Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Sau những lần dò hỏi thăm, tìm kiếm, may mắn tôi tìm được người từng ra Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu Di tích) xin giống cây vú sữa của má Sảnh về trồng tại Phủ thờ Bác xã Trí Lực, đó là ông Phạm Văn Tắc, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu.

 Phủ thờ Bác xã Trí Lực, là địa chỉ về nguồn ý nghĩa đối với thế hệ trẻ.

Tấm lòng ông Út Tạng

Ông Phạm Văn Tắc nay đã ở hàng U70, nghỉ hưu gần chục năm (hiện ngụ Phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Ông Tắc kể, chuyện xin giống cây vú sữa má Sảnh tặng Bác về trồng lại trên quê hương Cà Mau là mong muốn của ông Phan Văn Tạng (Út Tạng), nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), từ rất lâu.

Ông Út Tạng quê ở ấp Kiến Vàng, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân. Năm 1954, ông là bộ đội tập kết ra Bắc. Từ năm 1960-1966, ông làm việc tại Bảo tàng Quân đội. Năm 1975, ông chuyển công tác về Cà Mau. Giai đoạn 1980-1990, ông giữ chức vụ Giám đốc Bảo tàng tỉnh Minh Hải.

Sống ở miền Bắc trong những năm đất nước bị chia cắt, nỗi nhớ quê nhà càng da diết, vì vậy cây vú sữa miền Nam nơi Nhà sàn Bác Hồ trở nên thân thuộc, sưởi ấm lòng những người con xa xứ như ông.

Sau này về công tác tại Cà Mau, nhất là khi biết rõ cây vú sữa ấy (ông từng được thưởng thức trái, rất ngon ngọt) là của má Lê Thị Sảnh ở huyện Thới Bình biếu Bác, ông càng thấy tự hào. Nhân những chuyến đi hội nghị ở Hà Nội, ông Tạng 2 lần xin giống cây vú sữa này về trồng. Lần đầu cây không sống, ông lại xin tiếp lần hai. Tuy vậy, do đi máy bay không mang được cây lớn, ông xin cây nhỏ. Cây mới bứng, rễ và đất rời rạc, thời gian đi đường mấy ngày, cộng với thời tiết Bắc - Nam chênh lệch cao, nên cả 2 lần, cây đều không sống được. Ðó là nỗi tiếc nuối của ông.

Tháng 3/1990, trong cuộc họp bàn các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/1990), Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Minh Hải có chủ trương giao Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Minh Hải cử người ra Hà Nội xin giống cây vú sữa của má Sảnh về trồng tại Phủ thờ Bác xã Trí Phải (nay là xã Trí Lực). Sở Văn hoá - Thông tin giao Bảo tàng tỉnh đảm nhận công việc này.

Ông Phạm Văn Tắc hồi nhớ: “Ngày 25/3/1990, lúc đó tôi phụ trách công tác hành chính của Bảo tàng tỉnh Minh Hải, chú Út Tạng mời tôi lên phòng làm việc. Ông thông tin về kế hoạch của tỉnh và quyết định giao nhiệm vụ đi xin cây vú sữa cho tôi”.

Ông Tắc cũng cho biết, khi đó, ông Út Tạng nêu rõ lý do, phân công ông đi có thuận lợi là ông từng nhiều năm công tác ngành công an, làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu tại Khu Di tích (từ 1977-1982), quen biết với cán bộ, nhân viên nơi này. Ðồng thời, đây cũng là dịp để ông được về thăm gia đình ở Hải Hậu, Hà Nam Ninh.

Tuy vậy, ông Út Tạng cũng nhìn thấy trước những khó khăn, bởi đã 2 lần ông xin cây vú sữa đem về đều bị chết, lần này liệu có được cho tiếp không. Thêm nữa, nếu xin được cây vú sữa, việc đảm bảo an toàn cho cây khi vận chuyển từ Hà Nội về cũng là chuyện không dễ.

Ông Tắc tâm sự: “Sau khi được giao nhiệm vụ, tôi xác định đây là trọng trách. Khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng cũng hạ quyết tâm phát huy lợi thế, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành thật tốt công việc được giao”.

Hành trình xin và chuyển cây vú sữa về Nam

Ngày 27/3/1990, ông Phạm Văn Tắc bắt đầu hành trình đi xe đò lên TP Hồ Chí Minh, rồi đi tàu lửa ra Hà Nội. Sáng 30/3, ông tới Hà Nội và đến Khu Di tích, trình bày nguyện vọng xin cây vú sữa.

“Tại phòng làm việc của đồng chí Bùi Kim Hồng, Phó giám đốc Khu Di tích, có thêm đồng chí Nguyễn Văn Công, kỹ sư chăm sóc cây trong khu ở và làm việc của Bác, cũng là người nhân giống cây vú sữa này ra rất nhiều cây con trong vườn ươm. Sau khi tôi trình bày mong muốn xin cây vú sữa với lý do như đã nói, đồng chí Hồng vui vẻ bảo, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Minh Hải đã 2 lần xin cây vú sữa rồi, giờ ông đắn đo có nên cho nữa hay không... Tôi giải trình, vì đồng chí Tạng đi máy bay không mang được cây lớn, xin cây nhỏ, cộng với thời tiết không hợp nên cây bị chết. Lần này tôi xin cây lớn và chở bằng tàu lửa sẽ đảm bảo hơn. Sau ý kiến của tôi, đồng chí Nguyễn Văn Công cho biết, hiện trong vườn có gần chục cây vú sữa ươm từ hạt, cao khoảng 1 m, việc bứng, đóng gói và vận chuyển về không đơn giản. Ðồng chí bảo tôi ra xem cụ thể và cho ý kiến. Tôi ra xem và hạ quyết tâm sẽ khắc phục khó khăn, đồng thời xin 4 cây, phòng khi vận chuyển lỡ có trục trặc thì cũng có cây còn sống”, ông Tắc kể.

Nguyện vọng của ông được chấp thuận. “Lúc này tôi rất mừng, tôi nhờ đồng chí Công bứng cây, đóng gói, tôi về quê huyện Hải Hậu thăm gia đình, sáng 2/5/1990, sẽ đến nhận cây”, ông Tắc kể tiếp.

Ông cũng cho biết, cơ quan Khu Di tích khá chu đáo, 4 cây vú sữa được bứng cho vào 4 chậu đóng bằng gỗ có lót rơm và cấp giấy đi đường, đồng thời cho xe u-oát chở ra ga Hàng Cỏ. Vì có giấy của Khu Di tích nên lãnh đạo nhà ga và lãnh đạo đoàn tàu tạo điều kiện bố trí cho một phòng nhỏ để cây và cấp nước tưới.

Ngày 5/5/1990, cây về đến ga Hoà Hưng (Sài Gòn), ông Tắc phải nhọc nhằn vận chuyển 4 cây vú sữa về nơi nghỉ đêm, hôm sau vận chuyển ra bến xe miền Tây, mua thêm 4 vé xe cho 4 cây vú sữa và chở bằng xe đò về.

Sáng 7/5/1990, xe tới bến Bạc Liêu, ông thuê xe lôi chở cây về nơi ở, tại khu tập thể cán bộ công chức cơ quan Thị uỷ Bạc Liêu.

Như vậy, hành trình đi xin cây vú sữa của ông Phạm Văn Tắc đã hoàn thành. Tuy nhiên, ông cho biết, mỗi cây vú sữa cả chậu, đất nặng khoảng 60 kg, đường từ Bến xe miền Tây về Bạc Liêu bị dằn xóc, nên rất buồn là có 3 cây bị vỡ chậu, rễ không được bảo toàn. Mặc dù được ông Tắc tiếp tục chăm sóc, tưới nước hằng ngày, nhưng cuối cùng chỉ còn sống được duy nhất 1 cây.

Sáng 19/5/1990, lễ đón rước cây vú sữa được tỉnh tổ chức long trọng tại Phủ thờ Bác xã Trí Phải. Ðây là công trình có ý nghĩa trọng đại nhân Kỷ niệm 100 năm Sinh nhật Bác Hồ.

Cây vú sữa Bác Hồ tại Phủ thờ Bác xã Trí Lực, được nhân giống từ cây vú sữa má Lê Thị Sảnh gửi ra miền Bắc tặng Bác Hồ năm 1954 và được Bác trồng cạnh nhà sàn ở Phủ Chủ tịch (Hà Nội).

Ông Hồ Văn Khải (hiện là Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau), lúc ấy là nhân viên Bảo tàng tỉnh Minh Hải, nhớ lại, cây vú sữa khi ấy được chở bằng xe ô tô 4 chỗ đi cùng ông Ðỗ Hồng Phước (Mười Nam), Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Minh Hải. Ông Khải cũng đi cùng để hỗ trợ. Xe đến Huyện Sử, tiếp tục được vận chuyển bằng vỏ lãi đến Phủ thờ Bác.

Cây vú sữa tặng Bác Hồ xuất thân từ quê hương Trí Phải, lại được nhân giống về trồng tại quê nhà, ngay Phủ thờ Bác, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhật Người, mang ý nghĩa lịch sử, giá trị tình cảm, tinh thần thật to lớn và thiêng liêng. Ðằng sau hành trình đó là tình cảm, tâm huyết, công sức của bao người, càng cho thấy lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ, đồng thời thể hiện nghĩa tình Bắc - Nam son sắt.

Nhân chuyện này, có người thắc mắc, tại sao má Lê Thị Sảnh gửi tặng Bác cây vú sữa mà không phải cây khác. Tìm hiểu từ những cụ lớn tuổi ở Thới Bình, họ cho biết, hồi ấy, vùng đất này chủ yếu là rừng và ruộng. Do chiến tranh, nghèo khổ, tập trung cho kháng chiến, ít ai chú ý chuyện lập vườn. Vườn chủ yếu cây tạp, một ít dừa, chuối, ổi... Bấy giờ trên địa bàn có nhà ông Năm Ðương (ba nuôi của má Lê Thị Sảnh, cùng ở Ấp 10) có 2 cây vú sữa đã cho trái nhiều năm. Vú sữa là loại trái ngon, quý hiếm lúc ấy. Có lẽ vì vậy mà má Lê Thị Sảnh chọn cây vú sữa để gửi biếu Bác Hồ, thể hiện tấm lòng, sự thơm thảo của má, của đồng bào Cà Mau với Bác kính yêu.

Ông Phạm Văn Tắc cũng cho biết, năm 2000, ông có đến Phủ thờ Bác xã Trí Phải tham quan và thăm cây vú sữa. Cây lúc này khá xanh tốt và đã có trái. Ông cảm thấy trong lòng rất vui, bởi bản thân đã có đóng góp phần công sức. Với ông, việc đi xin và mang cây vú sữa về trồng tại Phủ thờ Bác là một kỷ niệm sâu sắc và hãnh diện trong cuộc đời./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website