Phát triển cây sen thành sản phẩm đặc trưng trên quê hương Bác

Người dân xã Kim Liên chuyển đổi ruộng lúa thấp trũng năng suất thấp sang trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

 Gia đình anh Nguyễn Sinh Anh (xóm Sen 2, xã Kim Liên) là một trong nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen từ hai năm nay. Với sự hỗ trợ của Hợp tác xã Sen quê Bác, từ tư vấn nguồn giống, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, diện tích sen của gia đình anh Nguyễn Sinh Anh phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo cảnh quan xanh mát, vẻ đẹp rất riêng trên quê hương của Bác.

Anh Nguyễn Sinh Anh cho biết, "từ năm 2020, gia đình tôi đã chuyển đổi 1,5 ha từ trồng lúa ở các vùng trũng, năng suất thấp sang trồng sen theo chủ trương, định hướng của UBND xã Kim Liên. Trồng sen không đòi hỏi nhiều công chăm sóc mà mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Thị trường tiêu thụ tất cả các sản phẩm của cây sen như hoa, lá, hạt, ngó, thân, củ. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập 50 – 70 triệu đồng từ trồng sen. Đặc biệt, sen có hương thơm và mang lại vẻ đẹp thanh tao, tạo cảnh quan tươi mát trên quê hương Bác".

Chị Nguyễn Thị Huyền, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, về tham quan quê Bác đúng dịp tháng 5 khi hoa sen đang vào mùa nở rộ thật đẹp khiến ai cũng nao lòng. Không chỉ đẹp, có hương thơm mà những đầm sen rộng bao la, xanh ngát tạo cho ta cảm giác thân quen, gần gũi với đồng quê Việt Nam. Đặc biệt, trà sen hay các sản phẩm từ sen cũng là những sản phẩm đầy ý nghĩa mà du khách có thể mua làm quà cho người thân mỗi khi về thăm quê Bác.  

Cùng với các hộ dân, năm 2018, Hợp tác xã Sen quê Bác đã được thành lập với mục tiêu đẩy mạnh phong trào trồng sen trên địa bàn xã Kim Liên. Hiện, Hợp tác xã Sen quê Bác đã khảo nghiệm 72 giống sen, trồng thực tế tại ruộng 30 giống. Trong đó có 27 giống nội địa và nhập ngoại là trồng lấy hoa, một số giống lấy lá, thân, củ... Ngoài mở rộng diện tích trồng sen và hỗ trợ người dân trên địa bàn, Hợp tác xã Sen quê Bác còn trồng sen tại các đình, đền, chùa, Resort, khu nghỉ dưỡng; thiết kế, tạo cảnh quan từ sen tại hồ hoặc trồng trong chậu.

Anh Phạm Kim Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sen quê Bác cho biết, ngoài nhiệm vụ trồng, chăm sóc, bảo tồn các giống sen quý trên địa bàn xã Kim Liên cũng như huyện Nam Đàn, Hợp tác xã còn thu mua nguyên liệu, sản phẩm từ sen cho người dân, hướng tới phát triển du lịch sinh thái bền vững; giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động tại địa phương. Mục tiêu lâu dài của Hợp tác xã là cung cấp giống sen cho cả nước, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen đạt OCOP từ 3 – 5 sao. Hợp tác xã hiện đã có 9/12 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao; phấn đấu trong năm 2022 có 2 sản phẩm đạt 5 sao là trà ướp bông sen và trà tâm sen.

Giới thiệu sản phẩm từ sen của Hợp tác xã Sen quê Bác (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Theo anh Phạm Kim Tiến, Hợp tác xã Sen quê Bác đang khuyến khích người dân trồng sen nhằm phát triển du lịch, mang lại giá trị kinh tế cao.

Tháng 5 về trên quê hương Bác, du khách cả nước có thể tận hưởng hương thơm ngọt, dịu, đằm thắm từ những bông hoa sen; được chụp ảnh check in, lưu lại khoảnh khắc khi về thăm quê Bác tại các cánh đồng sen và trải nghiệm các công đoạn chế biến từ sen ra các sản phẩm khác.

"Hợp tác xã đang đưa vào trồng 3 giống sen chính là sen cổ màu hồng, sen trắng và sen vàng với tổng diện tích trên 50 ha. Khí hậu tại miền Trung rất khắc nghiệt, nắng lắm, mưa nhiều, sen trồng một mùa, song hương vị sen lại đậm đà, hương thơm hơn các vùng khác", anh Phạm Kim Tiến nhấn mạnh.

Tại xã Kim Liên, việc phát triển và mở rộng trồng sen ngoài tạo cảnh quan xanh mát, thân thuộc với đồng quê Việt Nam còn có ý nghĩa quan trọng đó là gắn với tên gọi Làng Sen quê Bác. Cứ đến độ tháng 5 hàng năm, cũng là dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, du khách thập phương sẽ được chiêm ngưỡng các đầm sen nở rộ, cùng hòa mình vào sắc hương sen, thưởng thức vị trà thơm mát từ sen, đây là những trải nghiệm thật khó quên khi về quê Bác.

Ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: Trong những năm qua, gắn với việc xây dựng xã Kim Liên trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn nhằm tạo cảnh quan trên quê Bác xanh, sạch, đẹp, thân thiện; giữ gìn phát huy nét đẹp truyền thống của làng quê Kim Liên, thực sự gắn với tên gọi làng Sen quê Bác. Song song đó, địa phương tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ sen để phục vụ khách tham quan du lịch và phát triển du lịch sinh thái bền vững.

"Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo Hợp tác xã Sen quê Bác cùng người dân mở rộng diện tích trồng sen trên các diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả nhằm nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ có nhu cầu trồng sen trên địa bàn; có chính sách hỗ trợ xây kè các ao, đầm trong khu dân cư để mở rộng diện tích trồng sen", ông Nguyễn Quang Lộc cho biết thêm./.

                                                                                                                                            Tá Chuyên/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website