Họa sĩ Quỳnh Thơm - “Tôi vẽ Bác bằng niềm kính yêu vô hạn”

 Họa sĩ Quỳnh Thơm ngày đêm miệt mài bên giá vẽ để kịp tiến độ tham gia triển lãm “Vĩnh Phúc - 60 năm hành trình khát vọng”

Họa sĩ Quỳnh Thơm sinh năm 1971 tại xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường. Là sinh viên khoa đồ họa Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú những năm 1988-1991. Sau, anh tiếp tục học Đại học Sư phạm Mỹ Thuật Hà Nội. Ra trường, dẫu vẫn “ấm nóng” tình yêu với hội họa nhưng cuộc sống mưu sinh khiến anh gắn bó một thời gian dài với công việc thiết kế quảng cáo, đồ họa tại thủ phủ Vĩnh Yên. Và mãi đến năm 2021, anh mới trở lại cầm cọ vẽ, bút màu, toàn tâm toàn ý với niềm đam mê một thuở.

Hiện thực hóa những nỗi niềm đau đáu mỗi khi đặt bút: Vẽ gì về quê hương và cho quê hương? - Anh đã mang đến triển lãm mỹ thuật “Cảm xúc Vĩnh Tường” nhân kỷ niệm 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường vào tháng tháng 11 vừa qua với 200 tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, acrylic, chì than và mực nho.

Cảm hứng chủ đạo bao trùm toàn bộ tác phẩm là bản sắc quê hương và con người Vĩnh Tường trong suốt chiều dài lịch sử 200 năm. Đây là thành quả của quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc của họa sĩ Quỳnh Thơm, thể hiện sự tri ân sâu sắc với mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn của mình. Triển lãm được đánh giá là thành công rực rỡ, thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, thưởng ngoạn.

Bước sang năm 2022, là năm được xem như là tiền đề, Vĩnh Phúc phát động các cuộc thi đua, các phần việc quan trọng hướng đến kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc (2/3/1963 - 2/3/2023). Bằng niềm đam mê sẵn cháy trong mình, bằng tất cả tình cảm và sự tự hào của một người con quê hương Vĩnh Phúc, một lần nữa, họa sĩ Quỳnh Thơm lại mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự kiện quan trọng này.

Thế nên, anh đã mạnh dạn lên ý tưởng cho dự án 60 bức tranh tương ứng với con số thời gian - 60 năm Bác về thăm tỉnh nhà. Trong đó, có 45 bức phóng tác về Bác gắn với những lần Bác về thăm Vĩnh Phúc (từ năm 1955 - 1968), những tình cảm của Bác với Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc cũng như tình cảm của nhân dân Vĩnh Phúc dành cho Người qua các bức ảnh tư liệu như: Bác nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Lạc Trung; Bác đến thăm giếng nước của gia đình ông Phan Tuất ở Vĩnh Tường; Bác nói chuyện với cán bộ, bộ đội và các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc... Còn lại là những bức vẽ về danh lam thắng cảnh và bức tranh kinh tế-xã hội của Vĩnh Phúc.

Nghĩ là làm, đầu năm 2022, cùng với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Quỳnh Thơm đã cất công tìm kiếm, sưu tầm những bức ảnh về Bác. Và rồi, anh cũng đã có trong tay tập sách ảnh “Những lần Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc”, bắt đầu đặt nền móng cho dự tranh thứ 2 của mình.

Ngôi nhà nhỏ của họa sĩ Quỳnh Thơm ở xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên những ngày này như trở nên chật hẹp hơn bởi những bức vẽ đã hoàn thiện đặt kín lối đi. Mặc cho tiết trời buốt giá của những ngày Đông cuối cùng, những vị khách đến đây đều cảm nhận rõ sự ấm áp, tươi mới và rộn rã trong không gian riêng của họa sĩ Quỳnh Thơm.

Giới thiệu với chúng tôi bức họa Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu niên nhi đồng trong ngày Người về thăm Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn (được phóng tác từ tấm ảnh do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp, in trong tập sách ảnh), họa sĩ Quỳnh Thơm chia sẻ: “Từ ánh mắt cho đến chòm râu, vầng trán, bộ quần áo kaki… khi đặt từng nét vẽ, tôi đã cố gắng để làm sao toát lên được sự chân thực, giản dị, gần gũi của con người Bác.

Đây là bức họa có khá đông nhân vật. Thường thì tôi sẽ tập trung vẽ đặc tả, khắc họa chi tiết nhân vật chính và những nhân vật kế cạnh. Còn những nhân vật quần chúng sẽ vẽ theo lối gợi, mang tính khái quát cao. Bức họa được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu trên vải toan với kích cỡ lớn hơn nhiều so với bản gốc ảnh tư liệu, màu sắc cũng có chút khác biệt hơn, sắc nét hơn… do đó đem lại nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn và thực sự là cũng để lại trong tôi nhiều tình cảm xúc động”.

Vẽ chân dung một lãnh tụ, lại tự đặt ra cho chính mình một con số “khủng” - 45 bức, họa sĩ Quỳnh Thơm đã rất táo bạo ngay từ trong cách nghĩ và lựa chọn đề tài. Thực sự là một đề tài đặc biệt trong đặc biệt - Như lời người bạn đồng hành, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn từng nhận xét. Nhưng cái sự “liều” ấy rất đáng để trân quý và ngưỡng mộ, bởi anh đã lao động một cách rất nghiêm túc và trách nhiệm để đạt được kết quả cao nhất.

Với Quỳnh Thơm, anh từng nói vui rằng: “Không thể nói người họa sĩ sáng tác về Bác được. Mà đây là phóng tác chân dung Bác. Chính những tác phẩm báo chí, ảnh tư liệu đã khơi nguồn cảm hứng cho tôi. Tôi cũng đã dành thời gian để suy ngẫm, tìm hiểu, đọc tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, về những lần Bác về thăm Vĩnh Phúc, rồi chỉnh sửa, bổ sung cho mỗi bức họa. Với tình cảm, lòng kính yêu dành cho Bác nên từng đường nét vẽ đều xuất phát từ tấm lòng, tấm chân tình của tôi”.

Chuyển thể từ ảnh sang tranh không dễ chút nào. Đặc biệt lại là những bức ảnh trắng đen, đã trải qua sự phai màu của thời gian. Tuy nhiên, với họa sĩ Quỳnh Thơm, đó chưa phải là cái khó nhất. Điều khiến anh luôn băn khoăn, trăn trở là vẽ làm sao để thể hiện được cái phong thái, khí chất của Người. Nó biến hóa linh hoạt vô cùng. Ví như chỉ riêng ánh mắt thôi, nhưng có khi là ánh mắt hiền hậu, trìu mến của một người ông, một vị cha già; nhưng khi lại là ánh mắt của sự lo toan trước vận mệnh dân tộc…

Nhưng có một điểm chung là tất cả đều sáng ngời một niềm lạc quan, tin tưởng. Họa sĩ Quỳnh Thơm đã lựa chọn chất liệu sơn dầu để thể hiện những tác phẩm của mình. Không chỉ có độ bền cao, mà thêm một ưu điểm nữa chỉ có ở sơn dầu, đó là có thể vẽ chồng lên nhiều lớp, để có sự khắc họa sắc nét, chi tiết hơn.

Sau hai năm trở lại với giá vẽ, bằng sự lao động nghiêm túc của mình, anh đã có trong tay hơn 500 tác phẩm và dự định sẽ có thêm nhiều dự án tranh tham gia trưng bày, triển lãm trong thời gian tới.

Tại triển lãm Cảm xúc Vĩnh Tường tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã ghi nhận những đóng góp của họa sĩ Quỳnh Thơm và khích lệ, động viên anh tiếp tục có những cống hiến trong lĩnh vực hội họa, tổ chức được nhiều triển lãm quy mô nhằm quảng bá hình ảnh của đất và người Vĩnh Phúc.

Những bức họa về Bác của họa sĩ Quỳnh Thơm được phóng tác từ ảnh tư liệu

Với riêng họa sĩ Quỳnh Thơm, khi đặt bút vẽ Bác, anh không chỉ thể hiện bằng tất cả tình cảm, sự yêu mến của anh dành cho Người mà còn gửi gắm tâm tư, tình cảm của triệu triệu người dân Vĩnh Phúc đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc. “Và mỗi lần đứng trước ánh mắt Bác, trước chân dung Bác, tôi như thêm một lần soi lại chính bản thân mình, luôn ý thức sống trách nhiệm hơn, lao động nghệ thuật nghiêm túc hơn, mong muốn được cống hiến nhiều hơn” - Họa sĩ Quỳnh Thơm chia sẻ.

Những tác phẩm tham gia triển lãm “Vĩnh Phúc - 60 năm hành trình khát vọng” sắp tới của họa sĩ Quỳnh Thơm sẽ tiếp tục góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục về mảnh đất văn hiến, anh hùng cách mạng. Đồng thời, tạo ra những gía trị văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc về vùng đất và người Vĩnh Phúc và cũng góp phần lưu giữ những kỷ niệm đẹp của mỗi người con trên quê hương Vĩnh Phúc với Bác Hồ kính yêu.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website