Sáng chữ tâm với nghề

Trường THCS Bình Phú, huyện Phù Ninh thi đua dạy tốt, học tốt.

Nhiệt huyết với nghề

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập sinh ra trong một gia đình thuần nông tại vùng quê nghèo ở xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập. Ngay từ nhỏ, cô đã đam mê nghề giáo và luôn cố gắng nỗ lực học tập, phấn đấu cho niềm đam mê này. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cô thi vào Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Hùng Vương.

Sau bốn năm miệt mài đèn, sách trên giảng đường sư phạm, năm 2015 tốt nghiệp Đại học với tấm bằng cử nhân loại giỏi, cô được phân công về công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập. Khi cuộc sống và công việc đang dần đi vào ổn định, cô phát hiện mình bị ung thư. Không bi quan, từ sự động viên của gia đình và đồng nghiệp, cô có thêm nghị lực để chiến đấu với bệnh tật. Yêu nghề, yêu đời, sức khỏe cô dần ổn định.

Từ sự nỗ lực trong giảng dạy, nhiều năm liền cô đã đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm học 2021- 2022, từ tâm huyết với nghề, cô có sản phẩm video bài giảng dạy học trực tuyến trên truyền hình đạt giải Nhất cấp huyện, giải Khuyến khích cấp tỉnh, lớp cô phụ trách có 55 lượt học sinh đạt giải cấp huyện, 15 lượt giải cấp tỉnh.

Cô giáo Trần Thị Mỹ Lệ- Trường Mầm non Đoan Hạ, huyện Thanh Thuỷ cũng là một hoàn cảnh đặc biệt. Trao đổi với chúng tôi, cô chia sẻ, bố cô mất năm 2011 do mắc bệnh ung thư, khi đó cô đang chuẩn bị thi đại học... vì vậy, cô từ bỏ ước mơ học đại học, chọn học Trung cấp giáo dục mầm non tại huyện Thanh Thủy để có thời gian phụ giúp mẹ làm thêm và trông em. Những năm đầu mới ra trường, cô phải đi làm cách nhà 10 km, với mức lương hợp đồng 1.820.000 đồng/một tháng. Nhiều hôm trời mưa gió, xe bị hỏng trên đường, hai chị em phải dắt bộ về nhà. Những lúc như vậy, cô đã nghĩ đến việc bỏ nghề giáo viên mầm non, tìm cho mình một công việc có thu nhập tốt hơn để ổn định cuộc sống.

Với sự động viên của mẹ và lòng yêu nghề mến trẻ, cô đã quyết tâm theo đuổi nghề giáo, tiếp tục học liên thông lên đại học năm 2015- 2018. Tháng 2 năm 2018, mẹ cô mất vì mắc bệnh hiểm nghèo, một mình cô cố gắng nuôi em, nỗ lực vươn lên trong công việc, luôn thương yêu con trẻ, tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, chăm sóc nuôi dưỡng các con, thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; phát huy năng lực, sở trường của bản thân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những nỗ lực, cố gắng của cô đã được học sinh và nhân dân tin yêu, quý mến, được cấp trên ghi nhận, biểu dương. Nhiều năm liền, cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường, được UBND huyện tặng giấy khen trong ba năm học liên tiếp (2018- 2019; 2019-2020; 2020- 2021). Hai cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền và Trần Thị Mỹ Lệ là những điển hình trong tập thể cán bộ, giáo viên của tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, luôn tận tâm với sự nghiệp “trồng người”; góp phần truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh có thêm nghị lực, vươn lên trong cuộc sống, học tập từ chính những nỗ lực của cá nhân...

 Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập tận tâm giảng dạy cho học sinh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có gần 27.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Để duy trì ổn định chất lượng giáo dục, ngành GD&ĐT đã làm tốt công tác phát triển đội ngũ, thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên theo Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên. Trên cơ sở rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ và yêu cầu công tác phát triển đội ngũ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4462/KH-UBND, ngày 04/10/2021 về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Hằng năm, căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện; kết hợp hài hòa giữa bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tránh trùng lặp, bỏ sót nội dung cần bồi dưỡng. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phối hợp, phát huy hiệu quả hoạt động bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản để giáo viên vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, vừa tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời ứng dụng có hiệu quả các nền tảng kỹ thuật số phục vụ công tác tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến, tăng số lượng giáo viên được tham gia, giảm chi phí cho các nhà trường.

Cùng với thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển đội ngũ, ngành GD&ĐT Phú Thọ còn thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng để xác định nhu cầu sử dụng giáo viên hằng năm và giai đoạn, trên cơ sở đó tính toán nhu cầu đào tạo giáo viên làm cơ sở thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Trên cơ sở rà soát, tỉnh đã báo cáo, đăng ký nhu cầu tuyển sinh đào tạo giáo viên đến năm 2025 với tổng số 1.027 chỉ tiêu sinh viên sư phạm.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.087 giáo viên tham gia các khóa đào tạo, đạt 71,8% kế hoạch đề ra, phấn đấu đến năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn thành việc cử giáo viên đi đào tạo nâng chuẩn. Giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh cử trên 3.000 giáo viên đi đào tạo trên chuẩn đồng thời tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng giáo viên. Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, toàn ngành đã tuyển dụng, bổ sung 1.281 giáo viên phổ thông, trong đó có 166 người được tuyển theo chính sách đặc cách và thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác theo quy định của tỉnh. Công tác tuyển dụng được thực hiện bằng phương thức xét tuyển thông qua bài giảng thực tế trên lớp, qua đó tuyển chọn được người có năng lực chuyên môn, nhất là kiến thức, kỹ năng sư phạm thông qua đánh giá giờ dạy. 

Vững tin với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên luôn nỗ lực, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, giảng dạy, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: “Ngành GD-ĐT quyết tâm bồi dưỡng, đào tạo cả về chuyên môn lẫn bản lĩnh chính trị, để “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cho học sinh noi theo. Tôi tin rằng, đây sẽ là nền tảng vững chắc để ngành GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đạt thêm nhiều kết quả tốt trong tương lai”.

Với những nỗ lực của mình, ngành GD-ĐT Đất Tổ những năm qua đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT năm 2022, toàn tỉnh có 50 em đoạt giải. Đặc biệt, trong bốn năm liên tiếp tỉnh có học sinh dự thi Olympic Sinh học quốc tế, riêng năm 2022 có một học sinh đoạt Huy chương Đồng, Olympic Sinh học quốc tế. Tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đã có hai dự án đoạt giải, một học sinh đoạt giải Nhất Hội thi Tin học trẻ toàn quốc. Khi tham gia Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tỉnh Phú Thọ đã xuất sắc xếp thứ 2/63 trong các tỉnh, thành phố về số lượng giáo viên, học sinh tham gia và có chất lượng tốt nhất.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website