Học và làm theo Bác để lan tỏa sức dân

Quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền

 

 Từ quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 05, nhiều cá nhân, tập thể đã được
Thành phố Hồ Chí Minh biểu dương trong thời gian qua. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Báo cáo kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW từ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Để những nội dung của Chỉ thị đi vào cuộc sống, bên cạnh những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị thông qua nhiều nội dung, hình thức, giải pháp thiết thực; chú trọng lựa chọn nội dung, vấn đề trọng tâm chỉ đạo; quan tâm lãnh đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm; đề cao việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình học tập và làm theo Bác.

Các cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, tích cực triển khai thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy trách nhiệm, tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở; nghiêm túc đăng ký, cam kết thực hiện kế hoạch cá nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Với phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện” cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quận ủy Tân Bình đã gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW với việc xác định các nội dung đột phá, các vấn đề nổi cộm phát sinh trên địa bàn để tập trung giải quyết. Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, từ quận đến cơ sở đã thực hiện 335 nội dung, chương trình đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều nội dung trên từng lĩnh vực (cấp quận có 17 nội dung, cấp cơ sở có 318 nội dung).

Các chương trình đột phá được tập trung lựa chọn và đăng ký thực hiện, xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, xác định rõ lộ trình thực hiện; từ đó đã xuất hiện nhiều phong trào, mô hình tại cơ sở được nhân rộng trên địa bàn quận, từng bước nâng cao chất lượng công tác phục vụ nhân dân (tỷ lệ hồ sơ hành chính được giải quyết đúng luật, đúng hạn đạt trên 97%; mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan chính quyền đạt trên 90%) như: phong trào “5 biết, 3 hơn” (biết cười, biết chào hỏi, biết lắng nghe, biết nhận lỗi, biết sửa sai; nhanh hơn, thân thiện hơn, chính xác hơn), phong trào “Nụ cười công sở”, phong trào “Cán bộ, đảng viên học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các quận 2, 9, Thủ Đức (cũ) và Thành ủy Thủ Đức, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã từng bước trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong công việc cũng như hoạt động hằng ngày của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo đã phát huy hiệu quả tích cực: Chuyên trang điện tử “Học tập và làm theo Bác” với điểm nhấn là chuyên mục “Kỷ yếu điện tử giới thiệu các gương điển hình”; tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020. Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 9 vinh dự được nhận giải Ba Giải thưởng Sáng tạo TP Hồ Chí Minh lần 1 năm 2019…

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm, nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Cấp ủy, người đứng đầu đơn vị, bộ phận, trưởng các tổ chức đoàn thể Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã căn cứ những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; những ưu điểm và hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bộ phận, cá nhân… để xác định rõ những nội dung cần đột phá, xây dựng kế hoạch của cá nhân, có lộ trình thực hiện cụ thể và nghiêm túc thực hiện nêu gương cho cán bộ, đảng viên và người lao động noi theo. Xây dựng tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, công nhân viên ngành điện Thành phố với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện” với nội dung “4 có, 3 không”. Nhờ vậy, nhiều chương trình, kế hoạch luôn được Tổng công ty và các đơn vị thành viên hoàn thành trước tiến độ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

…Đến sức dân nơi tâm dịch

Sự quyết liệt từ cấp ủy đảng, chính quyền, và sự gương mẫu từ những người đứng đầu cấp ủy đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của Chỉ thị 05 vào đời sống, thấm nhuần trong mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố.

TP Hồ Chí Minh được biết đến là địa phương đi đầu cả nước trong các phong trào từ thiện xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Qua các phong trào, ngoài đạt được những kết quả rất tích cực cho xã hội còn tạo môi trường tốt để nuôi dưỡng, phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, khơi dậy truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân" trong xã hội.

Không phải ngẫu nhiên, khi nhắc đến TP Hồ Chí Minh, ngoài sự năng động, phát triển, nhiều người còn ấn tượng bởi sự nghĩa tình của người dân Thành phố mang tên Bác. Ở bất cứ nơi nào của mảnh đất này, cũng dễ dàng bắt gặp được việc nghĩa. Người dân Thành phố làm việc nghĩa như một "thao tác" bình thường, thấy việc nên làm thì làm mà không hề tính toán thiệt hơn. Họ giúp người trong khả năng của mình và không bao giờ đòi hỏi sự đền đáp hay trả công.

Trong nhiều tháng qua, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nơi đây. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, nặng nghĩa đồng bào, đông đảo người dân TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động chia sẻ, thiện nguyện, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; chung tay thực hiện và nhân rộng nhiều hoạt động, mô hình hỗ trợ nhằm san sẻ bớt gánh nặng, góp phần chăm lo cho các lực lượng tuyến đầu, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ đó, phát huy sức mạnh cộng đồng và truyền thống nhân ái, nghĩa tình của nhân dân thành phố mang tên Bác, góp sức đưa Thành phố sớm chiến thắng đại dịch, trở lại cuộc sống bình thường.

Giữa những lúc khó khăn chồng chất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những suất cơm ấm nóng chứa đựng bao nghĩa tình của người dân thành phố mang tên Bác vẫn đều đặn mỗi ngày đến với lực lượng tuyến đầu, người dân khốn khó, yếu thế để cùng nhau chia sẻ yêu thương, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau.

Bà bà Trương Thị Thanh Hải (trú tại phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức), người lập ra nhóm Bếp cơm Trương Hải đích thân giao các suất ăn đến cho người dân. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Đó là những bếp ăn vẫn luôn đỏ lửa, hoạt động hết công suất như Bếp cơm Trương Hải do bà Trương Thị Thanh Hải (61 tuổi, trú tại phường Trường Thọ, TP Thủ Đức); Bếp từ thiện Nhà B gồm những cư dân sống tại nhà B, lô C-D của chung cư Bình Khánh (phường An Phú, thành phố Thủ Đức); Bếp ăn tiếp sức “Chung tay vì cộng đồng” tại khu dân cư Bình Hưng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh; Bếp ăn từ thiện Phú Long (huyện Nhà Bè) do Tập đoàn Sovico, Công ty Phú Long thành lập với sự đồng hành của Hội từ thiện Tường Nguyên, Quỹ Phúc Tâm đã cung cấp hàng ngàn suất cơm miễn phí cùng hàng chục tấn lương thực, thực phẩm đến y bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên toàn thành phố.

Không chỉ có những bếp ăn miễn phí mà khắp Thành phố còn xuất hiện những nhà ăn “0 đồng” trong bệnh viện đến siêu thị “0 đồng” trong khu phong tỏa.

Cụm từ “0 đồng” được sử dụng rất nhiều kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19, nhất là từ đầu tháng 5/2021 dịch bệnh diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội kéo dài. Đó là cái tâm của người làm từ thiện, mong được san sẻ, gánh bớt phần nào những khó khăn, nhất là đối với người nghèo, người gặp hoạn nạn bất ngờ trong thiên tai, dịch bệnh. Đó cũng là tâm nguyện của tập thể Ban Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức quyết định thành lập “nhà ăn 0 đồng” với tên gọi “Nhà ăn Hạnh phúc” từ khi có dấu hiệu dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào đầu năm 2021, khi chứng kiến nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ăn bữa trưa ít ỏi, không đủ chất dinh dưỡng.

Khi khu dân cư tổ 31, 32, khu phố 2 (Phường 11, Quận 3) bị phong tỏa do xuất hiện nhiều F0, người dân trong khu dân cư đã nhanh chóng thành lập gian hàng “0 đồng” để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho gần 50 hộ gia đình tại đây. Hàng hóa hỗ trợ đa dạng, thường xuyên nên nhiều anh chị em tình nguyện luôn tất bật cắt gọt, rửa sạch sẽ, chia đều vào từng túi riêng trước khi phân phối đến tận cửa nhà. Anh Phạm Đăng Danh, tổ phòng chống dịch COVID-19 cộng đồng khu phố 2 cho biết, trường hợp nhà nhiều hộ, nhiều nhân khẩu được chia phần nhiều hơn hay có con cá, miếng thịt đều được san sẽ chia đôi; trái đu đủ, trái dừa hôm nay người này nhận…

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ nhu yếu phẩm và các nhu cầu thiết yếu của người dân; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, điều phối người dân thực hiện giãn cách xã hội, xét nghiệm lấy mẫu và tiêm phòng COVID-19. Qua đó, tạo cầu nối giữa chính quyền và người dân, góp phần quan trọng để công tác phòng, chống dịch trên địa bàn đạt hiệu quả.

Để cùng đồng hành, chia sẻ với nhau trong công tác vì cộng đồng, nhiều gia đình cả vợ và chồng cùng đăng ký tham gia các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, trong đó có không ít cán bộ hưu trí, đảng viên. Vợ chồng ông Vũ Hoàng Ninh và bà Hà Thị Hồng Liên (cùng 60 tuổi), đảng viên là tình nguyện viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng của khu phố 3, Phường 13 (Quận 4) từ đầu đợt dịch lần thứ 4. Ông Ninh chia sẻ, đại dịch COVID-19 bùng phát, người dân hạn chế ra đường khiến nhu cầu về thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng lên, lực lượng tuyến đầu rất vất vả để đáp ứng.

Phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh thuộc các Tổ phòng, chống COVD-19 cộng đồng đã tạm gác lại công việc gia đình để cùng sát cánh với các lực lượng tuyến đầu; thực hiện tốt việc nắm bắt tình hình nhân dân, giúp công tác chăm lo đời sống nhân dân trong mùa dịch của chính quyền các cấp sát với tình hình thực tiễn. Trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong phòng, chống dịch tại cơ sở, hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường./.

Hà An (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website