Ông Xiêm xem lại tờ giấy mời về Hà Nội dự lễ mít tinh kỷ niệm

18 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vào buổi tối 30/8/1963, sau khi kết thúc ngày dài với bộn bề công việc, Bí thư Chi bộ Hoàng Tiến Xiêm trở về nhà thì thấy một cán bộ trên tỉnh đến gặp và đưa phong bì công văn, trong đó là 2 giấy mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban tổ chức Lễ Quốc khánh mời ông tham dự tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 18 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Nghe nói sẽ được gặp Bác Hồ, được dự lễ kỷ niệm ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, ông Xiêm mừng “như bắt được vàng”, luýnh quýnh chuẩn bị đồ.

Đường từ Tân An về thủ đô xa xôi cách trở, lại đang trong giai đoạn Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nên việc đi lại rất khó khăn. Để kịp thời gian dự lễ, đoàn đại biểu huyện Văn Bàn đi ngay trong đêm hôm ấy về Yên Bái hợp với đoàn đại biểu của tỉnh. Ông Xiêm nhớ lại: “Chúng tôi đến từ nhiều nơi, nhưng đều có chung một tâm trạng, rất hân hoan, phấn khởi vì được đại diện cho tộc người mình, bản làng mình được gặp Bác Hồ. Có người không dám ngủ vì sợ lỡ tàu sẽ không được về thăm Bác, tôi lên tàu rồi mà cứ ngỡ như một giấc mơ…”.

“Bác sống như trời đất của ta”

“Sau chặng đường dài, sáng 1/9/1963, đoàn của tỉnh cùng với đoàn đại biểu các tỉnh miền núi phía Bắc tham quan Phủ Chủ tịch. Chiều hôm đó, đoàn đại biểu các tỉnh gồm 130 người đang ngồi trong hội trường thì Bác Hồ đến. Vẫn bộ quần áo ka ki màu trắng, đôi dép cao su, râu tóc bạc phơ, dáng Bác nhanh nhẹn và khỏe khoắn, Bác cười tươi vẫy tay chào bà con. Tôi đứng gần cửa, mặc trang phục của đồng bào dân tộc Dao họ, nên vinh dự là người đầu tiên được Bác đến nắm tay và hỏi thăm. “Bác hỏi nhanh và nhiều. Bác hỏi: Cháu ở đâu? Dân tộc gì? Khi tôi trả lời cháu ở Văn Bàn, là người dân tộc Dao họ, thì Bác quý lắm. Bác bảo: “Cán bộ thì phải cày ruộng chỗ khó, chỗ lầy, còn chỗ gần cho phụ nữ, người yếu sức…”. Ông Xiêm kể bằng giọng nhẹ nhàng tự nhiên, như một thước phim tua lại.

“Bữa tiệc chiêu đãi tổ chức vào 17 giờ, Bác cùng ăn cơm với đoàn đại biểu các tỉnh miền núi phía Bắc. Bác đi từng mâm ân cần hỏi han từng người, từng địa phương, nơi đâu còn tập tục lạc hậu, Bác động viên xóa bỏ; nơi đâu vừa có thành tích trong chiến đấu, lao động sản xuất, Bác khích lệ, biểu dương. Nhìn bữa cơm độn ngô với một vài món ăn quen thuộc, Bác nói: “Bác cháu mình phải thắt lưng buộc bụng còn tập trung cho đồng bào miền Nam giải phóng đất nước…”. Ông Xiêm ngưng kể, cảm xúc lắng lại nơi khóe mắt, cô bạn đi cùng tôi cũng quay đi giấu giọt nước mắt lăn dài.

“Trước chỉ nghe đài, đọc báo, nghe cán bộ địa phương nói về công lao, hành trình ra đi tìm đường cứu nước cũng như những đức tính cao quý của Bác, giờ được “mắt thấy tai nghe”, không chỉ tôi, mà tất cả những ai có mặt ngày hôm đấy đều không giấu nổi cảm xúc kính trọng và biết ơn vô hạn đối với Bác. Bác giản dị và gần gũi vô cùng”, ông Xiêm xúc động chia sẻ. “Bác giản dị và gần gũi vô cùng”, câu nói ấy được ông Xiêm nhắc đi nhắc lại như là một lời kết và lời mở cho mỗi đoạn chuyện của mình.

Cả đời làm theo lời Bác dạy

Năm 1960, chàng thanh niên Hoàng Tiến Xiêm là người đầu tiên của xã Tân An trở thành đảng viên, khi ấy mới 21 tuổi. Ban đầu, ông sinh hoạt ghép bên Chi bộ Bảo Hà. Đến năm 1962, tách Chi bộ Tân An, ông trở thành Bí thư Chi bộ xã. Với vai trò “đầu tàu”, ông Xiêm đã đề ra nhiều giải pháp ổn định cuộc sống người dân, phát triển kinh tế và đặc biệt là giữ vững tình hình trị an, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đầu năm 1963, nhận được tin báo máy bay do thám của Mỹ đâm vào vách đá và thả biệt kích ở thôn Lùng Khúng, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ông Xiêm trực tiếp chỉ huy dân quân mai phục đón lõng địch từ Tân An đến xã Khánh Yên Thượng của Văn Bàn, vận động nhân dân tham gia tiếp tế cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

 

 Tuy tuổi đã cao nhưng ông Xiêm vẫn tích cực cống hiến, là tấm gương sáng để con, cháu noi theo

Sau lần gặp Bác ở thủ đô, khắc ghi lời Bác dạy: “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, nên ông càng hăng hái cống hiến. Ông Xiêm nhớ lại, ngày ấy Tân An là vùng đất trọc, cằn khô, do ít diện tích phù hợp với việc trồng lúa, nên cả xã đều ăn gạo Nhà nước. Để tìm ra loại cây cho bà con phát triển kinh tế, xã đã đưa vào trồng thử nghiệm một loạt cây trồng khác nhau, như năm 1969 trồng dứa, năm 1971 - 1972 thì trồng chuối tiêu, sau đó là trồng ý dĩ, đến cuối những năm 70 thì trồng cây lai. Với tinh thần hậu phương vì tiền tuyến, nhân dân đẩy mạnh phong trào ủng hộ miền Nam, trong một năm, mỗi hộ ủng hộ 4 quả trứng, 4 kg gà, 20 kg lợn. Năm nào người dân Tân An cũng ủng hộ vượt chỉ tiêu. Bởi vậy, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Tân An được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong lần gặp Bác, ông Xiêm còn được Bác tặng tập thơ “Nhật ký trong tù” với cả chữ Hán, phần phiên âm và dịch thơ sang tiếng Việt. Vốn say sưa chữ nghĩa, ông Xiêm tìm hiểu và thấy sự tương đồng giữa chữ Hán trong thơ Bác và chữ viết trong sách cổ của người Dao, nên đã bắt đầu học chữ Dao qua các bản dịch thơ của Bác. Ông tâm sự: “Đó là loại chữ tượng hình, nên rất khó nhớ nét chữ và khó đọc, tuy nhiên cứ nghĩ phải quyết tâm học bằng được chữ trong thơ Bác đã tiếp thêm cho tôi sự kiên trì rèn luyện”. Giờ thì ông Xiêm đã đọc thông viết thạo chữ trong tập thơ của Bác Hồ cũng chính là chữ trong các sách cổ của đồng bào mình. Đọc được sách cổ, ông tìm được cả kho kiến thức của ông cha người Dao họ lưu truyền cho con cháu về những bài học đạo đức làm người, sự gắn kết trong cộng đồng, cái hay cái đẹp trong cuộc sống…

Nay đã nghỉ hưu, tuổi cũng đã cao, nhưng ông Xiêm luôn tận tình truyền dạy chữ Nôm Dao cho các thế hệ đời sau và tự hào kể về kỷ niệm một lần được gặp Bác Hồ cùng những lời dạy của Bác cho mọi người nghe như là một cách gìn giữ giá trị văn hóa của đồng bào mình. “Chỉ cần còn sức khỏe và minh mẫn thì tôi vẫn tiếp tục học và làm theo lời Bác dạy, kể cho con cháu nghe những câu chuyện về Bác”, ông Xiêm tâm sự.

Tuấn Ngọc - Tô Dung

Theo baolaocai.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website