Một người Italy viết tiểu sử Bác Hồ

 

Hình ảnh Bác Hồ luôn rất gần gũi, thân quen đối với mỗi người dân Việt Nam.
Hình ảnh Bác Hồ luôn rất gần gũi, thân quen đối với mỗi người dân Việt Nam.

Lý do thôi thúc tôi viết tiểu sử về Bác Hồ thật giản dị. Ngày nay ở Italy, tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ai cũng nghe nói đến, nhưng cuộc đời cũng như nhân cách của Người không phải ai cũng biết.

Trong con người Hồ Chí Minh vừa có một chiều kích chính trị thế giới, vừa là một người Việt Nam chân chính. Muốn hiểu được hành động của Người, ta phải nhìn thấy được những hoàn cảnh mà Người đã trải qua vào các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Có thể gọi đó là bối cảnh mà Người được rèn luyện và hoạt động.

Tại Hà Nội, tôi đã được tận mắt nhìn thấy chiếc giường Người nằm lúc lâm chung. Quả thật tôi đã ngỡ ngàng vì không tưởng tượng nổi một nhân vật tầm cỡ thế giới như Người lại trông không khác gì một cụ ông bình dân, với chiếc gậy, đôi dép râu và chiếc đồng hồ reo cũ kỹ. Trong cơn xúc động tôi đã thốt lên hai chữ “Bác Hồ”.

Từ năm 1965, tôi bắt đầu quan tâm đến Việt Nam. Dĩ nhiên trước hết là về cuộc chiến, nhưng sau đó về lịch sử và văn hóa của đất nước xa xôi này. Viết tiểu sử Bác Hồ, tôi gặp 2 khó khăn đặc biệt. Trước hết, cần một chút liều lĩnh mới dám cả gan viết về lịch sử Việt Nam mà không biết tiếng Việt và như thế thì không thể sử dụng được nguồn tài liệu gốc Việt Nam. Chắc các bạn thông cảm và hiểu cho tôi điều đó. Thứ hai là trong thực tế tôi không có điều kiện để tiếp cận được nguồn tư liệu tại nhiều nước. Cách duy nhất mà tôi làm được là dựa vào những gì mà các nhà Việt Nam học nổi tiếng đã viết - gọi là “tài liệu tham khảo” đó.

Còn viết cuốn sách trong thời gian bao lâu ư? Thật tình tôi cảm thấy không việc gì mình phải gấp gáp, và kết cấu của cuốn sách cho phép tôi lần lượt trình bày các chủ đề, cuối cùng thì toàn bộ cuốn sách cũng hoàn tất. Có thể nói là đã kéo dài nhiều năm đấy.

Tôi chỉ muốn đơn giản trình bày cho người đọc Italy thấy các bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam lẫn quốc tế. Trong đó chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã được rèn luyện và hoạt động, rồi trở thành Nguyễn Ái Quốc và sau cùng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên đó mới chỉ là một sự phác thảo. Và tôi cũng xin nhắc lại rằng tôi chỉ trình bày điều đó cho độc giả người Italy, cố gắng cung cấp cho họ những mốc thời gian cần thiết. Tôi cũng tránh đi quá sâu vào việc phân tích tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh. Vì điều đó đòi hỏi trước tiên phải am hiểu ngôn ngữ Việt để có thể tiếp cận tất cả các bài viết của Người.

Cuối tiểu sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh của tôi dừng lại ở thời điểm năm 1945. Bởi tôi quan niệm rằng cuộc đời của Người sau đó hầu như đã hòa làm một với lịch sử chính trị và quân sự của hai cuộc kháng chiến. Muốn nói về cuộc đời của Người sau 1945, ta cần phải tra cứu thật kỹ càng các bài viết và diễn văn; mặt khác cũng phải nắm bắt được tiến trình quyết định ở cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Riêng tôi nhận thấy mình không thể làm nổi việc này.

Qua việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi khâm phục đức tính khiêm tốn của Người. Người luôn luôn biết sống như một con người.

Pino Tagliazucchi là một trong những thành viên năng nổ nhất trong Hội đồng Chủ tịch Hiệp hội quốc gia Italy - Việt Nam, hoạt động tích cực vì Việt Nam từ năm 1965 đến nay. Ông đã xuất bản các cuốn sách: Điện Biên Phủ, Ba nghìn ngày (năm 1969), Ca dao Việt Nam (cùng dịch và viết với giáo sư Nguyễn Văn Hoàn ở Hà Nội, năm 2000) và mới đây là Tiểu sử chính trị Hồ Chí Minh (1890 - 1945). Hiện ông còn nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam chưa xuất bản: Phong trào Cần Vương, Các vấn đề chiến lược về Điện Biên Phủ...

Mỗi chương bắt đầu với bảng ghi tóm lược hoạt động theo năm tháng, rồi đến các phần trình bày bối cảnh chính trị Việt Nam và quốc tế, giới thiệu các nhân vật nổi bật, chính đảng cách mạng khác xuất hiện trong giai đoạn nhằm đối chiếu với cuộc đời, sự lựa chọn con đường hoạt động của Bác Hồ. Phần tra cứu tư liệu cho công trình khá công phu, mỗi chương có hàng trăm ghi chú tham khảo và giải thích.

Trong các phụ lục đặc biệt có bảng giải thích hàng trăm từ tiếng Việt sang nghĩa tiếng Italy, bảng ghi hàng chục tên gọi và bí danh của Bác Hồ qua nhiều thời kỳ hoạt động và nhất là số lượng sách tham khảo mới cũ, gồm cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài, trên 200 cuốn./.

Tiểu sử chính trị Hồ Chí Minh (1890-1945)
 
Tác giả: Pino Tagliazucchi
 
NXB Harmattan, 2004, 354 trang.
 
Sách có sáu chương, gắn liền với từng thời kỳ, dưới các tên sử dụng khác nhau của Người:
 
1- Nguyễn Tất Thành (1890-1911)
 
2- Nguyễn Ái Quốc (1911-1923)
 
3- Lý Thụy (1924-1930)
 
4- Hồ Quang (1931-1940)
 
5- Hồ Chí Minh (1941-1945)
 
6- Năm 1946

 

Pino Tagliazucchi

Theo Báo Tuổi trẻ


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website