Cụ thể hóa việc học và làm theo gương Bác

Chị Thẩm luôn nỗ lực phát triển mô hình may gia công, giúp thêm nhiều chị em phụ nữ địa phương có nguồn thu nhập ổn định.

Hơn 25 năm trước, chị Nguyễn Thị Thẩm, ở ấp Đông Lợi, vì cuộc sống gia đình khó khăn, phải rời quê lên Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân cho một công ty may. Năm 2019, với ít vốn liếng tích góp cùng nguồn kiến thức về các mặt hàng may mặc, chị Thẩm quyết định trở về quê ở xã Đông Phước lập nghiệp bằng mô hình may gia công. Với 12 thành viên tham gia ban đầu, đến nay mô hình đã giải quyết việc làm cho trên 30 chị em phụ nữ địa phương có thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống. Chị Thẩm chia sẻ: “Tôi nhớ lời Bác dạy là giúp được gì cho dân, cho nước thì làm, phải có lòng yêu thương mọi người. Khi điều kiện cho phép và từng trải qua những ngày tháng vất vả nên tôi thấu hiểu khó khăn khi phụ nữ suốt ngày chỉ ở nhà chăm con, không có thu nhập. Tôi muốn giúp đỡ, san sẻ với những chị em khác để họ có thêm điều kiện cải thiện kinh tế, nâng tầm vị thế trong gia đình”.

Lúc dịch Covid-19 bùng phát, việc may gia công cũng gặp khó khăn do đơn đặt hàng thưa thớt nhưng người phụ nữ ngoài 40 tuổi này luôn cố gắng duy trì để chị em có nguồn thu, hỗ trợ máy may đến tận nhà làm việc chứ không tập trung tại cơ sở. Hiện tại, bình quân mỗi chị là thành viên thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng/tháng, lại chăm sóc được con và gia đình. Chị Huỳnh Thị Thúy Kiều, ở ấp Đông Phú A, chia sẻ: “Tôi may gia công ở chỗ chị Thẩm hơn 2 năm nay, mỗi tháng có thêm khoảng 3 triệu đồng, phần nào đỡ đần cho chồng chi phí sinh hoạt nên mừng lắm. Ban ngày tôi vừa đưa con, cháu đi học, cơm nước cho chồng rảnh thì chạy sang may, tối về máy có sẵn ở nhà nên làm thêm vài tiếng. Hồi lúc dịch Covid-19 xuất hiện, chị em trong mô hình còn may khẩu trang để tặng cho người dân”.

Nhờ địa phương quan tâm, hỗ trợ vay vốn, chị Thẩm lại mở rộng quy mô cơ sở may để tạo thêm việc làm, nguồn thu ổn định cho chị em phụ nữ ở xã.

Nhờ triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ở xã Đông Phước đã xuất hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, như “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động “Hai không” và Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phong trào xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo”; xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; “San sẻ yêu thương tiếp bước đến trường”; “Hội viên nông dân chung tay phòng chống sạt lở đất”; “100% hội viên và gia đình hội viên có bảo hiểm y tế”...  

Đạt được kết quả đó là nhờ Đảng ủy xã thường xuyên lồng ghép tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 05 để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nội dung, giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể hóa nội dung các chuyên đề, chủ đề về học tập và làm theo gương Bác để chỉ đạo, hướng dẫn những chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Từ đó, ý thức tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực công tác, quan hệ quần chúng Nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.

Ông Nguyễn Quốc Lễ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Phước, cho biết: “Đảng ủy xã tiếp tục chỉ đạo, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong học tập và làm theo gương Bác, tiến hành xây dựng mới một số mô hình. Những cá nhân, tập thể điển hình sẽ được biểu dương, khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực và sự lan tỏa, làm chuyển biến nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc thực hiện Chỉ thị số 05”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website