Báo chí Algeria ca ngợi tư tưởng và đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), các hãng truyền thông và nhiều tờ báo uy tín của Algeria đã có nhiều bài viết ca ngợi đạo đức, tư tưởng và sự đóng góp to lớn của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước Việt Nam, cũng như đối với phong trào giải phóng các nước thuộc địa trên thế giới.  Các bài viết khẳng định những tư tưởng và đạo đức của Người vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

 

Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong bài viết với tiêu đề "Hồ Chí Minh: Nghĩ về một người đàn ông "Việt Nam hóa" những lý tưởng vĩ đại của thế giới," hãng thông tấn APS khẳng định Hồ Chí Minh là một người yêu nước nồng nàn, một người biết cách kết hợp những lý tưởng vĩ đại của thế giới với bản sắc Việt Nam và sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn để mang lại sự tự do cho người dân Việt Nam và cho tất cả các dân tộc thuộc địa.

APS còn trích dẫn rằng, vào tháng 12/1999, Tạp chí Time (Mỹ) đã công bố kết quả cuộc bỏ phiếu để xác định các nhân vật tiêu biểu nhất của thế kỷ 20 và trong số 100 người được bầu chọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp vào nhóm 20 lãnh đạo uy tín nhất.

Trên khắp thế giới, các nhà sử học, chính trị gia và nhà khoa học chính trị đều đồng ý rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là "hiện thân của khát vọng độc lập và tự do của những người bị áp bức."

Dựa vào Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Hồ Chí Minh đã mở rộng khái niệm: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, mỗi người có quyền sống, hạnh phúc và tự do."

Năm 1960, Người viết: "Từng bước, qua cuộc đấu tranh, tôi nhận ra rằng chỉ có Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản mới có thể giải phóng các dân tộc bị áp bức và công nhân nô lệ."

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của đất nước và người dân trên lợi ích giai cấp và lợi ích nhóm. Vì vậy, đức tin của Người là rõ ràng. Ông là người theo chủ nghĩa dân tộc và quốc tế. Nhưng trong sự đa dạng về ý thức hệ này, điều quan trọng là Người đã xác định tư tưởng riêng của mình.

Người tránh chủ nghĩa cực đoan, tìm kiếm liên minh, đối thoại, kiên trì giải pháp hòa bình cho các vấn đề quốc gia và quốc tế. Là một công dân của một đất nước bị chế độ thực dân áp bức, tinh thần quốc gia là một đòn bẩy mạnh mẽ và độc đáo, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một nhà hoạt động cách mạng quốc tế.

Vượt ra ngoài các nước thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến tất cả những người bị thiệt thòi của thế giới… Là một nhà trí thức, Người đã biết trân trọng các trí thức, và Người đã có được sự cộng tác tận tụy của các trí thức thuộc mọi khuynh hướng chính trị kể cả trong và ngoài nước.

  

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với công nhân nhà máy sản xuất máy kéo ở thủ đô Bucharest trong chuyến thăm hữu nghị Romania (7/1957). (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, tờ báo Elmoudjahid (Báo Cựu chiến binh) - một tờ báo chính thống lớn và uy tín nhất ở Algeria, đăng bài viết với tiêu đề "Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh: Cha đẻ của cách mạng Việt Nam," nhấn mạnh rằng nhân dân Việt Nam đang kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cha đẻ của Cách mạng Việt Nam và Người là biểu tượng của chủ nghĩa chống thực dân.

Người đã sử dụng thiên tài, văn hóa và tư tưởng của mình để phục vụ cho cuộc đấu tranh của những người bị áp bức của các nước và hơn thế nữa.

Bài viết còn nhấn mạnh: "Nhân dịp này, các dân tộc phải chịu đựng sự đau đớn của chủ nghĩa thực dân, tưởng nhớ đến Người, đặc biệt là cam kết cách mạng kiên quyết của Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập hoàn toàn của Việt Nam, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp và Mỹ cũng như không ngừng chiến đấu bên cạnh các dân tộc thuộc thế giới thứ ba."

Trong bài viết đăng trên báo Tribune-diplomatique-internationale với tiêu đề "Sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không có gì quý hơn độc lập và tự do," tác giả Larab khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã chiến đấu chống thực dân, nạn mù chữ và nhân quyền bằng rất nhiều vũ khí, ngay cả bằng các tác phẩm sắc sảo của mình, được coi là hiện thân và biểu tượng của cuộc đấu tranh lâu dài của người dân Việt Nam.

Lịch sử của Việt Nam đương đại gắn liền với cuộc sống của Người. Tất cả dân tộc Algeria đều  biết và không quên Người, cũng giống như những nhân vật có uy tín khác từng đặt chân lên đất Algeria như Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay bà Nguyễn Thị Bình (Phó Chủ tịch nước).

Một bài viết khác của tác giả F.C đăng trên trang mạng Algerie360 với tiêu đề "Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh" nhấn mạnh rằng với quyết tâm thực hiện niềm tin ″Việt Nam là một và dân tộc là một,″ chủ nghĩa yêu nước của Người đã giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng trước sự xâm lược của đế quốc Mỹ.

Người dân Việt Nam anh hùng đã bảo vệ nguyên tắc thiêng liêng cho tất cả mọi người trên Trái Đất, được tóm tắt bởi Hồ Chí Minh trong câu nói: "Không có gì quý hơn độc lập và tự do."

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria,

tháng 8/1957. (Ảnh tư liệu/TTXVN)

Tác giả F.C còn nói thêm rằng, trước khi rời khỏi thế giới này vào năm 1969 ở tuổi 79, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân Việt Nam và cho toàn nhân loại một công trình đạo đức và chính trị đồ sộ, trong đó Người tôn vinh sự đoàn kết, công bằng, bình đẳng, tình hữu nghị, hiểu biết, hợp tác và tình anh em giữa các dân tộc.

Với ý nghĩa sư phạm vượt trội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết cách kết hợp giáo dục, văn hóa và khoa học vào công việc chính đáng của mình và trong cuộc đấu tranh của các dân tộc.

Hồ Chí Minh là một người viết văn, viết tiểu luận, nhà thơ và nhà báo thiên tài, ý tưởng và ngòi bút của mình để phục vụ giáo dục, giải phóng dân tộc và vì sự hưng thịnh của người dân và của tất cả những người bị áp bức.

Nhiều tờ báo khác ở Algeria cũng có các bài viết với nội dung tương tự như ca ngợi đạo đức, tư tưởng và những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc giành độc lập, giải phóng và thống nhất đất nước Việt Nam cũng như đóng góp quan trọng của người trong cuộc giải phóng các dân tộc thuộc địa khỏi ách đô hộ, áp bức của chế độ thực dân.

Ngoài ra, các bài báo còn nhắc lại quá trình gian khổ của Bác khi tìm đường cứu nước ở tận các nước phương Tây cũng như quá trình thành lập, lãnh đạo cuộc cách mạng và nhân dân Việt Nam tiến tới giành lại độc lập và chiến thắng giặc ngoại xâm.

Ngoài ra, một số bài báo còn phân tích nguyên nhân và nguồn gốc hình thành nền tảng tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều học giả đồng tình rằng Hồ Chí Minh là một vĩ nhân của thế kỷ 20./.

Tấn Đạt (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website