Những người bạn sắt son giữ yên giấc ngủ Bác Hồ

Những người bạn từ xứ sở bạch dương cùng các đồng nghiệp Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bằng cả trái tim...

Đoàn chuyên gia đặc biệt

Là người có nhiều năm gắn bó với nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá, Tiến sĩ Vũ Văn Bình, nguyên Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể: "Cuối tháng 8-1969, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một diễn biến xấu, một đoàn chuyên gia Liên Xô đã lặng lẽ rời Moscow tới Việt Nam. Sáng 2-9-1969, khi Bác Hồ kính yêu của chúng ta ra đi, trong nỗi đau thương của cả dân tộc, đoàn chuyên gia đã đảm đương một trọng trách vô cùng lớn lao, đó là giúp Việt Nam gìn giữ thi hài Bác, để sau ngày thống nhất, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam được về thăm viếng Người".

Đại tá Vũ Văn Bình cho biết, trong đoàn chuyên gia Liên Xô cử sang giúp Việt Nam có Viện sĩ S.S Debov, chuyên gia sinh hóa hàng đầu thế giới về dung dịch bảo quản thi hài lúc bấy giờ. Trong đoàn còn có Giáo sư, Viện sĩ Yuri Lopukhin, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Moscow, là chuyên gia phẫu thuật hàng đầu thế giới; Phó giáo sư Mikhailov, Chủ nhiệm Khoa Hình thái Viện Lăng Lênin, người chuyên ướp bảo quản thi hài; Tiến sĩ Satarov, chuyên gia rất giỏi về pha chế dung dịch.

Vào thời gian đó, Việt Nam chưa kết thúc chiến tranh, kinh tế còn nghèo, khoa học giữ gìn, bảo quản thi hài hoàn toàn mới mẻ. Sự có mặt giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô là vô cùng quý giá. Yêu cầu đặt ra là phải làm sao để giữ được tất cả những đường nét đặc trưng của Bác như thuở sinh thời, để khi thăm viếng, mọi người vẫn cảm nhận được sắc thái của Người như khi còn sống. Đại tá Vũ Văn Bình cho biết, các chuyên gia nước bạn đã giúp chúng ta giải tỏa tất cả những khó khăn của nhiệm vụ đặc biệt này. Bạn đã mang sang Việt Nam tất cả dung dịch cùng những thiết bị cần thiết. Lúc đó, các chuyên gia đã giúp chúng ta tất cả những gì có thể về vật chất, đặc biệt là công nghệ ướp bảo quản mà bạn đã từng sử dụng để ướp thi hài lãnh tụ Lênin cũng được chia sẻ.

  

Lễ kỷ niệm 50 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao huân chương, huy chương tặng các tập thể, chuyên gia Nga tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liên bang Nga. Ảnh: Trang web Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga

Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn, các chuyên gia và tổ y tế đã nâng niu từng sợi râu, sợi tóc, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay của Bác. Đặc biệt, các chi tiết ở mắt và miệng của Người đã được chăm sóc hết sức tỉ mỉ, công phu. Công việc này không chỉ nhằm chuẩn bị cho những ngày tang lễ Bác mà còn liên quan trực tiếp đến việc gìn giữ lâu dài thi hài của Người. Vì vậy, các bạn chuyên gia đã cống hiến bằng cả tài năng, kinh nghiệm và tinh thần khoa học cao nhất, giúp Việt Nam khởi đầu sự nghiệp giữ gìn thi hài Bác một cách hoàn hảo.

Nhằm bảo đảm thi hài Bác được bảo quản tốt nhất trong những ngày Quốc tang, các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt đã làm việc hết sức mình. Hằng ngày, sau khi ngừng lễ viếng, họ lại gấp rút và thận trọng kiểm tra lại thi hài Bác, hiệu chỉnh các thiết bị máy móc, làm vệ sinh công nghiệp để những ngày viếng tiếp theo được tốt hơn.

Sau khi Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc, đoàn chuyên gia Liên Xô đã đưa ra một đề nghị nhằm bảo đảm giữ gìn tốt nhất thi hài Bác, đó là chuyển thi hài của người tới Moscow. Nghĩa tình và sự chu đáo của bạn đã làm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta khi đó vô cùng cảm động. Tuy nhiên, sau khi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam chia sẻ với bạn về tấm lòng nhớ thương của cả dân tộc ta khi phải xa cách Người, các bạn đã đồng ý cử chuyên gia sang Việt Nam giúp giữ gìn thi hài Bác.

Những hy sinh thầm lặng

Nhớ lại những tình cảm đặc biệt của các bạn chuyên gia đối với Bác Hồ, Đại tá Vũ Văn Bình kể: Vào thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, Liên Xô đang trên đà phát triển, các nhà khoa học của bạn được quan tâm đầy đủ về vật chất và tinh thần. Chiến tranh đã lùi xa 25 năm ở Liên Xô vào thời điểm đó, nên sang Việt Nam đồng nghĩa với lên đường ra mặt trận. Mỗi chuyến sang Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô xa nhà 6 tháng và không được hưởng đặc ân gì to tát, song họ đã luôn bên cạnh nhân dân, cán bộ và chiến sĩ ta, sắt son bên Người bằng sự tận tình hiếm có, bằng tư duy khoa học và tính kỷ luật cao.

Sau này, khi nước nhà thống nhất, có dịp trao đổi, trò chuyện với các nhà khoa học y tế Liên Xô, mới thấy hết sự hy sinh thầm lặng của bạn đối với sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo sư, Viện sĩ Yuri Denisov-Nikolsky, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Y sinh Liên bang Nga, người đã có 24 lần sang Việt Nam, chia sẻ: “Những năm chiến tranh ác liệt, mỗi khi các bác sĩ của chúng tôi sang Việt Nam đều xác định như ra mặt trận. Họ để lại gia đình, vợ con ở hậu phương, chấp nhận sự khó khăn vất vả. Ai nấy đều sẵn sàng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Khi cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam sơ tán lên K9 (Khu di tích Đá Chông hiện nay) làm nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn thi hài Bác, trong phòng ngủ của đồng chí Tổ trưởng Tổ chuyên gia Kazelxev có một tấm bản đồ Việt Nam. Đồng chí Kazelxev đã làm rất nhiều những cây cờ đỏ nhỏ. Cứ mỗi lần có tin một thành phố, một tỉnh lỵ ở miền Nam Việt Nam được giải phóng, ông lại cắm một cây cờ đỏ lên vùng đất đó trên bản đồ. Khi lá cờ cuối cùng của Kazelxev được cắm lên địa danh Sài Gòn trên tấm bản đồ thì các chuyên gia Liên Xô đã chạy ùa cả ra ngoài hành lang, ôm chầm lấy các đồng nghiệp Việt Nam reo hò mừng chiến thắng.

Theo Đại tá Vũ Văn Bình, thời điểm đó, K9 là một địa danh tuyệt đối bí mật. Cán bộ, chiến sĩ của ta làm nhiệm vụ và các chuyên gia y tế Liên Xô không được ra ngoài, không được tiếp xúc với nhân dân trong khu vực. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, tuy nhiên bạn đã “đồng cam cộng khổ” với chúng ta bằng nghĩa tình của những người bạn son sắt thủy chung.

Những kiến thức và kinh nghiệm được các chuyên gia truyền thụ lại thực sự là nền tảng, tiền đề cơ bản vững chắc cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Đây cũng là cơ sở cốt lõi nhất để đội ngũ các nhà khoa học y tế của Việt Nam vươn lên từng bước làm chủ nhiệm vụ chính trị trong mọi tình huống.

Các bạn Liên Xô cũng đã hỗ trợ hiện thực hóa mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân ta là xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một trong những kiến trúc sư Việt Nam được tham gia thiết kế lăng cùng các chuyên gia Liên Xô, ông Nguyễn Tấn Vạn khẳng định, nhờ sự giúp đỡ của bạn, mọi công việc liên quan đến chăm sóc, giữ gìn thi hài Bác và vận hành hệ thống kỹ thuật ở lăng đã được tiếp nối một cách nghĩa tình, kể cả sau khi Liên Xô tan rã.

Với mỗi cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện sĩ Lopukhin luôn được nhắc đến với một trí tuệ khoa học thần kỳ và nhà phẫu thuật tạo hình nổi tiếng có “đôi bàn tay vàng”. Xúc động biết bao khi ông đã lập bàn thờ Bác Hồ tại nhà riêng của mình ở Moscow. Rồi Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Kazelxev, người đã sang Việt Nam 14 lần, từng chia ngọt sẻ bùi với cán bộ, chiến sĩ Việt Nam ở những nơi sơ tán trong thời gian chống Mỹ, cứu nước để trực tiếp giữ gìn thi hài Bác. Đặc biệt, trong số các chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam giữ gìn thi hài Bác, có hai cha con ông Zilkin, hai chuyên gia thuộc hai thế hệ đều sang Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này.

Ngày 04-10-1975, để tỏ lòng biết ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, Đảng, Nhà nước ta đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam tặng một số đồng chí chuyên gia tiêu biểu. Qua các thời kỳ, nhiều tập thể và cá nhân của đoàn chuyên gia được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động và Huân chương Hữu nghị, để tri ân những người bạn luôn sắt son cùng chung vai sát cánh giữ yên giấc ngủ Bác Hồ. Nghĩa tình và dấu ấn của những người bạn ở xứ sở bạch dương sẽ còn ấm áp và tỏa sáng trên hành trình thiêng liêng canh giấc ngủ của Bác kính yêu.

Hồng Linh

Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website