Những cách làm sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 05

Mỗi địa phương, đơn vị một cách làm sáng tạo

Chỉ thị 05-CT/TW được ban hành năm 2016, ngay sau đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số quy định, chỉ thị, kết luận về vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… Cùng với đó, các tỉnh ủy, thành ủy đã sớm ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình để thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, chỉ đạo sát sao từng nội dung công việc, đồng thời nỗ lực, cố gắng tìm tòi cách làm phù hợp với điều kiện của mình.

Năm 2019, khi tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05, nhận định chung được các tỉnh, thành, bộ, ngành nêu ra là: “đổi mới, sáng tạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 là một điểm nhấn trong 3 năm thực hiện vừa qua”. Nhiều địa phương, bộ, ngành đã xác định việc đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp làm khâu đột phá, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

"Bát nước thao trường" của Hội phụ nữ Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình

tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ giữa giờ huấn luyện - Ảnh: Lan Anh

Có thể kể qua một số chủ đề mà các địa phương đã thực hiện như: Điện Biên "Kỷ cương, hiệu quả, sát với thực tế"; Cao Bằng "Chủ động, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại"; Nghệ An "Xây dựng hình ảnh người đảng viên Nghệ An mẫu mực"; Thanh Hóa với phong trào "Xây dựng con người, cơ quan, đơn vị, địa phương kiểu mẫu"; Lâm Đồng thực hiện phương châm "Đổi mới mạnh mẽ, chủ động sáng tạo, quyết liệt hiệu quả"...

Cụ thể những chủ đề đó, nhiều tỉnh, thành phố bổ sung, xây dựng quy chế làm việc, xây dựng bộ quy tắc ứng xử theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; quy định rõ thái độ, trách nhiệm thực hiện văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở; đồng thời xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhân dân.

Nhằm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy và nâng cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhiều địa phương đã cụ thể hóa cách làm: Quảng Trị tổ chức ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và bí thư cấp ủy cấp huyện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cho cấp trưởng và cấp phó các ngành, địa phương ký bản cam kết trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Để nêu cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu, Tỉnh ủy Bến Tre, Gia Lai cũng đã công khai bản cam kết thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05-CT/TW của Bí thư Tỉnh ủy, bí thư cấp ủy cấp huyện, bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã trên phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên, nhân dân giám sát.

Việc xây dựng các mô hình cũng được chú trọng. Ví dụ như Hà Nam nhân rộng mô hình “Cải cách hành chính gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ”; Tây Ninh có mô hình “đeo huy hiệu Bác Hồ”; mô hình “Gia đình tôi học tập và làm theo gương Bác” và mô hình “Phường, xã vì dân” ở Điện Biên. Mô hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở Hải Phòng; mô hình “Nông dân phát triển bền vững”, "Hũ gạo tình thương" ở Sóc Trăng...

Đối với các ngành, cách thực hiện Chỉ thị 05 cũng được sáng tạo, điều chỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành mình. Ngành Công an có khẩu hiệu “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”…; Phụ nữ Quân đội có các phong trào, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả như: “Làm theo Bác thực hành tiết kiệm”, “Mỗi tuần (ngày, tháng) một việc tốt”, “Trạm là nhà, đường dây là trận tuyến”, “Phụ nữ Thông tin làm theo lời Bác”, “Sáng tạo huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Bát nước thao trường”,… góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của các cơ quan, đơn vị và toàn quân. Đồng bào công giáo có phong trào "Nuôi heo đất" và thực hiện cuộc vận động "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", phong trào hiến đất, hiến mô tạng…

Ngàn việc tốt dâng lên Người

 

Bác Lê Cao Thắng (phường Đức Thuận - Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh) trên phần đất hiến tặng mở đường. Ảnh: TH

Sức lan tỏa và hiệu quả khi thực hiện Chỉ thị 05 ở Công an tỉnh An Giang là một ví dụ. Từ các phong trào, cuộc vận động, tinh thần trách nhiệm trong công việc; tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ chiến sỹ và ý thức phục vụ nhân dân có sự chuyển biến tích cực; kết quả các mặt công tác, chiến đấu được nâng cao, nhất là trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự và cải cách thủ tục hành chính. Trong công tác và chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến như: 95 trường hợp nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ trong khi thi hành nhiệm vụ. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã tổ chức nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm, giải quyết các vấn đề phức tạp về trật tự an toàn xã hội; đấu tranh khám phá thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn về hình sự, ma túy… công tác điều tra, khám phá các vụ trọng án đạt tỷ lệ 94,1%; số vụ phạm pháp hình sự được 30.7% (1.103/1.592 vụ).

Với Phụ nữ quân đội, việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Qua đó, xây dựng người phụ nữ Quân đội phát triển toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hai năm qua, có 03 tập thể, 02 cá nhân đạt giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; 01 cá nhân, 01 tập thể đạt giải thưởng Phụ nữ Sáng tạo; hơn 35.000 lượt chị em được tặng bằng khen, giấy khen; gần 4.000 lượt chị em được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp; 13 phụ nữ điển hình tiên tiến được tôn vinh trong sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” cấp toàn quân; 36 tập thể và cá nhân điển hình trong phong trào “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ Quân đội phát triển kinh tế gia đình” giai đoạn 2012 - 2017, v.v.

Với phương châm “Lấy dân làm gốc”, Đảng bộ huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vạch trần âm mưu, hoạt động và luận điệu của kẻ xấu phá hoại đoàn kết dân tộc. Cán bộ, đảng viên chủ động xây dựng phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, thực hiện tốt các chính sách dân tộc theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; giải quyết các vấn đề cấp bách, đáp ứng cơ bản tâm tư, nguyện vọng, góp phần giảm bớt khó khăn về đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc; tạo động lực để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Đồng bào giáo dân ở Kim Sơn (Ninh Bình) cũng tích cực hưởng ứng chủ trương, chính sách và các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước. Để làm gương, đồng chí Nguyễn Kiên Cường, Bí thư chi bộ số 2, Đảng bộ xã Xuân Thiện là người theo đạo Công giáo đã hiến 75m2 đất, 42m2 nhà, 38m2 tường rào; cũng như vận động nhiều giáo dân tham gia hiến đất, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền xây dựng các công trình công cộng. 21 đồng bào giáo dân huyện đã tự nguyện tháo dỡ 300m2 tường rào, 3 nhà cấp 4.750m2 đất, vận động giáo họ Dũng Thúy tháo dỡ 35m tường rào và 1 căn nhà với diện tích 44m2, hiến 46m2 đất để mở đường giao thông thôn. Trong phong trào hiến tặng giác mạc, 100% số xã (27/27 xã) trong toàn huyện có với gần 11.000 người dân đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, 330 người hiến giác mạc thành công (chiếm gần 50% số lượng người hiến trên cả nước), đem lại nguồn ánh sáng quý giá cho hàng trăm người mù.

 

Các gia đình huyện Kim Sơn (Ninh Bình) có người hiến giác mạc nhận

bằng khen "Nghĩa cử  cao đẹp". Ảnh: vnio.vn

Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu, các cấp ủy, chính quyền vào cuộc một cách nghiêm túc, việc thực hiện Chỉ thị 05 sẽ phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ làm thay đổi thái độ, phong cách, cách nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, mà còn làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Từ sự nêu gương tích cực của các cấp lãnh đạo với sự đồng lòng chung sức và ủng hộ của nhân dân, Chỉ thị đã thấm sâu vào cuộc sống, dần trở thành việc làm thường xuyên, thành ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhiều người dân trong cả nước.

Kết quả thực hiện Chỉ thị 05 cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác xây dựng Đảng đã góp phần làm cho vai trò, vị trí, uy tín của Đảng, của hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt. Trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đáng phấn khởi của 03 năm qua có sự đóng góp tích cực của kết quả thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII.

Hy vọng, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập và làm theo gương Bác càng được quan tâm chú trọng; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục đi vào chiều sâu, tạo phong trào thiết thực, hiệu quả cụ thể, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Thương Huyền

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website