Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân Việt Nam

Ngày 1/5/1952, Bác Hồ cùng các đại biểu dự
Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc. Ảnh tư liệu

Thứ nhất, quan niệm về giai cấp công nhân và đặc điểm giai cấp công nhân Việt Nam. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả những người không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động mà sống, là công nhân. Bất kỳ họ lao động trong công nghệ hay là trong nông nghiệp, bất kỳ họ làm nghề gì, cũng đều thuộc về giai cấp công nhân”(1). Tuy nhiên, để Người cũng giải thích, trong số đó, không phải tất cả họ đều là giai cấp công nhân và chỉ ra tiêu chí căn bản để xác định đó là giai cấp công nhân đúng nghĩa mang đầy đủ “đặc tính” của giai cấp công nhân quốc tế theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người viết: “Chủ chốt của giai cấp ấy, là những công nhân ở các xí nghiệp như: nhà máy, hầm mỏ, xe lửa, vân vân... Những công nhân thủ công nghệ, những người làm thuê ở các cửa hàng, những cố nông, vân vân..., cũng thuộc về giai cấp công nhân. Nhưng chỉ công nhân công nghệ là hoàn toàn đại biểu cho cái đặc tính của giai cấp công nhân”(2).

Về đặc điểm giai cấp công nhân Việt Nam, theo Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân Việt Nam mang đầy đủ đặc điểm của giai cấp công nhân quốc tế, đó là: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác”.

Thứ hai, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, theo Người, giai cấp công nhân Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của giai cấp công nhân thế giới, cũng có vai trò sứ mệnh lịch sử, trước hết đối với dân tộc của mình: “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”(3). Vai trò đó được thể hiện ở đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản, Đảng lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam từng bước thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược, sách lược đó. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam được thể hiện ngay từ Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930: Giai cấp công nhân Việt Nam thông qua Đảng của mình lãnh đạo toàn dân làm cuộc cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị của xã hội cách mạng, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa, phát triển tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: “Giai cấp công nhân Việt Nam đã đem ánh sáng Cách mạng Tháng Mười soi tỏ cho con đường cách mạng Việt Nam. Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương, chính đảng của giai cấp công nhân thành lập, đã vạch rõ cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên cách mạng Việt Nam có một Cương lĩnh chính trị toàn diện do Đảng của giai cấp công nhân đề ra. Cách mạng Việt Nam từ đó được giai cấp công nhân và chính đảng của nó thống nhất lãnh đạo, đã phát triển nhanh chóng và vững chắc”(4). Người khẳng định: “… phải kinh qua giai cấp công nhân tổ chức, đấu tranh cách mạng. Kinh qua trường kỳ xây dựng, để thực hiện chế độ cộng sản”(5).

Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 quy định ngày 1/5 là một trong
những ngày Lễ chính thức của nước ta.

Thứ ba, về điều kiện giai cấp công nhân Việt Nam làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, Hồ Chí Minh chỉ rõ:

Một là, điều kiện tiên quyết là giai cấp công nhân Việt Nam phải tổ chức ra chính đảng của mình. Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Người khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, thông qua Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03 tháng 02 năm 1930), Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”(6).

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 02 năm 1951), Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(7). Tháng 01 năm 1957, nói chuyện ở Trường Cán bộ Công đoàn, Người khẳng định: “Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”(8). Theo Hồ Chí Minh, lợi ích của Đảng với lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc là thống nhất. Về vấn đề này, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người giải thích:

“Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc. Vì những điều sau này mà quyết định tính chất ấy.

1- Đảng kết hợp phong trào cách mạng Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng giác ngộ giai cấp công nhân rành mạch, lập trường giai cấp dứt khoát, tác phong giai cấp đúng đắn. Tư tưởng của Đảng là tư tưởng của giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân.

Vì vậy, trong Đảng không thể có những tư tưởng, lập trường và tác phong trái với tư tưởng, lập trường và tác phong của giai cấp công nhân.

2- Đảng có chính cương rõ rệt: Hiện nay thì giai cấp công nhân lãnh đạo toàn dân chống đế quốc và phong kiến, để giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ mới. Ngày sau thì tiến đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

3- Đảng có kỷ luật rất nghiêm khắc, tất cả đảng viên đều phải tuân theo. Tư tưởng, chính trị và tổ chức của Đảng đều phải thống nhất. Trong Đảng không thể có những phần tử lạc hậu và đầu cơ.

4- Tất cả đảng viên phải kiên quyết phục tùng sự lãnh đạo tập trung của Đảng. Trong Đảng không thể có những phần tử hèn nhát lung lay.

5- Đảng phải luôn luôn giáo dục đảng viên về lý luận cách mạng. Đối với những đảng viên xuất thân là trí thức, tiểu tư sản, nông dân thì Đảng phải ra sức cải tạo tư tưởng khiến cho những đồng chí ấy thành những chiến sĩ của giai cấp công nhân”(9).

Luận điểm của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam vừa khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa thể hiện được nét đặc thù của Đảng ta - một Đảng ra đời từ phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gắn bó mật thiết với nhân dân lao động và dân tộc, hoà mình cùng dân tộc, gắn bó với sứ mệnh của dân tộc; kết hợp giữa giai cấp và dân tộc, dân tộc với thời đại, giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Hai là, giai cấp công nhân phải liên minh với các giai tầng và nắm quyền lãnh đạo khối liên minh ấy. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng xã hội chủ nghĩa là “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất” (10), do đó phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và các tầng khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”(11). Theo Người, giai cấp công nhân mà đội tiền phong là đảng cộng sản phải “dựa vào giai cấp công nhân, lấy liên minh công nông làm nền tảng vững chắc để đoàn kết các tầng lớp khác trong nhân dân. Có như thế mới phát triển và củng cố được lực lượng cách mạng và đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng”(12). Người nhấn mạnh “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài. Nhân dân ta hãy đoàn kết chặt chẽ dựa trên nền tảng liên minh công nông, bền bỉ phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, thì chúng ta nhất định thắng lợi”(13).

Trong khối liên minh đó, giai cấp công nhân Việt Nam phải nắm quyền lãnh đạo, kể cả họ chưa phải là lực lượng đông đảo nhất. Để giúp mọi người hiểu rõ vì sao giai cấp công nhân Việt Nam với số lượng ít lại có thể lãnh đạo được cách mạng Việt Nam, Người viết: “Có người nói: Giai cấp công nhân Việt Nam số người còn ít, không lãnh đạo được cách mạng. Nói vậy không đúng. Lãnh đạo được hay là không, là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp. Giai cấp công nhân có chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên nền tảng đấu tranh, họ xây dựng nên Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng đề ra chủ trương, đường lối, khẩu hiệu cách mạng, lôi cuốn giai cấp nông dân và tiểu tư sản vào đấu tranh, bồi dưỡng họ thành những phần tử tiên tiến. Lại có những phần tử trí thức tham gia cách mạng và vô sản hóa. Thành thử đội ngũ chính trị của giai cấp công nhân ngày càng phát triển. Mai sau, công nghệ của ta ngày càng phát triển, thì số công nhân ngày càng tăng thêm. Tuy hiện nay ở nước ta giai cấp công nhân còn nhỏ, song ở thế giới thì giai cấp công nhân rất to lớn. Cho nên quyền lãnh đạo cách mạng chỉ do giai cấp công nhân nắm”(14). Theo Người, đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Là giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Người giải thích “Lại vì là giai cấp tiền tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”(15).

Cuối cùng, Người rút ra bài học kinh nghiệm về tính tất yếu giai cấp công nhân phải liên minh với các giai tầng và nắm quyền lãnh đạo khối liên minh ấy là: “Ngay từ lúc đầu, Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc dân chủ, lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Trong lúc đó, giai cấp phong kiến đã đầu hàng đế quốc, giai cấp tư sản non yếu thì chỉ mong thoả hiệp với đế quốc để tìm một lối sống. Các tầng lớp tiểu tư sản tuy là sôi nổi, nhưng tư tưởng bế tắc, không có đường ra. Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”(16). Trong bài viết “Những lời thấm thiết”, Người đã đúc rút chân lý phổ biến:  “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà xa rời sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, là một điều không thể tưởng tượng”(17).

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu giai cấp công nhân Việt Nam cần phải nêu cao tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc tế: “Bác mong các cô, các chú giữ vững và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, của giai cấp ta. Phải hăng hái thi đua sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Phải có tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản và phải học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để xứng đáng là giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng”(18).

Giai cấp công nhân Việt Nam là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước, là lực lượng nòng cốt trong khối liên minh công - nông - trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân Việt Nam chính là ngọn cờ lý luận chỉ đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam, để họ “hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho để xứng đáng là ông chủ, bà chủ, xứng đáng là vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam, xứng đáng là một bộ phận trong gia đình xã hội chủ nghĩa” (19) như điều mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Chú thích:

(1), (2), (5), (9), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.256; tr.256; tr.292; tr.274-275; tr.257; tr.256

(3) Sđd, tập 7, tr.392

(4), (16) Sđd, tập 12, tr.365; tập 12, tr.407

(6) (13) Sđd, tập 3, tr.3; tr.3

(7), (8) Sđd, tập 7, tr.41; tr.477

(10), (13), (19) Sđd, tập 11, tr.91-92; tr.216-217; tr.111

(11) Sđd, tập 15, tr. 391

(12) Sđd, tập 13, tr.365

(14), (8) Sđd, tập 7, tr.41; tr.477

(17) Sđd, tập 9, tr.273

(18) Sđd, tập 10, tr.562

Nguyễn Bảo Minh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website