Tỉnh Bạc Liêu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác dân vận

Lãnh đạo xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân (bên phải) tiếp nhận sự hỗ trợ của các đơn vị để thực hiện các công trình dân vận khéo. Ảnh: H.T

CÁN BỘ DÂN VẬN PHẢI NÊU GƯƠNG

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “nêu gương” là một trong những phương pháp vận động Nhân dân hữu hiệu nhất. Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải thật sự là tấm gương “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”, hướng về dân, gần dân, hiểu dân, trọng dân, tin dân, học dân, dựa vào dân để đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân. Vận dụng tư tưởng này, Thị ủy Giá Rai đã chỉ đạo các cơ quan MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phải thật sự gần dân, sâu sát với cơ sở. Theo đó, tập trung giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, phức tạp trong Nhân dân (đất đai, trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường), tạo cơ hội cho Nhân dân góp ý kiến đối với các chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống người dân. Cơ quan hành chính các phường, xã của TX. Giá Rai đã xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại để lắng nghe và giúp đỡ Nhân dân.

Cũng với phương châm “sát cơ sở, gần dân, trọng dân”, Đảng ủy xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) luôn triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường hướng của các cấp, nhất là mục tiêu xây dựng nông thôn mới, dân vận khéo. Cùng với việc công khai, minh bạch các nguồn vốn đóng góp, kinh phí xây dựng các công trình để Nhân dân bàn bạc, giám sát, nhiều mô hình dân vận khéo cũng được ra đời như: hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, đối thoại với nhân dân, hũ gạo tình quân dân… đã giúp cán bộ dân vận ngày càng gần dân, hiểu dân và lo cho dân nhiều hơn.

PHÁT HUY DÂN CHỦ TRONG “DÂN VẬN KHÉO”

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân vận trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Thứ hai, bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Bài học này luôn được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh xây dựng trở thành một trong những giải pháp chính nhằm nâng cao chất lượng “Dân vận khéo” ở địa phương. Tại lễ ra quân “Năm Dân vận khéo” năm 2024 cấp tỉnh ở xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhiều đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và đông đảo người dân. Với nguồn kinh phí vận động được trên 45,8 tỷ đồng, địa phương sẽ tập trung vào xây dựng nhiều tuyến lộ, cầu, ô đê bao, nạo vét kênh thủy lợi, đầu tư tuyến nước sạch sinh hoạt, xây dựng nhà, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, tặng xe đạp, học bổng, thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh trên địa bàn xã… Đây chính là sự “tiếp sức” rất lớn để xã Ninh Quới A hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thị trấn.

Thực tế cho thấy, các cấp ủy, chính quyền luôn có sự đổi mới trong công tác dân vận, dân vận khéo, nhưng điều cốt lõi vẫn phải giữ - đó chính là sự nêu gương, tiên phong đi đầu của cán bộ, đảng viên. Bởi, thông qua kết quả làm việc của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ cũng chính là xây dựng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân và dân với Đảng. Đây là điều để chúng ta tiếp tục học tập, thấm nhuần và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website