Lan tỏa những mô hình, điển hình nông dân học và làm theo Bác

Để việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, hằng năm, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đều xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước như “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Đẩy mạnh học tập và làm theo Bác đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và tinh thần sáng tạo trong lao động, sản xuất của cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh; động viên, khích lệ cán bộ, hội viên, nông dân khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đổi mới tư duy sản xuất, làm giàu chính đáng.

Qua các phong trào xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, gương hội viên, nông dân điển hình học và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả như thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước…

 

Mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững và môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Trà Hương

Được vinh danh là nông dân Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc năm 2023, anh Lâm Văn Trung ở thôn Đại Quang, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên là tấm gương điển hình luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.

Xuất phát từ mong muốn phát triển nông nghiệp sạch để góp phần bảo vệ sức khỏe của người sử dụng và môi trường, năm 2017, anh Trung xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP ngay trên mảnh đất quê hương.

Để mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp sạch, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, năm 2018, anh Trung đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải.

Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, hợp tác xã có 16 thành viên với tổng diện tích sản xuất 40 ha; sản lượng rau, củ đạt hằng trăm tấn mỗi tháng. Bên cạnh đó, anh Trung đã kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch với mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm thu hút hàng trăm du khách mỗi ngày; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ của địa phương…

Nhiều bạn trẻ tham gia trải nghiệm thu hoạch nông sản tại Khu du lịch sinh thái Phú Lâm Farm Stay của hội viên Lâm Văn Trung, Hội Nông dân xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên. Ảnh: Trà Hương

Năm 2023, toàn tỉnh có gần 58.500 hộ hội viên nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi và qua bình xét có gần 40.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, không chỉ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã hỗ trợ, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, tích cực ủng hộ xây dựng nhà cho hội viên nghèo…

Năm 2023, có hơn 300 hộ hội viên, nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh triển khai phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” gắn với phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như tổ chức “Ngày nông dân Vĩnh Phúc vì môi trường”, ra quân dọn vệ sinh môi trường vào ngày 25 hằng tháng; xây dựng và nhân rộng mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” với tổng số 1.849 bồn chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật được lắp đặt tại 50 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Điển hình, Hội Nông dân thành phố Phúc Yên với mô hình “Cánh đồng không rác thải”, “Tuyến đường không rác thải”; Hội Nông dân thành phố Vĩnh Yên với mô hình “3T” (tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng); Hội Nông dân huyện Sông Lô với mô hình “Tuyến đường nông dân tự quản”; Hội Nông dân huyện Yên Lạc với mô hình “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp nông dân tự quản”…

Bên cạnh đó, hội viên Hội Nông dân tích cực tham gia đóng góp kinh phí, ủng hộ ngày công lao động, hiến đất để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông, thiết chế văn hóa; thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tại địa phương, tham gia bảo hiểm y tế... góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Phát huy những kết quả đạt được, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt để mỗi cán bộ, hội viên, nông dân hiểu sâu sắc hơn về những nội dung, giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động.

Đồng thời tiếp tục duy trì, củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, việc làm tốt trong học tập và làm theo Bác gắn với triển khai các phong trào thi đua yêu nước; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu… 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website