Trọng dụng người tài – từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến thực tiễn hiện nay

 Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi trọng và sử dụng nhiều người tài. Ảnh tư liệu

Bài học về trọng dụng nhân tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác cán bộ. Coi cán bộ là điểm quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển xã hội, Người nhấn mạnh “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”. Để xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, theo Người: “Phải biết rõ cán bộ... biết rõ là cần có cách nhìn nhận, đánh giá về quá trình học tập, công tác, năng lực sở trường, về phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ để bố trí công việc cho hợp lý”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn sử dụng cán bộ hiệu quả, phải đặt cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường của họ. Người chỉ rõ: “Khi cất nhắc một cán bộ, phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy, mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”, đồng thời Người cũng luôn coi trọng việc “nói đi đôi với làm”, “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà phải xét cách sinh hoạt. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ không”.

Cũng từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn coi trọng và sử dụng nhiều người tài trong thời điểm đất nước còn non trẻ và đầy rẫy những khó khăn như mời vua Bảo Đại – người đã học hầu hết các trường ở Pháp, trong đó có Trường Khoa học Chính trị - làm cố vấn tối cao của Chính phủ; mời cụ Huỳnh Thúc Kháng - một vị trí thức nổi tiếng, ra làm việc cho Chính phủ. Người cũng mời nhiều quan lại, trí thức của triều đình phong kiến, người không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương vào những vị trí quan trọng của Chính phủ. Người luôn chú trọng sử dụng người tài, khuyến khích họ dùng năng lực, sở trường, kinh nghiệm để phục vụ đất nước. Điều này thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng và quyết sách đúng đắn trong việc phát triển đất nước. Nhờ sự chân thành, cầu thị của Bác và Chính phủ, rất nhiều các trí thức Tây học nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, phú quý để về nước tham gia kháng chiến, kiến quốc như Trần Đại Nghĩa, Võ Đình Quỳnh, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Trần Đức Thảo, Hồ Đắc Di..., nhờ đó, Quốc hội khóa I đã quy tụ được đông đảo giới trí thức trong cả nước giúp việc cho đất nước, giúp cho Chính phủ hoạt động một cách thuận lợi, từng bước ổn định.

Quan điểm và bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại về sử dụng, trọng dụng nhân tài vẫn còn nguyên giá trị. Đảng ta tiếp tục kế thừa vận dụng sáng tạo trong việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Thực tế chỉ ra rằng, ở đâu, khi nào, con người vẫn là yếu tố then chốt của mọi công việc. Địa phương nào chú trọng sử dụng, trọng dụng nhân tài, địa phương đó có sự phát triển vượt bậc, điều này có thể thấy rõ ở những địa phương làm tốt công tác thu hút, trọng dụng nhân tài, “khuyến khích” cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thu hút và trọng dụng nhân tài

Ngay từ những năm đầu đổi mới, tại Đại hội VI, VII, Đảng ta xác định nhiệm vụ của giáo dục là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Năm 1997, Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII), Đảng ta ban hành “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, trong đó nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài”. Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng”. Đại hội XI khẳng định: “Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”; “Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài”; “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài…”.

Công tác cán bộ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Ảnh minh họa: VGP

Đến Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”. “Để có cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, bên cạnh việc đổi mới bầu cử trong Đảng, thay đổi phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cần có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài và “có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài”.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bẩy, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đảng ta cũng xây dựng nhiều Đề án, Luật, trong đó có nội dung khuyến khích sử dụng người tài. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị cũng đã có những chính sách thu hút, kêu gọi người tài về công tác, làm việc như Đề án 500 trí thức trẻ về vùng sâu vùng xa, các đợt thi tuyển cán bộ vào các vị trí quan trọng ở các cơ quan trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một số ban Đảng Trung ương và nhiều địa phương trong cả nước. Nhận định về việc thực hiện chính sách thu hút người tài, tại Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Bộ Chính trị khóa XI khẳng định: “Nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ cao, trong đó có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về cơ quan, đơn vị, địa phương công tác”.

Hiện nay, các địa phương cũng đang tiếp tục xây dựng và thực hiện các đề án như Đà Nẵng có Đề án “Một số cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và thu hút, trọng dụng người có tài công tác trong khu vực công TP. Đà Nẵng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; Hải Phòng có Đề án “Một số cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân lực có chất lượng thành phố”... Đặc biệt, Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” của Ban Tổ chức Trung ương đã có 14 bộ ngành cơ quan trung ương, 22 địa phương đăng ký được thực hiện thí điểm.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn lại, công tác sử dụng và đãi ngộ người tài chưa đạt được kết quả như mong muốn, chính sách động viên, khuyến khích người có năng lực, trình độ còn hạn chế, đồng lương chưa xứng đáng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ không phát huy hết năng lực, sở trưởng của bản thân. Tình trạng “chảy máu chất xám”, cán bộ giỏi xin nghỉ việc đến chỗ nhiều đãi ngộ hơn vẫn đang diễn ra, thậm chí có phần nhiều hơn trước. Việc này đòi hỏi chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ, trọng dụng nhân tài, khuyến khích người có năng lực, trình độ cống hiến.

Kết luận 14 – đột phá mới trong trọng dụng cán bộ

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Tại Kết luận 14, Bộ Chính trị chủ trương “xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”. Theo đó, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ. Chủ trương này đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận rất cao của xã hội. 

Có một thực tế là, nhiều cán bộ muốn cống hiến, muốn đổi mới nhưng gặp phải nhiều lực cản như cơ chế, chính sách; bởi đồng nghiệp, cấp trên không muốn đổi mới bởi “khó” khi phải “mở đường”, đi trên những “con đường mới” chưa có người đi; bởi sợ sai, sợ bị ảnh hưởng. Kết luận đã giải đáp câu hỏi đó, là “Cần giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”.

Có những cán bộ có những ý tưởng táo bạo, xuất phát từ lợi ích của đất nước, của tập thể, nhưng lại chưa suy tính đến kết quả, mà cũng có thể là hậu quả gây ra; hoặc có thể bị “quá đà”, đi “trật đường ray”, ngược cơ chế chính sách. Kết luận yêu cầu mọi đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.

Cùng với công tác “khuyến khích cán bộ”, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ những quan điểm mới trong bảo vệ cán bộ có trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách. Theo đó, tổ chức đảng sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm. Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Quan điểm của Đảng trong Kết luận đã thể hiện tính nhân văn, sự quyết tâm trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời cũng thể hiện sự nghiêm minh nếu cán bộ dám đi ngược lại lợi ích chung của đất nước, của Nhân dân: “Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

 “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, bởi vậy, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, hiệu quả là cách tạo điều kiện tốt nhất để những người tài có cơ hội đóng góp cho xã hội. Vỡi Kết luận 14, chúng ta tin tưởng và hy vọng sẽ có đội ngũ cán bộ giỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chúng. Nếu có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của từng địa phương, chúng ta chắc chắn sẽ thành công khi thực hiện quan điểm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”, xây dựng đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website