Hiệu quả việc học và làm theo Bác ở Điện Biên Đông

Học và làm theo Bác bằng việc làm cụ thể, xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) nuôi trâu, bò theo mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Người dân bản Chua Ta A, xã Phì Nhừ chăm sóc đàn bò.

Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc cụ thể hóa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động. Trong đó, tập trung những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những vấn đề bức xúc, nổi cộm để chỉ đạo giải quyết gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Sau khi phát động, nhiều mô hình đã được các tập thể, cá nhân tích cực thực hiện. Nhiều đơn vị lựa chọn việc khắc phục những hạn chế, yếu kém là trọng tâm để tạo bước đột phá. Hay nhiều mô hình học và làm theo Bác về: Thực hành tiết kiệm trong lao động, sản xuất; vận động an sinh xã hội chăm lo đời sống nhân dân; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; chuyển đổi sản xuất, bảo vệ môi trường…

Na Son là xã có nhiều mô hình học và làm theo Bác phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Đảng bộ hiện có 19 chi bộ, 230 đảng viên. Cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tích cực tham gia các phong trào, mô hình thi đua học và làm theo Bác. Đặc biệt là nội dung đột phá “chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và các loại cây có giá trị” góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Ông Lò Văn Khụt, Bí thư Chi bộ bản Sư Lư, xã Na Son cho biết: Nhằm thích ứng với tình hình khô hạn, thiếu nước, bản Sư Lư đã thực hiện chuyển đổi trên 7ha cây trồng đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc đỏ mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với một số cây trồng truyền thống khác. Nhờ đó mà nhiều gia đình đã mua sắm được các đồ vật có giá trị như, xe máy, máy giặt; sửa chữa, nâng cấp nhà ở… Muốn cuộc sống tốt hơn thì mình phải thay đổi cả về suy nghĩ và phương thức sản xuất, nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực. Đây cũng là cách học và làm theo Bác từ những việc làm cụ thể mà xã phát động hàng năm.

Khi cuộc sống người dân tốt hơn thì việc vận động tham gia các phong trào ở địa phương được dễ dàng và nhân dân đồng thuận cao. Hiện nay xã Na Son có 1 bản nông thôn mới (NTM), xã đã đạt 16/19 tiêu chí NTM.

Mường Luân cũng là xã có nhiều đổi thay về diện mạo cũng như chất lượng đời sống của người dân trong những năm gần đây. Ông Lò Văn Mai, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 05, năm 2020 Đảng ủy xã phát động thực hiện các mô hình gắn với xây dựng NTM. Từ đó các phong trào thi đua, các cuộc vận động diễn ra ngày càng nhiều, sôi nổi hơn, không chỉ có cán bộ, đảng viên, mà nhận thức của người dân cũng được nâng cao. Các chi bộ đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, như: Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ. Trong triển khai thực hiện, xã không trông chờ, ỷ lại nguồn vốn của Nhà nước mà xác định tiêu chí nào thuận lợi, trong khả năng của xã thì triển khai thực hiện trước như vận động nhân dân phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau giảm nghèo, hiến đất làm đường. Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân đạt trên 19 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 24,5%...

Phong trào học và làm theo Bác ở Điện Biên Đông đã xuất hiện nhiều mô hình phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, như: Mô hình nuôi bò vỗ béo, cải tạo đàn bò theo hướng tuần hoàn tại xã Phì Nhừ; mô hình trồng bí xanh tại xã Tìa Dình… Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05, toàn huyện có 50/50 chi, đảng bộ và 100% cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đăng ký xây dựng kế hoạch học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 32/50 chi, đảng bộ xây dựng và niêm yết chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tinh thần chỉ thị 05. Hiện nay, toàn huyện có 190/198 bản văn hóa; 11.272/13.700 gia đình văn hóa; 95/101 cơ quan văn hóa; 159 nhà văn hóa bản.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website