Ngày 12/4/1966, Bác Hồ đã gửi thư khen và gửi gắm mong mỏi về sự tiến bộ mọi mặt của miền đất Quế Phong “… Bác mong rằng đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục học tập để tiến bộ hơn nữa …”.

Khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã có những chương trình, hành động cụ thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Toàn cảnh huyện Quế Phong ngày mới. Ảnh tư liệu: Lê Quang Dũng

VƯƠN LÊN XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO

Tháng 4, ngược lên vùng biên giới Quế Phong, ghé Farmstay Nhật Minh ở xã Châu Thôn thăm ông chủ trẻ Đinh Bá Cương - người đã biến vùng đồi hoang sơ thành điểm đến du lịch lý thú.

Trong không gian yên bình, giữa mây núi, suối ngàn, nghe Đinh Bá Cương hồi tưởng về chặng đường hình thành nông trại kết hợp du lịch nghỉ dưỡng trên đỉnh Bù Chồng Cha mới thấy “nể” tinh thần dám nghĩ, dám làm của chàng trai huyện núi. Ảnh: Đình Tuyên

Sinh năm 1984, từng là sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế, nhưng với đầu óc nhạy bén, Đinh Bá Cương “bén duyên” với kinh doanh. Anh khởi nghiệp bằng một cửa hàng máy tính và công nghệ năm 2007 và trở thành một trong những người đi đầu trong lĩnh vực này ở huyện Quế Phong. Sau đó mở thêm quán cà phê mang dáng dấp nhà vườn khá hút khách.

Đến năm 2015, Cương đã có một quyết định táo bạo khi cùng vài người bạn thành lập công ty TNHH, ngoài cung ứng thiết bị văn phòng còn mở thêm một siêu thị mini ở chợ Kim Sơn.

Sau một thời gian “ăn nên làm ra”, hoạt động kinh doanh đi vào khó khăn, Đinh Bá Cương trăn trở tìm hướng đi mới. Nắm bắt lợi thế gia đình có 12 ha đất trên đỉnh Bù Chồng Cha, do Nhà nước giao theo Nghị định 63, năm 2018, anh quyết định gom toàn bộ vốn liếng, xây dựng mô hình trang trại khép kín để nuôi lợn đen bản địa, đạt chuẩn VietGAP. Thương hiệu lợn đen thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Nhật Minh của Cương không chỉ cung ứng trên địa bàn Quế Phong mà còn vươn ra ngoài huyện.

Farmstay Nhật Minh trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Ảnh: Đình Tuyên

Đến năm 2020, khi phong trào du lịch cộng đồng phát triển, được sự giúp đỡ của một người bạn làm du lịch, Farmstay Nhật Minh ra đời ở đỉnh Bù Chồng Cha, dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của ông chủ trẻ, nơi đây trở thành một điểm đến du lịch được du khách trong và ngoài tỉnh ưa thích.

Năm 2022, Farmstay Nhật Minh thu hút 700 - 800 lượt khách lưu trú. Ngoài phát triển trang trại và làm du lịch, Đinh Bá Cương còn là đại biểu HĐND huyện, được suy tôn điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quá trình lập nghiệp, anh lấy thương hiệu là “Nhật Minh”, mang ý nghĩa hướng về ngày mai tươi sáng! Anh là đại diện cho lớp trẻ dám nghĩ, dám làm của huyện núi Quế Phong, dù qua nhiều khó khăn thử thách, vẫn luôn tin ở ngày mai…

Là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, cấp ủy, chính quyền các cấp và mỗi người dân trên địa bàn huyện Quế Phong luôn xác định muốn xóa đói, giảm nghèo phải bắt đầu từ việc khắc phục tư duy trông chờ, ỷ lại; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, phát huy tiềm năng sẵn có, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong “nếp nghĩ, nếp làm” để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đó cũng là cách thực hiện Chỉ thị 05 về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực nhất.

Nhờ Nghị quyết của chi bộ, diện tích trồng măng đắng ở bản Pà Khốm ngày càng tăng, qua đó, cây măng đắng đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây. Ảnh: Khánh Ly

Ví như ở bản Mông Pà Khốm, xã Tri Lễ, chi bộ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về quản lý rừng, bảo vệ và phát triển cây măng đắng, ngoài ra, còn khuyến khích người dân trồng đào, phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Theo Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vừ Bá Rê: Nghị quyết được dân bản đồng tình, đi vào cuộc sống hiệu quả nên diện tích măng đắng của bản Pà Khốm từ 5,3 ha nay đã phát triển lên 11,7 ha; đào có khoảng hơn 3.000 gốc vừa tạo điểm nhấn cảnh quan, vừa đem lại nguồn sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân ở bản Pà Khốm cũng trở thành “triệu phú vùng cao” với mô hình nuôi tập trung từ 40-50 con trâu, bò.

Những tuyến đường giao thông nông thôn thoáng, sạch ở bản Na Cày, xã Tiền Phong. Ảnh: Đình Tuyên

Còn ở Chi bộ bản Na Cày, xã Tiền Phong luôn tâm niệm: “Học tập Bác là làm sao để dân bản “ưng cái bụng”, chung tay xóa đói, giảm nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống mới, ấm no hơn”.

Sau sáp nhập, bản Na Cày có 242 hộ với 3 dân tộc Thái, Khơ mú, Kinh cùng sinh sống. Đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, trước thực tế đó, Chi bộ, Ban Quản lý bản Na Cày tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng, phát triển chăn nuôi trâu, bò, trong đó, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước.

Cán bộ và người có uy tín bản Na Cày, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong chia sẻ về kinh nghiệm "dân vận khéo". Ảnh: Đình Tuyên

Ông Lữ Văn Quý - Bí thư Chi bộ bản Na Cày cho hay: Nhờ gần dân, trọng dân, lắng nghe dân, gây dựng được tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa đồng bào các dân tộc mà các phong trào thi đua ở bản Na Cày đều được bà con hưởng ứng nhiệt tình. Điển hình là phong trào hiến đất, hiến cây để bê tông hóa đường giao thông nội bản và 4 tuyến giao thông nội đồng thuận lợi cho đi lại, sản xuất. “Năm 2022 bản đã vận động nhân dân đóng góp làm đường điện thắp sáng dài hơn 1.000m trên toàn bản và đang xây dựng sân bóng đá rộng 850 m2 phục vụ nhu cầu thể dục, thể thao của người dân” - Bí thư Lữ Văn Quý hồ hởi khoe.

"VIỆC GÌ CÓ LỢI CHO DÂN PHẢI GẮNG SỨC MÀ LÀM"

Phát huy tinh thần, trách nhiệm, sự nỗ lực vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị bằng những cách làm sáng tạo, hiệu quả, có lợi cho dân và góp phần vào sự ổn định, phát triển của quê hương.

Đó là tư tưởng xuyên suốt của Đảng bộ huyện Quế Phong trong quá trình triển khai, thực hiện Chỉ thị 05 và Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nội dung này gắn liền với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên là một trong những nội dung trọng tâm trong thực hiện Chỉ thị 05 của Đảng bộ huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên

Đối với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được giao quản lý 82.417,24 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng và rừng phòng hộ nằm trên địa bàn huyện Quế Phong (thuộc 1 trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An).

Diện tích được giao quản lý lớn, chủ yếu nằm ở vị trí vùng sâu, vùng xa, có 73 km giáp ranh biên giới Việt - Lào, 63 km giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa và giáp ranh với 2 huyện Tương Dương, Quỳ Châu, trong khi tổng số cán bộ biên chế và hợp đồng chỉ có 63 người.

 Dù gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ, đảng viên Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt vẫn phát huy tinh thần trách nhiệm,
thực hiện tốt các phương án quản lý bảo vệ rừng. Ảnh: Đình Tuyên

 Tuy đời sống của người lao động trong ngành Lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn do thu nhập thấp, áp lực công việc lớn nhưng những năm qua, cán bộ, đảng viên, người lao động đơn vị luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt các phương án quản lý bảo vệ rừng, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về vi phạm pháp luật bảo vệ rừng và PCCCR xảy ra trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: Xác định “dựa vào dân để giữ rừng”, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, từ 5 năm nay, mỗi tháng cán bộ, đảng viên người lao động ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đều tự giác góp mỗi người 10.000 đồng vào nguồn quỹ tiết kiệm để triển khai các mô hình “dân vận khéo” gắn trồng rừng, bảo vệ rừng với tạo sinh kế cho người dân.

 Cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Na Chạng hướng dẫn người dân trồng quế nâng cao thu nhập. Ảnh: Đình Tuyên

Ví dụ như phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy hỗ trợ xây dựng mô hình trồng khoai sọ ở bản biên giới Piêng Lâng (xã Hạnh Dịch); mô hình cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế cho 3 hộ gia đình ở các xã Đồng Văn, Tiền Phong và Hạnh Dịch; mô hình trồng cây quế cho thu nhập ổn định cho nhân dân các xã vùng đệm.

Nhiều trạm quản lý bảo vệ rừng như trạm Na Chạng đã xây dựng cả vườn ươm phục vụ cây giống bản địa chất lượng tốt cho người dân như quế, ba kích, mú từn, lá khôi, mắc khén, sa mu dầu… và tích cực hướng dẫn người dân cách chăm sóc, bảo vệ, trồng cây gây rừng hiệu quả.

 Trạm Quản lý bảo vệ rừng Na Chạng phát huy hiệu quả vườn ươm cây giống cung cấp cho người dân địa phương. Ảnh: Đình Tuyên

Còn đối với Đảng bộ, Chính quyền xã Tiền Phong, làm theo Bác là phát huy tinh thần trách nhiệm trong phục vụ nhân dân, tập trung giải quyết những vấn đề người dân quan tâm như thực hiện tốt công tác tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xử lý kịp thời các vấn đề bức xúc trên địa bàn như việc múc đất xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực chợ và cầu Phú Phương.

Theo lãnh đạo xã Tiền Phong, trong 2 năm qua xã đã tập trung phối hợp tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hơn 200 hồ sơ tồn đọng... tạo niềm tin của người dân vào cấp ủy, chính quyền. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hướng tới hoàn thành từng bước các tiêu chí nông thôn mới.

 Cán bộ, công chức xã Tiền Phong, huyện Quế Phong phát huy tinh thần trách nhiệm trong phục vụ nhân dân, tập trung giải quyết những vấn đề người dân quan tâm. Ảnh: Đình Tuyên

Theo ông Hà Ngọc Thi - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quế Phong: Để thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn cố gắng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong đó, tập trung vào thế mạnh của một huyện miền núi với kinh tế rừng và những loài cây nông sản, dược liệu bản địa. Nhiều mô hình kinh tế được xây dựng thành công và nhân rộng như mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na; khôi phục, phát triển bền vững cây lùng nguyên liệu được tổ chức rừng quốc tế cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; mô hình phân bón chậm tan cho ruộng bậc thang; lúa chịu lạnh năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon.

Các sản phẩm chủ lực của huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Phóng viên - CTV

Các cây dược liệu quý như chè hoa vàng, cây bon bo, đẳng sâm, quế Quỳ đang được phát triển, nhân rộng. Bên cạnh đó, bước đầu hình thành một số mô hình, cơ sở du lịch, dịch vụ để khai thác tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa, như: Hồ thủy điện Hủa Na, quần thể thác Bảy tầng - làng Thái cổ, thác Sao Va, đền Chín Gian...

Đồng chí Dương Hoàng Vũ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong kiểm tra mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Ảnh: Đặng Cường

Chuyển biến rõ nhất là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều cách làm sáng tạo gắn với các phong trào thi đua như phong trào “Những viên gạch nông dân”, “Vườn chuẩn nông thôn mới”, “Thanh niên tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới; “Cựu chiến binh gương mẫu”; mô hình “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm” nhằm giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo… số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt chuẩn được duy trì là 13,25 tiêu chí/xã, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 40,12%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét, an sinh xã hội được đảm bảo và các vấn đề khó khăn của cơ sở đã dần được tháo gỡ.

 Đoàn công tác bàn giao nhà và tặng quà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Hồ Hưng

Theo ông Dương Hoàng Vũ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, để góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, gắn với đề án xã biên giới sạch về ma túy, hiện nay, toàn huyện đang dồn sức cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, hoàn thành xây dựng nhà lắp ghép thuộc Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở do Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An vận động tài trợ. Dự kiến ngày 15/4/2023 sẽ tổ chức bàn giao 309 ngôi nhà đợt 1 cho người dân… Đó cũng là cách để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quế Phong quyết tâm biến những tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ thành ý chí, hành động cụ thể, thiết thực./.