Cần nhân rộng các mô hình học và làm theo Bác

Từ năm 2008, xã Bình Thới, nay đã sáp nhập vào thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh qua việc tiết kiệm, chống lãng phí trong ma chay, cúng giỗ. Để thực hiện mô hình này, cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, phát huy vai trò hạt nhân của hơn 100 đảng viên ở các khu dân cư.

Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, đến năm 2009, trên địa bàn xã có 9/9 khu dân cư, với 100% hộ gia đình đều đồng lòng thực hiện. Mô hình này có ý nghĩa thiết thực, tuy nhiên việc nhân rộng ở các địa phương khác trên địa bàn huyện lại gặp khó. 

 

 Cán bộ thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) trò chuyện cùng người dân về chủ trương hạn chế đốt vàng mã và tổ chức tuần, giỗ tiết kiệm. Ảnh: H.Hoa

Còn ở thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), năm 2018, Chi ủy, Ban công tác Mặt trận thôn vận động nhân dân đăng ký thực hiện mô hình “Hạn chế rải, đốt vàng mã khi đưa tang, không tổ chức tuần, giỗ, ma chay lãng phí”. Từ chỗ chỉ có 80% số hộ đồng tình ban đầu, đến nay đã có 100% hộ dân trên địa bàn thôn cam kết thực hiện.

Trên cơ sở mô hình của thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp đã tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn xã hưởng ứng. Tuy nhiên, số người thực hiện chưa nhiều. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Hiệp Nguyễn Sơn Thanh, việc đốt vàng mã và tổ chức tuần, giỗ, ma chay mang tính tâm linh, thể hiện lòng thành với người đã khuất. Vì vậy, để thay đổi nhận thức của người dân cần phải có thời gian...

Năm 2017, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) triển khai mô hình “Vận động hội viên và nhân dân hạn chế việc đốt và rải vàng mã trong tang lễ”. Lúc đầu có 150 gia đình hội viên CCB đăng ký thực hiện mô hình, đến nay đã có 172 hộ gia đình thực hiện. Các hội viên CCB đã vận động nhiều hộ gia đình trong xã tự giác thực hiện. Một số đám tang trên địa bàn có rải và đốt vàng mã, nhưng đều thực hiện ở khu vực chôn cất chứ không rải trên đường đưa tang và trong khu dân cư.

Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Kỳ Lý Hùng Cường cho biết: Hiện vẫn còn một số ít người dân chưa thực hiện là vì họ còn vướng phong tục tập quán, tín ngưỡng nên trong thời gian ngắn không thể triển khai triệt để được. Do đó thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tăng cường vận động theo kiểu "mưa dầm thấm lâu”.

Trưởng phòng Lý luận Chính trị và Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) Trịnh Công Nhận đánh giá: Nhiều mô hình hay ở cơ sở được triển khai hiệu quả, nhưng việc nhân rộng gặp khó khăn. Bởi việc thay đổi phong tục, tập quán trong việc ma chay, hiếu hỉ cần có thời gian và đòi hỏi cả hệ thống chính trị ở cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phải tiên phong thực hiện để nhân dân noi theo.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website