“5 lần gặp Bác Hồ là 5 bài học về đạo đức người cán bộ, đảng viên”

 Đồng chí Lê Đình Bộ.

Đồng chí Lê Đình Bộ sinh ra trong một gia đình bần nông đông anh em. Đến năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng chí đã biết đến Đảng, biết đến Bác Hồ. Những năm 1948-1950, vùng đồng bằng sông Hồng bị thực dân Pháp tạm chiếm, chúng nhiều lần càn quét bắt thanh niên gia nhập đội quân tay sai. Vì không muốn gia nhập đội quân đánh thuê cho thực dân Pháp, đồng chí đã mưu trí trốn dưới thùng trấu, lặn xuống sông, ẩn mình trên cây cổ thụ... Khi miền Bắc giải phóng, đồng chí bắt đầu tham gia công tác tại địa phương, được cử đi học lý luận chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực 1 lớp ngắn hạn 8 tháng ở Hải Dương. Đến năm 1960, đồng chí giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã rồi Bí thư Đảng ủy xã Văn Phú hơn chục năm liền.

Lần đầu tiên đồng chí Bộ gặp Bác Hồ là vào ngày 12-1-1958 tại xã Tả Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Trì) khi Bác về tát nước chống hạn cùng nông dân. Đi cùng Bác còn có đồng chí Vũ Quý, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông. “Bác khi đến thăm bất cứ nơi nào thường không báo trước nên ai cũng rất bất ngờ, khi đó tôi được báo đến dự tập huấn về nông nghiệp. Bác xuất hiện với bộ quần áo tối màu giản dị, đi dép cao su, xắn quần. Bao năm bôn ba nước ngoài rồi kháng chiến ở Việt Bắc, nhiều khi nghĩ Bác chưa từng làm nông tát nước, nhưng khi thấy Bác cùng một đồng chí khác tát gầu dai ai nấy cũng bất ngờ. Thấy anh cán bộ tát yếu, sợ nước bắn vào quần áo, Bác giật dây mạnh làm anh cán bộ liêu xiêu. Bác bảo: “Chú tát thế thì làm sao lấy được nước, chú phải hiểu được người dân vất vả như nào để làm ra hạt thóc thì mới có thể làm một người cán bộ tốt được”, đồng chí Bộ xúc động kể lại.

Lần thứ 2 đồng chí Bộ gặp Bác là tại Hội trường C500 Hà Đông (nay là Học viện An ninh nhân dân) năm 1960 trong buổi Bác về nói chuyện với cán bộ, thanh niên. Bác vẫn xuất hiện với bộ quần áo cũ, dép cao su và chẳng ai biết trước Bác đến. Bác hỏi chuyện các chị em nữ đã có gia đình, rằng con nhỏ thì cho đi học lớp nào, ai trông. Một chị trả lời: “Thưa Bác, con nhỏ nên cháu vừa tự trông vừa sản xuất và chưa cho đi học lớp nào”. “Vậy tại sao cháu làm được như thế?” - Bác nói. Chị trả lời: “Thưa Bác, cháu chỉ có lòng yêu thương và nhiệt tình của người mẹ, cố gắng nuôi con bằng tất cả những gì mình đang có thôi ạ”. Bác khen, rồi nói tiếp: “Người cán bộ, đảng viên cũng vậy, làm việc phục vụ nhân dân trước tiên phải có lòng nhiệt tình, tận tụy, khó đến đâu học hỏi đến đó, sai đến đâu rút kinh nghiệm đến đó. Còn người cán bộ mà ngại khó, ngại khổ, không dám làm thì không xứng đáng là cán bộ của dân”, đồng chí Bộ kể lại.

Lần thứ 3 đồng chí Lê Đình Bộ gặp Bác là tại xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức ngày 7-10-1961, khi Bác về giảng Nghị quyết 10 về phát triển nông thôn, Hội nghị lần thứ 5 (khóa III) của Trung ương Đảng. Hội trường hàng trăm người đều là bí thư các xã, huyện. Bác nói chuyện liền 3 tiếng đồng hồ không uống chút nước nào, thậm chí đến khi kết thúc, địa phương mời Bác ở lại ăn cơm vì cũng đã đến giờ trưa nhưng Bác từ chối vì công việc còn nhiều phải về giải quyết gấp.

Lần thứ 4 đồng chí Bộ gặp Bác là tại xã Quyết Tiến (nay là xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín) trong lần Bác về động viên cán bộ, nhân dân chống hạn ngày 30-1-1963. Năm đó, tỉnh Hà Đông hạn nặng, Bác cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh phụ trách nông nghiệp cùng về và có buổi nói chuyện gần 3 tiếng đồng hồ trước sự có mặt của hơn 1 vạn cán bộ, nhân dân. Trước tình hình hạn, Bác động viên rằng: “Bây giờ chống hạn là công việc quan trọng nhất của toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh, chống hạn cũng phải như chống giặc, bởi vì giặc nó đốt, nó phá, còn hạn nó không đốt không phá, nhưng kết quả là dân không có ăn, dân đói. Vì vậy, phải hết sức cố gắng, phải đồng tâm hiệp lực chống cho kỳ được”. Bác coi nhiệm vụ chống hạn ở miền Bắc như chiến đấu ở miền Nam với tinh thần: “Đồng ruộng là chiến trường, gầu guồng là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”.

Không chỉ động viên nhân dân chống hạn, Bác còn gợi ý cách làm cụ thể đó là đào giếng lấy nước ngầm và tăng cường tát nước từ sông Nhuệ vào. Thanh niên trai tráng khi đó đặt quyết tâm phải đào được 30m đất mỗi ngày, chỉ trong thời gian ngắn trước vụ chiêm, xã Quyết Tiến đã đào được gần 300 giếng khơi và cử người sang các xã lân cận giúp đỡ chống hạn. Để cổ vũ nhân dân, Bác hứa sẽ tặng nhân dân bức trướng có thêu chữ “Hà Đông anh dũng tuyệt vời, vắt đất ra nước thay trời làm mưa”, sau 1 tháng chống hạn thu được kết quả tốt, Bác đổi bức trướng thành “Hà Đông anh dũng tuyệt vời, chống hạn phòng lụt nào ai sánh bằng”.

Đồng chí Bộ gặp Bác Hồ lần thứ 5 tại Bệnh xá Vân Đình (nay là Bệnh viện Đa khoa Vân Đình) vào ngày 20-4-1963 khi Bác về thăm bệnh xá. Cũng như những lần khác, các bí thư xã trong tỉnh Hà Đông được triệu tập đến tập huấn công tác y tế, không hề ai biết trước Bác đến, nên khi thấy Bác, tất cả mọi người đứng dậy vỗ tay rào rào, nét mặt rạng ngời, cảm xúc như vỡ òa. Đi cùng Bác còn có đồng chí Tố Hữu. Tại đây, Bác đã căn dặn cán bộ Ngành Y rằng: “Trong công tác phục vụ phải luôn coi trọng cả 2 mặt vật chất và tinh thần, coi người bệnh như ruột thịt, có thức ăn ngon, có thuốc hay, có thái độ phục vụ tốt”. Bác nói: “Phải biết tuyên truyền cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và những người xung quanh biết cách vệ sinh phòng bệnh”.

Bác Hồ nói chuyện về chống hạn tại xã Quyết Tiến (nay là xã Nghiêm Xuyên) năm 1963.

Với đồng chí Lê Đình Bộ thì những lời căn dặn từ cách ăn mặc giản dị, gần dân, lối sống tiết kiệm, không quan liêu, đặt mình vào nỗi khổ của dân mà lắng nghe dân, phục vụ dân của Bác là những căn dặn sâu sắc để trở thành người cán bộ liêm chính, chí công vô tư. Bởi thế vận dụng vào trong công tác tại địa phương, đồng chí luôn phát huy tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, mạnh dạn đổi mới tư duy, không bảo thủ trì trệ. Điều mà đồng chí nói học được ở Bác rõ nét nhất chính là đạo đức cách mạng và lối sống giản dị. Bao nhiêu năm qua, đồng chí vẫn giữ phong cách ăn mặc giản dị, thong dong trên chiếc xe đạp đã gắn bó hơn 40 năm đi đến thăm hỏi các gia đình thương binh, hộ nghèo khó. Đồng chí còn học được Bác tinh thần làm việc và học tập suốt đời, tuy năm nay đã 90 tuổi nhưng hằng ngày đồng chí vẫn cặm cụi ghi chép lại “sử làng” trong một cuốn sổ, sáng tác thơ về làng. Cấp ủy, chính quyền xã Văn Phú kính trọng đồng chí và thường đến tham khảo ý kiến về các chủ trương, quyết sách.

Suốt cuộc đời gắn bó với công tác đảng - chính quyền tại địa phương, đồng chí Lê Đình Bộ là cán bộ gương mẫu, dám nghĩ dám làm. Ngay cả sau khi đã về hưu đồng chí còn làm nhiều việc có ý nghĩa, “lá lành đùm lá rách” như cắt tặng 40m2 đất ở cho người hàng xóm có hoàn cảnh khó khăn, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Để ghi nhận công lao đóng góp của đồng chí Lê Đình Bộ, Nhà nước đã tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba (đối với người ở hậu phương), Hội Nông dân TP. Hà Nội tặng Giấy khen vì có thành tích trong xây dựng phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới” năm 2015. Nhìn nụ cười trẻ trung, sức khỏe dẻo dai, tinh thần lạc quan không ai nghĩ đồng chí đã bước sang tuổi 90 mà vẫn còn giúp ích cho đời.

 Nguyễn Văn Công 

Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website